Nhìn dưới góc độ của thầy và trò

01:07, 18/07/2012

Đổi mới phương pháp giáo dục luôn được ngành giáo dục quan tâm, đặc biệt là giáo dục đại học. Đổi mới nhằm tăng tính tự học, phát huy vai trò tự chủ, sáng tạo trong sinh viên (SV).


Giảng viên và sinh viên cùng trau đổi phương pháp dạy và học (Ảnh chụp tại Trường Đại học Xây dựng Miền Tây).

Đổi mới phương pháp giáo dục luôn được ngành giáo dục quan tâm, đặc biệt là giáo dục đại học. Đổi mới nhằm tăng tính tự học, phát huy vai trò tự chủ, sáng tạo trong sinh viên (SV).

Dạy: lấy người học làm trung tâm

SV không phải là học sinh (HS) cấp… 4, mà là người trưởng thành, ngoài giáo dục kiến thức nâng cao trình độ, các bạn cần được rèn ý thức tự học và tự lập. Và để đạt được hiệu quả của việc đổi mới, thầy Trần Đình Tân- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây cho rằng “đổi mới phương pháp dạy thì phải đổi mới phương
pháp học”.

Bước đầu đổi mới phương pháp học tập được đánh dấu bằng sự chuyển tiếp từ học theo niên chế sang học tín chỉ. Điểm khác biệt trước hết là rút ngắn thời gian học trên lớp để SV có thời gian học tập tại nhà. Điều này, đòi hỏi giáo trình phải thực sự cô đọng, súc tích, phương pháp dạy phải gợi mở, thu hút.

Một vấn đề không thể phủ nhận là việc học của nhiều SV còn dừng lại ở việc ghi chép. Học trò trở thành bản sao của người thầy, mà bản sao ấy không được đầy đủ chi tiết như thầy. Đây là lối mòn quen thuộc của HS phổ thông. Một giáo viên dạy Anh văn tại trường cho biết: “Trong một giáo trình dạy chứng chỉ (Interactions) do nước ngoài biên soạn mà tôi từng dạy có hình cô giáo dạy vẽ một con mèo và các HS phương Đông đã vẽ theo kiểu bê y khuôn, trong khi HS phương Tây lại có sự sáng tạo khác. Tôi thấy buồn trước sự thật này. Dĩ nhiên bản thân phải thay đổi để HS sáng tạo”.

Việc học các môn lý luận Mác- Lê-nin có thể là “cực hình” với nhiều SV nhưng điều này còn phụ thuộc vào cách dạy của người thầy. Bạn Trần Thị Như Ngọc- SV Trường Đại học Cần Thơ cười: “Môn Tư tưởng Hồ Chí Minh do thầy Búa dạy luôn làm cho lớp hào hứng. Mỗi khi đăng ký học phần SV hay tranh nhau đăng ký học lớp của thầy”. Cũng theo Như Ngọc thì “việc có nhiều thời gian học ở nhà để tự nghiên cứu tài liệu là rất tốt. SV cũng có ý thức tự học hơn, bằng chứng là trung tâm học liệu của trường ngày
càng đông”.

Một thực tế là khi thầy dạy thu hút, vui vẻ, tạo cho SV một bầu không khí học nhẹ nhàng thì tình trạng SV trốn học hay ngủ gật trong giờ học vì thế cũng giảm đáng kể.

Học như thế nào?

Một khi thầy đổi mới phương pháp dạy thì trò phải thay đổi cách học. Nhưng thay đổi như thế nào? “Sự học như con thuyền ngược nước nếu không tiến ắt sẽ lùi”, vậy nên người học phải luôn phấn đấu vươn lên, có ý thức tự học, tự chủ. Nhiều SV Trường Đại học Xây dựng Miền Tây có học lực giỏi, xuất sắc đã nêu ra các biện pháp học tập mang lại hiệu quả. SV Hồ Thị Yến Nhi- Lớp K9C1 cho rằng, mỗi SV có cách học riêng tùy theo khả năng và hoàn cảnh. Riêng Yến Nhi: “Trước khi đến lớp xem giáo trình và làm dấu những phần chưa hiểu để nghe kỹ phần đó trên lớp”.


Học lý thuyết đi đôi với thực hành.

Việc giữ gìn vở sạch chữ đẹp cho SV tuy không cần thiết lắm, nhưng chí ít thì SV cũng phải ghi bài vở rõ ràng để dễ xem, dễ đọc lại sau này. Không nên nghỉ buổi học cuối cùng vì nó rất quan trọng; khi kết thúc môn giảng viên sẽ nhấn mạnh phần trọng tâm hoặc giới hạn đề thi. Một điều mà theo Yến Nhi, các SV cần lưu ý thêm là “tiếp thu có chọn lọc”, vì bộ nhớ của chúng ta có hạn nếu quá ôm đồm có thể “tẩu hỏa nhập ma”.

Việc học cần xem đi xem lại nhiều lần và đảm bảo học có hiệu quả. Tránh học vẹt trước thi hoặc chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Điều cấm kỵ của học là tránh “vừa nằm vừa học”, vì đây được xem là phương pháp đi đến giấc ngủ nhanh nhất.

Đối với SV Lê Thị Thiên Kiều– lớp XD11C9 thì SV nên chú ý đến “hiệu quả của việc lắng nghe”. Cảnh SV ngồi học yên ắng để rồi “luôn luôn lắng nghe nhưng lâu lâu mới hiểu” thì chẳng ích lợi gì. “Tập trung nghe, hiểu- ghi lại, chú ý những điểm giáo viên nhắc đi nhắc lại nhiều lần”.

Có một thời gian học tập hợp lý cũng mang đến kết quả tốt. Nhiều SV khá, giỏi cho rằng thức càng khuya thì khả năng tiếp thu bài càng chậm hơn. Điều quan trọng là SV tìm ra phương pháp phù hợp với mình để đạt được kết quả tốt nhất.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh