Qua 5 năm (2020-2025), Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long đã đạt được những kết quả tích cực. Việc xác định đúng sản phẩm đặc thù giúp ngành du lịch có bước phục hồi tốt về lượt khách và doanh thu sau những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Quá trình liên kết giữa các ngành và liên kết vùng tạo động lực để du lịch phát triển bền vững.
![]() |
Nghệ thuật hát bội được đưa vào các chương trình du lịch phục vụ du khách. |
Xác định 4 sản phẩm du lịch đặc thù
Du lịch homestay là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Sở Văn hóa-TT-DL phối hợp các ngành và địa phương tích cực vận động các cơ sở homestay giữ vững chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thu hút du khách (nấu ăn, làm bánh, đạp xe khám phá nét đẹp làng quê, thưởng thức đờn ca tài tử, đốt đuốc đi xem hát bội,…).
Đến nay, homestay tỉnh Vĩnh Long 3 lần được công nhận đạt chuẩn ASEAN, nhiều nhất khu vực phía Nam. Đó là minh chứng cho chất lượng dịch vụ nổi trội của sản phẩm này mà các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL chưa có được.
Trong sản phẩm du lịch nông nghiệp, phối hợp với Sở Nông nghiệp-PTNT triển khai hỗ trợ điểm giới thiệu sản phẩm OCOP tại 6 điểm du lịch, di tích. Mô hình liên kết du lịch với nông nghiệp được khảo sát đánh giá tình hình triển khai, ghi nhận và tập trung giải pháp khắc phục những mặt tồn tại, đồng thời cân đối kinh phí tiếp tục triển khai giới thiệu một số điểm mới trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, xác lập kỷ lục Việt Nam đối với nội dung chế biến và công diễn các món ăn, thức uống từ khoai lang Bình Tân, thanh trà Bình Minh góp phần quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực trên nền tảng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Vĩnh Long.
Du lịch làng nghề cũng được đẩy mạnh. Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa (TX Bình Minh) cùng các địa phương trong tỉnh phát huy quảng bá nét đẹp ẩm thực địa phương và xác lập kỷ lục Việt Nam. Ngoài ra, Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh quảng bá nét đẹp gốm Vĩnh Long với chất liệu mộc mạc và sắc đỏ đặc trưng bên cạnh các làng gốm nổi tiếng khác trên cả nước.
Đề án Di sản đương đại Mang Thít nhằm bảo tồn và phát triển “vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực và của quốc gia, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa và hệ sinh thái địa phương.
Cùng với kỷ lục Đường gốm đỏ và hoa dài nhất Việt Nam, Nhà gốm Tư Buôi đạt kỷ lục Việt Nam “Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất tại Việt Nam”. Ông Nguyễn Văn Buôi cho biết, xây căn nhà gốm đỏ thể hiện tình yêu với nghề gốm đỏ theo cách riêng của mình.
Tất cả đều là tâm huyết và sự kỳ công của nghệ nhân muốn “thổi hồn” và tìm hướng mới cho nghề của ông cha. Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ vừa chứng nhận Khu du lịch Nhà gốm Tư Buôi thuộc Top 10 Thương hiệu uy tín xuất sắc toàn cầu. Đây là cơ hội để quảng bá gốm đỏ Vĩnh Long đến du khách trên thế giới.
Trong du lịch văn hóa, tập trung quảng bá, giới thiệu câu chuyện điểm đến của các di tích tiêu biểu, di tích danh nhân, độc bản, định hướng kết hợp phát huy giá trị di sản phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, Lễ hội Văn Thánh miếu, Nghệ thuật hát bội…
Xây dựng và tập trung hoàn thiện sản phẩm du lịch tuyến sông Long Hồ gắn kết các điểm: chợ Vĩnh Long, Minh Hương Hội quán, Thất phủ miếu, Văn Thánh miếu, đình Long Thanh, đình Long Hồ, Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, xóm nghề chằm nón, đan rổ- rế…
Phát huy tiềm năng lợi thế
Ðể phát triển bền vững thì du lịch phải có những cái riêng. Việc xác định này sẽ giúp ngành du lịch của tỉnh tập trung đầu tư cho các sản phẩm đặc trưng, không dàn trải. Theo Sở Văn hóa-TT-DL, mốc đánh dấu sự phục hồi của ngành du lịch là năm 2024, tỉnh đón 1,85 triệu lượt khách, vượt năm 2019- thời điểm trước đại dịch với 1,5 triệu lượt khách.
Theo ông Phạm Minh Hoàng- Quyền Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, thời gian tới, ngành du lịch sẽ duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục tập trung xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
Quan tâm triển khai các dịch vụ bổ trợ trong hành trình tour, tuyến du lịch trong tỉnh, liên kết ngoài tỉnh để tăng chi tiêu du khách. Đồng thời, phối hợp tham mưu đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án Di sản đương đại Mang Thít, Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL. Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, xây dựng các khu, điểm du lịch quy mô, các hoạt động, khu vui chơi giải trí về đêm. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao tay nghề cho lao động trực tiếp phục vụ du khách…
![]() |
Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ vừa chứng nhận Khu du lịch Nhà gốm Tư Buôi thuộc Top 10 Thương hiệu uy tín xuất sắc toàn cầu. |
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, Vĩnh Long- vùng đất nằm giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, có lịch sử hình thành và phát triển gần 300 năm. Con người miền sông nước Vĩnh Long nghĩa tình, hiền hòa, hiếu khách; vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nhiều loại trái cây ngon với hương vị riêng.
Vĩnh Long không chỉ là nơi sản sinh ra nhiều bậc hiền tài, mà còn là vùng đất ghi dấu nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử phong phú. Văn Thánh miếu- “Quốc Tử Giám phương Nam”, Công Thần miếu lưu giữ 85 đạo sắc phong quý giá, Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, GS.VS Trần Đại Nghĩa… đây là những “bảo tàng sống” lưu giữ hồn cốt quê hương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh: Tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch kiểm kê di tích lịch sử, sẽ có tổng thể trong khảo sát và quyết định trùng tu, tôn tạo, quản lý và sử dụng để làm sao gắn kết được các giá trị di sản văn hóa với du lịch. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo tàng văn hóa, du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ… giới thiệu về một Vĩnh Long vừa giàu bản sắc văn hóa, vừa năng động, hiện đại, góp phần để Vĩnh Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin