Sự bỏ quên vô tình...

01:06, 20/06/2012

Không biết tự lúc nào ta không nhớ rõ lịch sử nước ta, chỉ nhớ mang máng kiểu “râu ông này cắm cằm bà kia”. Rồi một ngày đẹp trời sau khi xem một bộ phim Trung Quốc, ta và mấy đứa bạn lại tranh cãi nhau về triều đại nhà Thanh. Bỗng giật mình…

Không biết tự lúc nào ta không nhớ rõ lịch sử nước ta, chỉ nhớ mang máng kiểu “râu ông này cắm cằm bà kia”. Rồi một ngày đẹp trời sau khi xem một bộ phim Trung Quốc, ta và mấy đứa bạn lại tranh cãi nhau về triều đại nhà Thanh. Bỗng giật mình…

Ta cũng tự hào là người yêu nước, đã từng đi mấy chiến dịch hè tình nguyện, đã tất bật bầu chọn vịnh Hạ Long,… Vậy mà, ta quên mất triều Nguyễn, triều đại cuối cùng có mấy vị vua, ai người cuối cùng? Vậy mà ta lại nhớ rành rọt như in các đời vua quan bên xứ người. Ta sính ngoại quá chăng, ta mất gốc hay sao? Và, tại sao lại thế?

Không, không lai căng cũng không “sính ngoại” mà chúng ta bị ảnh hưởng văn hóa nước khác bằng nhiều cách vừa nhẹ nhàng vừa hấp dẫn mà lại thấm sâu, như phim ảnh chẳng hạn. Và khi giật mình, ta mới ngộ ra, ta rành lịch sử ở đâu đâu chứ xứ ta thì… ta không rõ.

Đừng đổ lỗi cho ai, chắc tại mình mà cũng tại người, tại mình không tập trung học hành chăm chỉ môn Lịch sử. Tại mỗi khi ta cầm quyển Lịch sử định xem thì lại tới giờ xem phim. Tại những phim ta xem toàn là phim cổ trang nước ngoài chứ trong nước thì chỉ đếm trên đầu ngón tay...

Ta biết, đâu phải nước ta không có người tài cho ta nhớ? Ta biết những tên đường dọc ngang là có biết bao anh hùng ngã xuống...

Tự dưng lại thấy lo, đến một ngày không còn một chứng nhân lịch sử, không còn những ông bà hàng ngày cứ kể chuyện chiến tranh thì liệu một dân tộc hào hùng qua biết bao thế hệ đã đấu tranh gìn giữ quê hương, đất nước này có còn được nhớ?

Do vậy, cần lắm sự đa dạng trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử- văn hóa của dân tộc, để các thế hệ tiếp sau và mãi sau luôn tự hào về dân tộc mình.

CHI LINH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh