Cuối năm học, một số học sinh lớp tôi yêu cầu: “Cô cho em xin chữ ký nha!” Tôi hỏi: “Cô ký vào đâu?” “Vào áo nè cô!”- em nhanh nhảu trả lời và khom người cho tôi ký tên.
Cuối năm học, một số học sinh lớp tôi yêu cầu: “Cô cho em xin chữ ký nha!” Tôi hỏi: “Cô ký vào đâu?” “Vào áo nè cô!”- em nhanh nhảu trả lời và khom người cho tôi ký tên. Tôi không tán thành việc làm đó, cảm thấy có gì đó buồn buồn, nhưng cũng từ tốn nói rằng: “Ký trên áo thì cô không ký đâu”. Các em thắc mắc, tôi lại bảo: “Cô biết các em muốn lưu chữ ký để làm kỷ niệm nhưng không nên ký vào áo mà có thể ký vào quyển lưu bút thì sẽ hay hơn. Ký trên áo không lưu được lâu, không có thẩm mỹ lại không thể hiện được sự trang trọng”.
Rồi tôi kể cho em nghe về quãng đời học sinh của mình gắn liền với quyển lưu bút. Có thể nói, thời học sinh là quãng thời gian đẹp nhất của đời người. Lưu bút luôn chứa đầy kỷ niệm: hình ảnh, chữ ký, lời tâm sự, nhắn nhủ, bài thơ, bài hát... Bảo quản kỹ lưu bút, về sau khi giở ra xem, chúng ta sẽ cảm nhận được giá trị của nó và kỷ niệm đẹp thời học sinh lại trỗi dậy...
Còn viết, vẽ trên áo vừa không lưu giữ được lâu vừa vi phạm nội quy nhà trường. Chưa kể, chiếc áo ấy có thể dùng lại cho năm học sau hoặc tặng lại cho các bạn nghèo cũng thật có ý nghĩa. Vả lại, đối với học sinh lớp 9 sau lễ tổng kết, các em sẽ tiếp tục học bồi dưỡng để thi tuyển vào lớp 10. Với chiếc áo đầy ắp chữ viết, liệu các em có thể mặc nó vào trường? Nếu thay chiếc áo mới thì sẽ tốn kém tiền bạc mẹ cha.
Những ngày sau đó, các em dừng ngay việc ký tên trên áo, lại rất vui vẻ đưa tôi quyển lưu bút: “Cô cho em xin chữ ký làm kỷ niệm”. Tôi vui lòng đặt bút ký và không quên tặng cho các em những lời chúc tốt đẹp.
CẨM THÙY
(Long Hồ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin