Sản phẩm của sự đoàn kết

01:06, 06/06/2012

Để tạo hứng thú cho học sinh (HS) trong môn Địa lý- vốn được các em cho là “khó nuốt”, những giáo viên tổ Sử Địa của Trường Trung học cấp II- III Mỹ Phước (Mang Thít) đã chung tay làm “Lược đồ công nghiệp năng lượng và các vùng kinh tế Việt Nam”. Dụng cụ dạy học này vừa được Sở GD- ĐT Vĩnh Long trao giải nhất cuộc thi “Đồ dùng dạy học cấp tỉnh”.


Lược đồ công nghiệp năng lượng các vùng kinh tế Việt Nam trong hội thi đồ dùng dạy học năm 2012.

Để tạo hứng thú cho học sinh (HS) trong môn Địa lý- vốn được các em cho là “khó nuốt”, những giáo viên tổ Sử Địa của Trường Trung học cấp II- III Mỹ Phước (Mang Thít) đã chung tay làm “Lược đồ công nghiệp năng lượng và các vùng kinh tế Việt Nam”. Dụng cụ dạy học này vừa được Sở GD- ĐT Vĩnh Long trao giải nhất cuộc thi “Đồ dùng dạy học cấp tỉnh”.

Lược đồ đa cấp

Hôm gặp chúng tôi, cô Hiệu trưởng Lê Thị Kim Em tự hào: “Đây là lần đầu tiên trường được giải thưởng này. Cuối năm trường sẽ có phần thưởng nho nhỏ cho tổ”. Hiểu được những khó khăn của HS khi học các phần Địa lý về công nghiệp năng lượng (chương trình lớp 12) và các vùng kinh tế (lớp 9), cả tổ Sử Địa gồm 9 thành viên đã cùng làm lược đồ để các em dễ hiểu từ nhiều năm qua. Và năm nay mới trang hoàng cho đẹp và đầy đủ hơn.

Nói là lược đồ đa cấp vì cấp II hay III đều sử dụng được. Nào là phần đặc điểm sông ngòi, các vùng kinh tế trọng điểm rồi sự chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ,… mà HS chỉ xem ảnh bé xíu trong sách rồi… tưởng tượng, rất khó lòng mà hiểu được thì nay, điểm nổi bật của lược đồ là dễ hiểu. Em Trịnh Văn Hoài Thanh- HS lớp 12A1 cho biết: “Nhìn vào em có thể hiểu ngay. Hình ảnh, màu sắc rất hài hòa, nhiều màu mà không rối”. Được cấu tạo đơn giản bởi giấy màu xốp, dây điện và bóng đèn nhưng lược đồ không chỉ đẹp mà còn có tính khoa học. Các vùng kinh tế được chia ranh giới rõ ràng, địa danh ép keo dán cẩn thận. Những sợi dây điện màu xanh là sông ngòi, màu đỏ tượng trưng cho đường dây điện 500KV, màu đen đường dây 220KV. Cô Phan Thị Minh Lan- Tổ trưởng tổ Sử Địa của trường nhớ lại bước đầu thực hiện: “Dây điện dán trực tiếp lên miếng xốp cứ bung ra, cuối cùng chúng tôi nghĩ ra cách dùng lưỡi lam rạch đường rồi nhét sợi dây điện có tẩm keo vào”- Cô Lan cười, nói thêm: “Nhờ nhiều người, mỗi người mỗi đóng góp và tu bổ làm cho lược đồ đẹp mà chắc chắn hơn”. Ngoài ra, lược đồ còn bắt mắt với các màu xanh, đỏ vàng của bóng đèn chỉ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện… Các bóng đèn này lại có công tắc riêng, giúp giáo viên dễ sử dụng.

Lược đồ đã thu hút HS đến gần hơn với môn Địa lý. Em Cù Thị Mộng Thùy- HS lớp 12 cho biết: “Nhờ đó mà em thấy dễ học dễ hiểu hơn, các kiến thức nhờ vậy mà dễ thấm sâu hơn”.

Sản phẩm của sự đồng lòng

Điều mà thầy cô trong trường tự hào nhất chính là sự đoàn kết để góp ý cho sản phẩm của mình làm thêm đẹp. 2 tuần liền kể từ ngày quyết định đem sản phẩm đi thi, các giáo viên trong trường đã cùng nhau tu bổ cho lược đồ thêm đẹp, hữu ích. Cô Minh Lan nói: “Mỗi giáo viên cứ rảnh là làm, làm việc thay phiên nhau mỗi người một công đoạn.” Do đó, đây thật sự là sản phẩm của tập thể. Cô Minh Lan giới thiệu: “Như cô Mai dạy Lịch sử nè! Vậy mà tham gia làm nhiệt tình lắm nên đợt thi rồi lược đồ do cô thuyết trình suôn sẻ lắm”. Trong khi đó, cô Mai lại cười hiền: “Nhờ bản đồ dễ hiểu nên một giáo viên dạy Lịch sử như tôi cũng có thể thuyết trình cho tác phẩm một cách dễ dàng”.


Lược đồ giúp HS nắm kiến thức nhanh hơn.

Làm ra sản phẩm đã khó mà việc “rinh” nó đi thi càng khó hơn. Đường đi từ Mỹ Phước lên TP Vĩnh Long gần 20km nhưng khá gồ ghề. Cô Minh Lan và cô Mai phải “nâng như nâng trứng”. Cho nên khi biết kết quả, các cô không kìm được niềm vui liền gọi báo ngay…

Lược đồ mang lại sự thuận lợi trong học tập. Và với Trường TH cấp II– III Mỹ Phước, hơn thế, đó còn là sản phẩm của sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể giáo viên hết lòng vì học sinh thân yêu.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh