Đây chưa phải là một tuyến du lịch chính thức, nhưng từ đoàn famtrip thực hiện chuyến khảo sát liên tuyến 3 tỉnh Bến Tre- Trà Vinh- Vĩnh Long, với chủ đề “Từ sông ra biển”, đã cho thấy tiềm năng rất lớn và tính khả thi để xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn trong tương lai.
Các địa phương này đều đang hướng đến khai thác tiềm năng của những giá trị văn hóa, thể hiện bản sắc mang tính riêng biệt, độc đáo. Trong đó, văn hóa làng nghề được xem là những trải nghiệm thú vị, thấm đẫm tinh hoa, hồn cốt của văn hóa bản địa.
Làng nghề chợ dừa nổi sông Thom (Bến Tre). |
Trôi trên dòng sông Thom lãng mạn xứ dừa
Sông Thom được giải thích là sông Thum, tiếng Khmer có nghĩa là dòng sông lớn; còn nếu ai mới lần đầu nghe phát âm trại ra mà hiểu nhầm là từ Thơm kiểu miền Tây, thì nghĩ cũng hay hay, bởi đi trên dòng sông này bạn như lạc vào thế giới của dừa, cả con sông như thơm nức hương dừa, dừa ngập tràn từ dưới sông cho tới trên bờ.
Người làm du lịch Bến Tre gọi đây là chợ dừa nổi và tự hào mà khoe rằng đây là cái chợ nổi độc đáo nhất miền Tây. Bởi, Hậu Giang có chợ nổi Ngã Bảy, Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, Tiền Giang có chợ nổi Cái Bè… thì bán đủ thứ đặc sản; nhưng riêng chợ dừa nổi sông Thom chỉ duy nhất mua bán có… trái dừa.
Nhưng từ làng nghề dọc hai bên bờ sông này sẽ biến trái dừa thành rất nhiều sản phẩm. Rồi từ đây, các mặt hàng từ dừa như: cơm dừa, chỉ xơ dừa, dầu dừa, mụn dừa, xà bông dừa, thảm dừa… đã tỏa đi khắp nơi trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Những chiếc ghe đầy ắp dừa từ tứ xứ: Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang… ngược xuôi cặp bến để bán dừa cho các cơ sở chế biến san sát hai bên bờ sông. Con sông Thom thực tế là con kênh được đào năm 1905, dài 15,1km nằm vắt qua hai huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc, trở thành tuyến đường thủy quan trọng rút ngắn cho ghe tàu đi từ Mỹ Tho qua Trà Vinh trở nên nhanh chóng, thuận tiện vô cùng. Làng nghề chế biến dừa trải dài hơn 7km chính là “đặc sản” thu hút ánh nhìn của du khách từ các du thuyền chạy chầm chầm trên sông.
Du lịch đồng bằng thường bị cho là sự trùng lắp lẫn nhau, giờ thì người làm du lịch miền Tây đang quyết tâm đi tìm sự độc đáo, sự riêng biệt, nó thể hiện được tính “đặc sản” trong định hướng du lịch của địa phương mình. Đây có thể xem là… điểm cộng đáng được khích lệ để du lịch khu vực này “vươn vai đứng dậy”; thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn: tiềm năng du lịch thì nhiều mà sự phát triển các sản phẩm du lịch lại chưa xứng tầm.
Với tư cách là hướng dẫn viên du lịch, bạn Võ Thị Thảo Nguyên cảm nhận thực sự thích thú và bất ngờ với làng nghề chợ dừa nổi sông Thom. Sau một ngày trải nghiệm tuyến liên kết tại riêng tỉnh Bến Tre từ làng nghề sông Thom, cho đến làng nghề hoa kiểng Chợ Lách, Cái Mơn mang lại trải nghiệm thú vị, đã đưa du khách tiếp cận gần hơn với sinh hoạt đời sống người dân miền Tây, đặc biệt là người dân trong khu vực làng nghề hoa kiểng. Lần đầu tiên tham gia khảo sát cho thấy Bến Tre có nhiều tiềm năng về du lịch làng nghề và có thể phát triển thành một tour du lịch hoàn chỉnh chuyên đề làng nghề của địa phương.
Đưa Vĩnh Long thành điểm đến trung tâm
Trà Vinh đang phát triển du lịch nông nghiệp tạo được ấn tượng nhất định đối với các hãng lữ hành, mặc dù vẫn còn một số hạn chế nhất định cần được cải thiện. Những trải nghiệm mô hình du lịch nông nghiệp Sokfarm ở ấp Cồn Ông, xã Dân Thành, TX Duyên Hải được tổ chức tốt. Tại đây, du khách tham quan mô hình trồng hành tím, khoai lang, bắp của người dân địa phương và thưởng thức một số món ăn đặc trưng của vùng nông thôn như: gỏi đu đủ, sương sáo cốt dừa hạt é, bánh khọt.
Trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại Cồn Ông (Trà Vinh). |
Trà Vinh định hướng đưa đặc sản làng nghề bánh tét Trà Cuôn vào tour du lịch tại xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang. Khách vừa thưởng thức vừa được xem quy trình các khâu chuẩn bị nguyên liệu làm món bánh truyền thống của miền Tây. Cùng với các loại bánh tét Trà Cuôn, bánh tét lá cẩm, bánh tét chữ, còn rất nhiều loại bánh dân gian như: bánh ú, bánh ít, bánh lá dừa, dưa món, dưa kiệu, cốm dẹp, mắm tép…
Chủ đích của chương trình này xây dựng tour liên kết cụm 3 tỉnh: Bến Tre- Trà Vinh- Vĩnh Long, đặc trưng đón nguồn khách nội địa từ các đầu cầu kết nối là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chương trình đã dành riêng thời gian lưu lại và tham quan Vĩnh Long đến 4 ngày, chứng tỏ sự đa dạng và phong phú sản phẩm du lịch của Vĩnh Long.
Vĩnh Long sẽ trở thành điểm đến quan trọng trong “tam giác” kết nối tour du lịch Bến Tre- Trà Vinh- Vĩnh Long. Trong đó, Vĩnh Long sẽ phát huy thế mạnh đặc thù của di sản văn hóa làng nghề. Ảnh: NGÔ ANH KHOA |
Nhiều hãng lữ hành đánh giá cao các sản phẩm đốt đuốc lá dừa xem hát bội, Nhà dừa CocoHome, đặc biệt là những trải nghiệm tại làng nghề gạch, gốm đỏ Mang Thít, được xem là tiềm năng lớn trở thành điểm đến đặc biệt trong tương lai khi làng nghề được xây dựng thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh với nhiều dịch vụ và tổ chức được các hoạt động trải nghiệm xoay quanh làng nghề.
Với hướng tour phía Đông, từ TP Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Bến Tre- Trà Vinh- Vĩnh Long; thì hướng tour liên kết phía Tây được xây dựng cũng lấy Vĩnh Long làm điểm đến trung tâm, xuất phát từ TP Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh: Long An- Tiền Giang- Đồng Tháp- Vĩnh Long.
Tham quan Nhà dừa CocoHome (Vĩnh Long). |
Ông Từ Quý Thành- Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang (TP Hồ Chí Minh), đánh giá: Để thoát khỏi sự trùng lắp, du lịch ĐBSCL nên có những tour liên kết tuyến như thế này, qua đó xây dựng thành chuỗi sản phẩm lựa chọn những sản phẩm tiêu biểu đưa vào gói tour.
Nhìn tổng thể tour liên kết 3 tỉnh: Bến Tre- Trà Vinh- Vĩnh Long, tôi nhận thấy mỗi địa phương đều có những tiềm năng, sự đa dạng phong phú; trong đó, nổi bật là Vĩnh Long có nhiều điểm đến độc đáo, hấp dẫn, mà đoàn famtrip của chúng tôi có thể lưu lại đây đến 4 ngày, cũng là nhân dịp có Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024. Sau chuyến đi này, công ty chúng tôi sẽ quay lại tiếp tục khảo sát sâu hơn và sẽ ký kết với một số đối tác nhằm phục vụ cho các chương trình tour của đơn vị mình.
Ông Trần Minh Triết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long, đánh giá: Qua chuyến khảo sát cụm liên kết 3 tỉnh Bến Tre- Trà Vinh- Vĩnh Long, đã cho thấy đây là một tuyến liên kết hấp dẫn, thực sự tiềm năng nên cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng thành sản phẩm hoàn chỉnh. Mỗi địa phương có những điểm độc đáo riêng, như Bến Tre có chợ dừa nổi sông Thom; Trà Vinh giới thiệu văn hóa Khmer cùng với trải nghiệm tại Sokfarm với thưởng thức mật hoa dừa; còn Vĩnh Long là làng nghề gạch, gốm đỏ Mang Thít. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG - TẤN ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin