Trường THPT Phạm Hùng (huyện Long Hồ, Vĩnh Long), là nơi các thế hệ thầy cô giáo, học sinh (HS) ý thức được rằng, giữa trách nhiệm và nhiệm vụ chuyên môn thì giáo dục truyền thống, “dạy người” cho HS luôn đồng hành.
Trường THPT Phạm Hùng (huyện Long Hồ, Vĩnh Long), là nơi các thế hệ thầy cô giáo, học sinh (HS) ý thức được rằng, giữa trách nhiệm và nhiệm vụ chuyên môn thì giáo dục truyền thống, “dạy người” cho HS luôn đồng hành. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng, chúng tôi có hành trình về thăm ngôi trường vinh dự được mang tên bác. Rồi cùng ngược lên thăm Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang)– Collège de My Tho xưa, nơi bác Phạm Hùng một thời theo học.
Song hành dạy chữ, dạy người
Học sinh Trường THPT Phạm Hùng nguyện noi gương bác Hai Phạm Hùng!
|
Năm nào trường cũng tổ chức cho HS là đoàn viên, thanh niên trường tham gia các hoạt động dã ngoại, học tập tại khu tưởng niệm của bác Phạm Hùng. Riêng năm học 2011- 2012, trường tổ chức cho tất cả giáo viên, HS trường đi tham quan học tập tại nơi này để giáo dục sâu sắc hơn về cuộc đời và sự nghiệp của bác Phạm Hùng...
Cô Huỳnh Minh Hoàng- giáo viên dạy Văn có 25 năm gắn bó ngôi trường cùng những thăng trầm. Điều cô Hoàng rút ra trong đời chuyên môn của mình là “lòng yêu thương học trò và nhiệt tình giảng dạy cho đến tận hôm nay, y như những ngày đầu bước vào nghề giáo”.
Trong tiết dạy, cô luôn lồng ghép truyền cho học trò ý thức, lòng tự hào mái trường, tình yêu thương con người, tính nhân văn và ý nghĩa lịch sử... “Văn là người, học văn là học làm người. Tiết dạy học của tôi 25 năm qua luôn được quan niệm như thế để bắt đầu đối với mỗi thế hệ học trò”, cô Hoàng nói.
Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hùng Huỳnh Thái Bình cho biết, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng, trường được Sở GD-ĐT Vĩnh Long đầu tư tu bổ các hạng mục: sơn toàn bộ trường, thay mới la-phông, đèn, quạt các phòng học và xây dựng sảnh đón khách. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 1,7 tỷ đồng.
|
Nhắc tới Trường Collège de My Tho, hẳn nhiều người có tuổi biết.
Ngôi trường đã 133 tuổi, nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), xưa kia là nơi học tập của nhiều danh nhân, hiền tài cả Nam kỳ lục tỉnh. Ngôi trường đã in dấu chân của những học trò mà sau này trở thành những nhân vật kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, như: Trần Đại Nghĩa, Phạm Hùng,... của chúng ta.
Với cô Hoàng, một điều trùng hợp nữa là nguyện vọng ngày thơ của cô đã đạt thành như ước muốn. Đó là khi học ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh gần xong, cô về thực tập ngay tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, ước mơ sau khi ra trường sẽ về phục vụ quê hương càng thêm thôi thúc. “Mình chỉ có nguyện vọng duy nhất là về dạy học ở quê hương để “tri ân”, “trả nghĩa” cho quê hương, để thêm yêu thương mảnh đất này. Mình sống, làm việc luôn ý thức với bổn phận và trách nhiệm mà còn là danh dự và uy tín mình, với nghề, với học trò, với quê hương...”- cô Hoàng trải lòng.
Tự hào, phấn đấu tương lai...
Tách ra từ Trường Cấp 2- 3 Phạm Hùng năm 2007, 5 năm qua tập thể sư phạm và học trò Trường THPT Phạm Hùng đã dần khẳng định được tên tuổi ngôi trường của ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long. “Cơ sở vật chất trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng tốt nhu cầu dạy học theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy”- Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Hùng, thầy Huỳnh Thái Bình cho biết.
Tỷ lệ HS giỏi tỉnh các năm qua của trường đáng ghi nhận. Hiện 100% giáo viên trường đạt chuẩn, trong đó có 11 giáo viên đã, đang học cao học. Danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh hiện tại là 16/116 người. Tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT 4 năm học qua từ 83% đến trên 92%.
Em Phạm Võ Yến Anh học lớp 10T1 nói: “Được học dưới mái trường mang tên bác Phạm Hùng, em thấy tự hào với truyền thống của quê hương. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô”.
Chia sẻ lúc sắp chia xa mái trường khi chỉ còn không đầy 2 tuần nữa là thi tốt nghiệp, Trần Thị Ngọc Hân, HS xuất sắc toàn trường năm học 2011- 2012 với điểm bình quân các môn 9.1, xúc động nói: “Các bậc tiền nhân hiền tài của dân tộc luôn gây cho em một cảm giác ngưỡng mộ đặc biệt, như bác Trần Đại Nghĩa, bác Phạm Hùng,... Đó là những nhà lãnh đạo tài năng của đất nước, là những người con của quê hương mình. Được học dưới mái trường này là niềm tự hào nhất của em”.
Thầy Lê Bá Ngọc- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang)– ngôi trường 133 năm trước do người Pháp sáng lập với tên ban đầu là Collège de My Tho– cho biết trường đã khởi công xây dựng lại mới từ nguồn đầu tư của tỉnh với kinh phí 154 tỷ đồng. Và trường xây dựng mới nhưng vẫn giữ lại những nét kiến trúc của Pháp trước đây.
133 năm qua từ khi hình thành, tồn tại, phát triển với 13 đời hiệu trưởng người Pháp, ngôi trường là nơi nhiều danh nhân văn hóa, cách mạng, nhà chính trị,... khắp miền Nam theo học. Tự hào hơn, thời đó, đây là ngôi trường trung học đầu tiên khu vực phía Nam, đứng thứ 3 theo thời gian so với Trường Bưởi (phía Bắc) và Trường Quốc học Huế (miền Trung). Cùng với Trường THPT chuyên Tiền Giang, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu là các đơn vị dẫn đầu tỉnh về chất lượng các mặt giáo dục.
Kết nối truyền thống để hướng tới tương lai (chụp tại phòng truyền thống của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu).
|
Có mặt tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu sáng 21/5, các HS khối 12 đang làm lễ tri ân và trưởng thành, chuẩn bị xa thời phổ thông. Võ Thị Thu Ngọc và Nguyễn Lê Thúy Nga, như hàng trăm HS khác quyến luyến phút chia tay... Các em đi thắp hương trước tượng nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, rồi ôn lại truyền thống nhà trường để nhắc nhở mình phấn đấu hơn nữa trên bước đường kiến thức.
Kết nối quá khứ làm hành trang chinh phục tương lai, đang hiện hữu trong từng lời dạy dỗ của các cô thầy, rạng ngời tự tin trên nét mặt của trò– chúng tôi cảm nhận được điều đó từ các thế hệ hiện tại của các trường trên trong hành trình về thăm lại hôm nay...
133 năm trước, ngày 17/3/1879 trường được chính thức thành lập, với tên là Collège de My Tho. Năm 1942 trường có tên Collège Le Myre De Villers. Đến năm 1953 trường mang tên nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đến ngày nay. Giữa năm 1928, Chi bộ cơ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội được bí mật thành lập. Đến cuối năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập, đồng chí Phạm Hùng (tên thật là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912 tại làng Long Hồ, Châu Thành, Vĩnh Long- nay là xã Long Phước, Long Hồ, Vĩnh Long), HS của trường là Bí thư chi bộ đầu tiên. Nhiều HS trường thời điểm này tham gia hoạt động cách mạng bị đuổi học.
|
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin