Thuở nhỏ, thấy quê mình còn có nhiều trẻ em người dân tộc Khmer không có điều kiện đến trường, Thạch Thị Khel cố gắng học tập với quyết tâm khi lớn lên làm cô giáo để mang cái chữ về cho trẻ nhỏ. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm, Thạch Thị Khel được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Thạch Thia (xã Loan Mỹ- Tam Bình).
Thuở nhỏ, thấy quê mình còn có nhiều trẻ em người dân tộc Khmer không có điều kiện đến trường, Thạch Thị Khel cố gắng học tập với quyết tâm khi lớn lên làm cô giáo để mang cái chữ về cho trẻ nhỏ. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trung học Sư phạm, Thạch Thị Khel được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Thạch Thia (xã Loan Mỹ- Tam Bình).
Ước mơ đã thành hiện thực, cô giáo Thạch Thị Khel đã bắt tay vào nghề với lòng say mê, tận tụy. Nhiều năm liền cô được phân công dạy lớp 1. Bây giờ cô là khối trưởng khối lớp 1 của trường. Đối với một trường vùng sâu, 98% học sinh là người dân tộc Khmer như Trường Tiểu học Thạch Thia, giáo viên lớp 1 luôn gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các em chưa qua trường mẫu giáo, chưa tiếp cận với trường, với chữ và có nhiều em tiếng Việt còn chưa hiểu hết. Để khắc phục điều này, cô Thạch Thị Khel phải soạn giáo án sao cho phù hợp, nghiên cứu làm đồ dùng dạy học vận dụng hình ảnh trực quan cho các em dễ hiểu, đặc biệt cô còn kết hợp giải thích nghĩa của tiếng Khmer, tiếng Việt để các em dễ tiếp thu hơn. Bằng tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ và nhiều nỗ lực trong giảng dạy, năm 1999, cô đã được Sở GD- ĐT tỉnh công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy, cô phấn đấu học tập và năm 2008 cô tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Ngoài trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều năm liền cô Thạch Thị Khel được ngành và Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen về thành tích giảng dạy và hoạt động Công đoàn, bằng khen “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2005- 2009…
Ở gia đình, cô Thạch Thị Khel đã cùng chồng nghiên cứu học hỏi cách chăn nuôi, phát triển mô hình kinh tế vườn, lấy ngắn nuôi dài. Sau bao năm lao động và tiết kiệm, vợ chồng cô mua thêm 3 công đất ruộng, 4 con bò và có điều kiện nuôi con ăn học tốt hơn. Hiện nay, con trai lớn của cô đang học Đại học Y Cần Thơ, hai con kế của cô đang học Trung cấp Y ở Cần Thơ và Vĩnh Long.
Đối với mọi người, cô Thạch Thị Khel luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ lúc khó khăn. Hàng năm, cô dành một triệu đồng từ tiền tiết kiệm chi tiêu để mua quần áo, tập viết cho học sinh nghèo tại trường; tham gia hội từ thiện đóng góp giúp bếp ăn miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Tam Bình. Thấy hoàn cảnh gia đình của chị Thạch Thị Cơm (ở cùng địa phương) không việc làm, không đất ở cuộc sống rất khó khăn, cô Thạch Thị Khel cho về ở trên đất nhà của mình, cho cây lá cất nhà và cho mượn vốn, mượn đất sản xuất. Giờ gia đình chị Cơm đã có cuộc sống ổn định.
Là một phụ nữ dân tộc Khmer sống ở một xã vùng sâu, cô Thạch Thị Khel không ngừng phấn đấu để trở thành một giáo viên giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc, vươn lên thoát nghèo và còn giúp đỡ, chia sẻ bớt khó khăn với đồng bào nghèo. Cô Thạch Thị Khel đã được Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long chọn là một trong những điển hình tiên tiến của phong trào phụ nữ tỉnh nhà.
Bài, ảnh: HỒNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin