Những mô hình máy hốt rác, máy gặt đập, bẫy chuột an toàn,… chỉ là những sáng tạo “nho nhỏ” của các học sinh (HS) tham gia hội thi “Ý tưởng sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng”. Nhưng qua đấy, có thể thấy ý thức bảo vệ môi trường của các em bằng việc tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm. Hơn hết, cuộc thi đã khơi gợi sự sáng tạo, giúp HS ý thức tốt hơn về cuộc sống quanh mình.
Yến Phương vui vẻ khoe bộ tách trà của mình.
Những mô hình máy hốt rác, máy gặt đập, bẫy chuột an toàn,… chỉ là những sáng tạo “nho nhỏ” của các học sinh (HS) tham gia hội thi “Ý tưởng sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng”. Nhưng qua đấy, có thể thấy ý thức bảo vệ môi trường của các em bằng việc tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm. Hơn hết, cuộc thi đã khơi gợi sự sáng tạo, giúp HS ý thức tốt hơn về cuộc sống quanh mình.
Điều đáng ngạc nhiên ở lần tham gia hội thi ở Vĩnh Long năm nay là sự tham gia của đông đảo HS, đặc biệt là các HS tiểu học. Sản phẩm có thể chỉ là một chú heo có tên “ủn ỉn”, hay một bộ cờ nhào làm bằng ly đựng thạch dừa,… đơn giản nhưng đầy màu sắc.
Cầm bộ bình tách trà được làm từ những chai sữa đã uống hết, bé Nguyễn Yến Phương lớp 1/4 Trường TH Lưu Văn Liệt (Tam Bình) mắt tròn xoe: “Con thấy những chai sữa rất cứng và đẹp nên uống xong con giữ lại và cắt làm bình, tách trà”. Bộ tách trà bé bé xinh xinh của Yến Phương chắc chỉ đủ cho… em uống nhưng trông rất bắt mắt được làm bằng vỏ chai sữa loại 100ml, quai cầm làm bằng ống hút. Tách trà còn được trang trí nhiều hoa lá. Yến Phương cười: “Con đã rót trà vào uống thử khi… chơi nhà chòi” và mong “con có thể tự làm đồ chơi, vừa đỡ xin tiền mẹ lại vừa vui”.
Trong một lần uống hết lon nước yến mà quên bỏ vào sọt rác, em Nguyễn Lê Xuân Hoa- HS lớp 4/1 Trường TH Tân Mỹ A (Trà Ôn) đã bắt được… chuột. Vậy là ý tưởng làm bẫy chuột an toàn cũng xuất hiện. Xuân Hoa nói về sản phẩm của mình “cho một ít thức ăn làm mồi bỏ vào lon nước yến đã khui nắp rồi đặt lon nước gần hũ gạo, bao lúa, những nơi chuột hay tới, chúng vào tìm mồi rồi không quay ngược ra được”. Xuân Hoa còn nghĩ rằng nếu bắt chuột ngoài đồng thì phải chôn lon nước yến xuống đất để tránh đổ lon, bắt chuột trên cây thì xỏ dây treo lon lên. Còn có rất nhiều những món đồ chơi, được làm từ vật liệu phế thải như mô hình sông nước miền Tây, cá ngũ sắc,... Theo ông Nguyễn Hiếu Nhân- Phó Trưởng Phòng GD- ĐT huyện Tam Bình: “Những sản phẩm tuy còn đơn sơ nhưng đã thể hiện tính tìm tòi, học hỏi sáng tạo và ý thức bảo vệ môi trường của các em”.
Nguyễn Hữu Trung chạy thử xe hốt rác cho mọi người cùng xem.
Tận dụng những moteur của các xe đồ chơi bị hỏng, em Nguyễn Hữu Trung- HS Trường THCS Vĩnh Xuân đã làm mô hình một chiếc xe hốt rác. Hữu Trung cho biết: “Em thấy mấy xe chở rác ngoài đường toàn do mấy cô chú công nhân vệ sinh hốt trực tiếp nên muốn có một chiếc xe biết quét cho mọi người đỡ cực nhọc”. Nghĩ là làm, sau gần một tuần mày mò với nhiều lần thất bại, Nguyễn Hữu Trung đã làm ra một chiếc xe khá tươm tất. Trước xe được lắp ráp một đồ xúc rác, một mo hốt rác, trên thân xe là thùng chứa rác. Chiếc xe có thể chạy theo ý người điều khiển, đồng thời còn có nút điều khiển xúc rác. Hữu Trung vui vẻ chạy thử chiếc xe cho mọi người xem, vừa nói: “Em đã làm thất bại khoảng 2- 3 lần rồi nó mới chịu chạy được vầy đó”. Cũng với ý thức giữ gìn môi trường xanh- sạch- đẹp, nhiều HS còn có các sản phẩm như thùng rác thông minh có 4 ngăn riêng để phân loại rác: có thể tái chế, không thể tái chế, rác cứng và rác mềm. Còn có cả những chiếc máy gặt đập liên hợp dù là mô hình nhưng trông đồ sộ và “đa tính năng” hơn cả máy gặt đập thông thường, như có thêm dây an toàn cho người hứng lúa, có 2 đầu ra lúa chắc, một đầu ra lúa lép,…
Thầy Nguyễn Phương Toàn- Trưởng Phòng Trung học Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Có thể thấy được ý tưởng sáng tạo của HS qua các sản phẩm. Đây là lần đầu tiên Vĩnh Long tham gia hội thi nên sản phẩm của các em còn đơn sơ, tin rằng thời gian tới sẽ có nhiều sản phẩm chuyên nghiệp và thông minh hơn”.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin