Học nghề ở “Trường số 9”

10:07, 26/07/2012

Trường Trung cấp Nghề (TCN) số 9 thuộc Bộ Quốc phòng (đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long) từ lâu và là địa chỉ được nhiều người tìm đến học nghề, trong đó có nhiều bộ đội xuất ngũ. Bằng những nỗ lực của mình trong đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, tư vấn giới thiệu việc làm, nhà trường đã giúp cho hàng chục ngàn học viên, trong đó có bộ đội xuất ngũ, con em gia đình chính

Trường Trung cấp Nghề (TCN) số 9 thuộc Bộ Quốc phòng (đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long) từ lâu và là địa chỉ được nhiều người tìm đến học nghề, trong đó có nhiều bộ đội xuất ngũ. Bằng những nỗ lực của mình trong đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, tư vấn giới thiệu việc làm, nhà trường đã giúp cho hàng chục ngàn học viên, trong đó có bộ đội xuất ngũ, con em gia đình chính sách, người dân tộc có nghề nghiệp vững vàng và tạo dựng được cuộc sống ổn định.


Khi có chứng chỉ nghề, lao động dễ kiếm việc làm và thu nhập cũng cao hơn.

Địa chỉ được nhiều “bộ đội” tìm đến

Phần lớn thanh niên trước khi nhập ngũ đều chưa được đào tạo nghề nghiệp nên khi xuất ngũ, họ đều mong muốn có một nghề ổn định. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, quân đội đã có chính sách phù hợp giúp bộ đội sau khi xuất ngũ được học nghề và có việc làm phù hợp.

Trường TCN số 9 nằm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, có cơ sở vật chất khá đồng bộ. Hiện có 8 ngành nghề đào tạo hệ trung cấp và 28 ngành nghề đào tạo sơ cấp. Hàng năm, nhà trường đào tạo khoảng 9.000 học viên (tuyển mới khoảng 5.000 học viên), trong đó có khoảng 4.000 bộ đội xuất ngũ khu vực ĐBSCL.
Anh Võ Minh Trung (Phường 9- TP Vĩnh Long) sau 18 tháng phục vụ trong quân đội đã xuất ngũ và được cấp một thẻ học nghề miễn phí. Thông qua buổi tư vấn nghề, anh tìm đến Trường TCN số 9 với lý do “đây là trường đào tạo nghề của quân đội nên rất tin tưởng”. Anh cho biết: “Trước ngày xuất ngũ, đơn vị cũng tư vấn mình các địa điểm đào tạo nghề, trong đó có Trường Dạy nghề số 9 để “chọn mặt gửi vàng”. Và qua tìm hiểu, được biết trường cũng đào tạo cho cán bộ của Quân khu nên rất an tâm theo học”. Sau khóa học sửa chữa xe gắn máy, anh về nhà mở cơ sở nhỏ tại nhà. Theo anh Trung, trước khi đi bộ đội cũng có học lóm nghề này, giờ được học bài bản nên ra nghề nhiều anh em lại sửa và khen lắm. Làm được một thời gian, thấy anh cần cù chịu khó, lại có tay nghề tốt nên một người hàng xóm đề nghị anh về làm tại cơ sở bán phụ tùng xe gắn máy của mình, công việc và thu nhập của anh từ đó khấm khá hơn. Anh nói: “Hiện tại thu nhập một ngày của tôi khoảng từ 150.000- 200.000đ. Ngoài ra, tôi còn kiếm mua xe máy cũ về sửa bán lại cũng thêm được chút ít”.

Tại các khoa của Trường TCN số 9 không khó để tìm các học viên là bộ đội xuất ngũ đang theo học tại đây. Anh Nguyễn Văn Tú (huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ) còn ấp ủ nhiều dự định trong tương lai: “Sau khi xuất ngũ, tôi qua đây đăng ký học nghề luôn. Hiện tôi đang theo học nghề điện công nghiệp vì nhà trường tư vấn ngành này đang có nhu cầu cao. Sau khi học xong, nếu có điều kiện tôi sẽ đi xuất khẩu lao động”. Anh Lê Tuấn Kiệt (xã Tân Phú- Tam Bình) đang theo học nghề cơ khí chế tạo cũng vui vẻ: “Trước khi xuất ngũ, tôi dự định về quê làm ruộng, nhưng được đơn vị tư vấn, với lại cũng được cấp thẻ học nghề miễn phí nên đăng ký học luôn. Nghe nhà trường nói, lương ngành này mới ra trường thấp cũng 3 triệu đồng/tháng và nguồn cung không lúc nào đáp ứng đủ cho các doanh nghiệp nên phấn khởi lắm”.

Đầu tư đồng bộ các nghề trọng điểm

Theo Trung tá Lê Ngọc Anh- Phó Trưởng Phòng Đào tạo- Trường TCN số 9, hiện bộ đội xuất ngũ có thẻ học nghề sẽ được học miễn phí. Ngoài ra, nhà trường còn đảm bảo cho các em ở ký túc xá miễn phí. Đối với những trường hợp đăng ký học sơ cấp, nếu tính hết các chi phí mà còn dư ra, nhà trường sẽ hỗ trợ một phần tiền ăn. Ngoài bộ đội xuất ngũ, với đối tượng con em gia đình chính sách thì nhà trường cũng miễn giảm 10% học phí, hỗ trợ chỗ ở.

Hàng năm, ngoài đào tạo nghề, nhà trường chú trọng công tác tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho học viên. Trung tá Lê Hùng Cường- Giám đốc Trung tâm Tư vấn giới thiệu việc làm- Trường TCN số 9 cho biết: “Hàng năm, nhà trường tổ chức tư vấn nghề và việc làm tại các đơn vị có bộ đội đóng quân. Song song, liên kết với các trung tâm dạy nghề, các khu chế xuất để giới thiệu học viên sau đào tạo. Qua khảo sát, khoảng 70% học viên có việc làm và thu nhập ổn định”. Cũng theo Trung tá Lê Hùng Cường, nếu có nhu cầu học viên sẽ được học liên thông lên hệ cao đẳng, đại học.

Nói về hướng tới, Trung tá Lê Ngọc Anh cho biết, trường đang tập trung đầu tư cho 3 nghề trọng điểm đang có nhu cầu rất lớn hiện nay là: điện công nghiệp, công nghệ ôtô và kỹ thuật sửa chữa lắp ráp máy vi tính. Dự kiến cuối năm nay, nhà trường được nâng lên thành cao đẳng nghề, do vậy trường đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo từng nghề nhằm đáp ứng theo chương trình đào tạo hệ cao đẳng nghề.

Ngày 9/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề. Theo đó, từ năm 2010, quân nhân xuất ngũ được cấp 1 thẻ học nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu chung. Bộ đội xuất ngũ có thể đăng ký học nghề miễn phí tại bất cứ trường nghề công lập nào. Đây là một chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tạo cơ hội lớn cho quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự có được học nghề, tìm được việc làm, nhanh chóng tạo dựng cuộc sống và sự nghiệp.


Bài, ảnh: THANH NGHI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh