Mỗi trường mỗi cảnh

07:05, 30/05/2012

Các trường THPT trong tỉnh vừa qua cơn “đầu tắt mặt tối” để hoàn tất hành trang thi tốt nghiệp cho học sinh (HS). HS sẽ được nghỉ ngơi tại nhà chuẩn bị, chờ 2/6 “ứng thí”.


Thầy trò Trường TH Cấp II- III Mỹ Phước những ngày căng sức chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến.

Các trường THPT trong tỉnh vừa qua cơn “đầu tắt mặt tối” để hoàn tất hành trang thi tốt nghiệp cho học sinh (HS). HS sẽ được nghỉ ngơi tại nhà chuẩn bị, chờ 2/6 “ứng thí”.

Mỗi trường mỗi cảnh

Cùng tổ chức ôn thi tốt nghiệp nhưng ở các trường khác nhau thì có những “chiêu” “nấu sử sôi kinh” riêng để HS của mình đạt kết quả cao nhất. Thậm chí mỗi lớp trong trường lại có đặc thù riêng vì vậy mà cần cách dạy riêng cho phù hợp.

Những trường THPT có mặt bằng HS đầu vào thấp, việc ôn luyện thường lắm nhiêu khê, Trường THPT Trưng Vương (TP Vĩnh Long) không tránh khỏi những khó khăn này. Không đòi hỏi quá nhiều từ HS cách ôn tập trong trường chỉ mong sao “các em nắm vững kiến thức cơ bản làm bài tốt nhất có thể”- một giáo viên dạy Toán của trường nói. Với 217 HS đủ điều kiện thi tốt nghiệp, từ những ngày đầu Trường Trưng Vương đã có kế hoạch ôn luyện tất cả buổi sáng từ thứ hai đến thứ bảy và buổi chiều để nâng kém. Cô Trần Thị Bích Ngọc- Hiệu trưởng trường cho biết: “Từ tuần thứ ba ôn thi, trường cho HS thi thử, đề thi được soạn chung cho cả trường và dựa trên cơ sở đề thi các năm qua”. Cách ôn tập của trường luôn bám kiến thức cơ bản, nâng cao có định hướng. Ôn từng dạng đề sang làm thử bài thi. Ngoài việc dạy kiến thức, giáo viên trong trường còn tư vấn cách làm bài đi từ dễ đến khó, làm bài từng bước và không nản lòng khi làm bài,…

Đồng cảnh ngộ với Trường THPT Trưng Vương, Trường TH Cấp II- III Mỹ Phước (Mang Thít) với 132 HS lớp 12 đã căng sức chuẩn bị cho những ngày thi sắp đến. Cô Lê Thị Kim Em- Hiệu trưởng Trường TH Cấp II- III Mỹ Phước nói: “Trường không tổ chức thi thử mà cho HS kiểm tra vào cuối các tuần 2, 4, 5 để đánh giá năng lực, sự cố gắng của HS”. Dù mặt bằng HS thấp nhưng nhờ số lượng ít nên trường luôn có kế hoạch quản lý ôn tập chặt chẽ cho các em. Với 3 lớp trung bình yếu của trường, mỗi lớp ngoài giáo viên chủ nhiệm còn có trực tiếp một giáo viên trong ban giám hiệu theo dõi. Biện pháp ôn tập mà cô Lê Thị Kim Em đề ra để tăng hiệu quả ôn tập là phần thưởng: thưởng cho cá nhân, tập thể; thưởng cho cả giáo viên và HS. Cô Kim Em chia sẻ: “Những phần thưởng khích lệ tuy không lớn nhưng sẽ là nguồn động viên không nhỏ cho cả thầy và trò”.

Với hơn 96% HS đậu tốt nghiệp năm 2011, năm nay, Trường THPT Long Phú (Tam Bình) cũng căng thẳng không kém các trường khác. Thầy Nguyễn Văn Sáu- Hiệu trưởng Trường THPT Long Phú cho biết: “Năm nay, trường đăng ký với sở 97% HS tốt nghiệp phổ thông”. Các học phần được ôn tập theo chu kỳ ngược: học kỳ II trước rồi mới chuyển sang ôn học kỳ I. Theo cô Nguyễn Thị Ánh Ngọc- giáo viên dạy Sử của trường: “Kiến thức học kỳ II với các em vẫn còn tốt vì mới học xong nên ôn lại sẽ dễ dàng khắc sâu hơn, sau đó mới đi vào ôn học kỳ I”.

Căng thẳng nhưng… nhẹ nhàng

Dù căng thẳng đến mức nào thì các trường cũng luôn tạo một bầu không khí nhẹ nhàng cho HS trong giờ học. Giáo viên có thể đau đầu vì một vài HS quá yếu khó qua ải được, có thể nặng lòng vì vài HS chẳng muốn học hành nhưng không thầy cô nào dùng biện pháp mạnh.

Cô Lê Thị Kim Em cười hiền: “Ai trong chúng ta mà không muốn được động viên, khen ngợi”. Có lẽ vì vậy mà ở trường có một phần thưởng hết sức lạ lùng là “thưởng cho HS yếu”! Sau các tuần 2, 4, 5 cho HS kiểm tra, mỗi lớp sẽ chọn ra các HS yếu, các em HS còn lại trong lớp sẽ bầu chọn ra 3 bạn yếu nhưng có cố gắng học tập để cô hiệu trưởng trao một phần quà khích lệ. Phần thưởng ấy chỉ là quyển tập và cây viết, bên trong cuốn tập HS sẽ nhận được một lời động viên chân thành từ cô hiệu trưởng như: “Em hãy cố gắng học tập hơn nữa, cô chúc em thi tốt” có cả chữ ký của cô và con dấu của trường. Không dừng lại ở đó, cô Kim Em (dạy Toán) còn nhờ thầy Hiệu phó “dạy cho một khóa chuyên đề sử dụng Atlat”- cô vui vẻ nói. Bởi cô muốn giúp các em HS của mình biết cách lấy điểm phần này.


Thi tốt nghiệp là bước ngoặt đánh dấu 12 năm học tập. Trong ảnh: Thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp năm 2011.

Bằng tấm lòng yêu trò, các cô giáo dạy Sử hiểu rõ cái khó của HS khi đối diện với nhiều số liệu ngày tháng. Cô Mai Thị Lệ Mai- giáo viên Trường TH cấp II- III Mỹ Phước luôn tìm ra những cách dạy mới sao cho HS dễ hiểu nhất. Học đi đôi với hành động và phân tích kỹ trong câu hỏi có phần trả lời. “Tạo không khí vui tươi, không nhàm chán, căng thẳng để các em hiểu bài tốt hơn” là yêu cầu cô Mai luôn đặt ra cho mình. Riêng cô Phạm Thị Uyên- giáo viên Trường THPT Trưng Vương thì “không bao giờ chê các em học yếu, dỡ,… hay dùng các từ tương tự dù đó là sự thật”. Thay vào đó, cô luôn nhắc nhở, động viên HS học tốt hơn. Cô Uyên nói: “Khi bị phê bình, các em có thể nản chí và học hành sa sút hơn. Lời khuyên, lời khen nhẹ nhàng nhưng lại có tác dụng rất lớn”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh