
Học sinh (HS) “học vẹt”- chỉ thuộc lòng mà không nắm được ý chính- là do thói quen dạy và học thụ động, khiến HS chỉ biết tiếp thu kiến thức một chiều. Bản đồ tư duy đã khắc phục tình trạng đó, mang lại hiệu quả tích cực trong giảng dạy và học tập.
Học sinh tự vẽ, tự diễn đạt những nội dung chính của bài học lên bản đồ tư duy.
Học sinh (HS) “học vẹt”- chỉ thuộc lòng mà không nắm được ý chính- là do thói quen dạy và học thụ động, khiến HS chỉ biết tiếp thu kiến thức một chiều. Bản đồ tư duy đã khắc phục tình trạng đó, mang lại hiệu quả tích cực trong giảng dạy và học tập.
“Sơ đồ mở”
Nếu như trước đây, các đồ dùng dạy học chỉ dừng lại ở các sơ đồ, mô hình… thì nay bản đồ tư duy ra đời với ý tưởng mới, kỹ thuật mới hơn (có thể vẽ tay hoặc vẽ trên máy vi tính), giúp cho giáo viên (GV) và HS “khỏe” hơn và tiết kiệm thời gian hơn khi tiếp cận với kiến thức.
Tại buổi học Lịch sử của Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (TP Vĩnh Long), thay cho những câu chữ, con số đơn điệu, trên bảng là một bản đồ với đủ màu sắc và các nhánh. Nội dung bài học với các ý được chia thành một mạng lưới. Cách trình bày này có cả trong vở ghi của HS.
Từ đầu năm học đến nay, thầy trò Trường THCS Nguyễn Trường Tộ đã tiếp cận với phương pháp học trên bản đồ tư duy- cách ghi chép, trình bày bài học chú trọng tới hình ảnh, màu sắc và các mạng lưới liên tưởng. GV dùng để trình bày bài giảng, còn HS thì dùng để ghi bài học và có thể tự bổ sung ý kiến của mình, nên mỗi em có cách ghi bài khác nhau. Áp dụng cách này, các môn xã hội sẽ trở nên dễ học, dễ hiểu hơn.
Nguyễn Khánh Như- HS lớp 9/2 nhận xét: Các môn Sử, Địa… nếu học thuộc lòng rất dễ quên, nhưng với bản đồ tư duy thì có thể nắm ý chính, hệ thống hóa kiến thức. Có thể diễn đạt theo đề mục, đọc theo cách riêng và biến kiến thức thành cái của mình.
Nếu như trước đây, khi ôn tập, GV phải hệ thống kiến thức thì nay HS sẽ tự hệ thống, vẽ theo ý của mình để dễ học và dễ nhớ bài hơn nên rất hứng thú. Nhờ vào bản đồ tư duy, khi học, HS có thói quen tư duy rõ ràng về bài học nên việc tiếp thu bài tốt hơn.
Thầy Phan Hữu Trí- GV Tin học cho biết, từ khi ứng dụng bản đồ tư duy vào dạy học, HS biết chủ động tìm hiểu kiến thức nên khi dạy bài mới các em đã có bước chuẩn bị, chủ động tìm hiểu nên nắm ý rõ hơn. Như đợt ôn tập cuối kỳ này, bản đồ tư duy giúp các em hệ thống kiến thức từng chương, bài nên khi kiểm tra, ôn tập, các em nắm bài rất vững, GV cũng không sa đà vào việc phô bày, vượt quá nội dung chuẩn kiến thức, kỹ năng dành cho HS, tạo nên sự chủ động, phát huy tính tích cực của HS.
Hiệu quả 1 năm ứng dụng
Khi vào đầu năm học, được GV hướng dẫn, Lê Thêm Lộc- HS lớp 9/2 đã tự học và tự thể hiện. Lộc nhận định: “Được diễn đạt theo ý của mình, em cảm thấy tự tin hơn. Đặc biệt đối với bài quá dài, mình có thể kết hợp lại cho gọn. Tuy việc ứng dụng bản đồ tư duy mang lại nhiều hiệu quả, nhưng nó đòi hỏi phải hiểu và nắm được những ý chính thì mới thể hiện được”.
Nhờ bản đồ tư duy, giáo viên có thể hệ thống hóa kiến thức nhanh gọn, truyền đạt cho học sinh dễ hiểu hơn.
Cô Trần Thị Xuân Mai- GV môn Hóa học cho biết: “Trước đây, việc sử dụng sơ đồ, bảng tóm tắt để hệ thống hóa kiến thức trong tiết dạy là việc GV vẫn thường làm. Nay, việc thiết kế bản đồ tư duy giúp cho tiết học có nhiều hiệu quả. GV và HS dễ dàng hệ thống hóa kiến thức một cách logic, mạch lạc hơn. HS học tập với tinh thần tích cực chủ động, tiết học trở nên sinh động hơn”.
Theo cô Lê Tăng Xuân Chi- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (TP Vĩnh Long): “Bản đồ tư duy là một công cụ giúp GV và HS tóm tắt nội dung chính của bài học một cách rõ ràng và đặc biệt là dễ phát triển ý tưởng. Trong các buổi ôn thi, bản đồ tư duy đã giúp GV khái quát trọng tâm bài học nhanh, gọn giúp HS có thể tự vẽ để dễ hiểu, nhớ lâu”. Bản đồ tư duy còn có thể áp dụng cho cả những trường cơ sở vật chất còn khó khăn. Bởi GV chỉ cần 1 tấm bản đồ dùng rồi, 1 tờ lịch cũ hay 1 mặt giấy… là có thể vẽ được sơ đồ tư duy. Chính vì tính linh hoạt nên tính khả thi cao.
Nhưng việc ứng dụng bản đồ tư duy cũng gặp một số khó khăn đối với HS trung bình, yếu do nắm nội dung bài chưa vững, cách ghi chép nhanh, nên khi vẽ bản đồ tư duy còn lúng túng. Hiện, đa số HS chia nhánh chưa hợp lý, còn viết khá nhiều chữ trên bản đồ tư duy, khả năng tư duy sáng tạo, hội họa của một số em còn thấp.
Ông Lưu Thành Công- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long cho biết, việc áp dụng bản đồ tư duy vào dạy học đã giúp GV thu ngắn thời gian giảng giải, tạo cơ hội cho HS tự phát hiện, tự khám phá và tự chiếm lĩnh kiến thức. Đây là mô hình mới giúp HS học vui, học hiệu quả, các em lưu giữ kiến thức lâu hơn, góp phần cải thiện kết quả học tập, nâng cao tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp.
Từ năm 2010, việc ứng dụng phương pháp học bằng bản đồ tư duy đã được triển khai thí điểm tại 355 trường trên toàn quốc. Năm học 2011- 2012, Sở GD-ĐT Vĩnh Long xây dựng điểm chỉ đạo tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (TP Vĩnh Long) để nhân rộng và nâng cao chất lượng giáo dục tại các cấp học. |
Bài, ảnh: YẾN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin