Phát triển sản phẩm quà tặng cho du lịch Vĩnh Long

05:08, 10/08/2024

Tại cuộc hội thảo về "Phát triển sản phẩm cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch đặc trưng địa phương Vĩnh Long", có một số ý kiến đáng ghi nhận, nhưng để hiện thực hóa nó bằng hướng đi nào thì vẫn còn là một khoảng cách khá lớn.

(VLO) Tại cuộc hội thảo về “Phát triển sản phẩm cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch đặc trưng địa phương Vĩnh Long”, có một số ý kiến đáng ghi nhận, nhưng để hiện thực hóa nó bằng hướng đi nào thì vẫn còn là một khoảng cách khá lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh trải nghiệm vẽ tranh trên gốm đỏ cùng học sinh. Ảnh: TRUNG PHẠM
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh trải nghiệm vẽ tranh trên gốm đỏ cùng học sinh. Ảnh: TRUNG PHẠM

Mua sắm là nhu cầu không thể thiếu của du khách

Mua sắm là một phần không thể thiếu đối với du khách, thậm chí có những dạng tour chỉ dành riêng cho mục đích mua sắm của du khách là chủ yếu. Như Nhật Bản có chương trình du lịch zakka, đã từng phát triển rất mạnh đối với Việt Nam, mà thành công nhất là thị trường TP Hồ Chí Minh.

Trong khoảng thời gian dài hơn 10 năm trời đây còn được xem là “thiên đường mua sắm”, có rất nhiều trung tâm mua sắm, các chuỗi cửa hàng mọc lên trên những con phố mua sắm dành cho du khách, đặc biệt là du khách Nhật Bản.

Mua sắm chiếm một khoảng lớn trong chi tiêu của du khách vấn đề là cần phải nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của từng dòng du khách khác nhau, từng thị trường khách khác nhau hướng tới những dòng sản phẩm quà tặng quà lưu niệm khác nhau, thậm chí là cùng một dạng quà tặng nhưng lại mang những hình thức, mẫu mã khác nhau để phù hợp cho từng dòng khách chuyên biệt.

Phát triển sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm nó hơn cả bản thân của sản phẩm mà còn cần cả một “công nghệ”, những ý tưởng sáng tạo để hấp dẫn du khách… buộc lòng phải… móc ví cho chi tiêu. Do đó, nó cần được tổ chức thành những “không gian mua sắm” quyến rũ lồng ghép vào từng tour tuyến trong suốt hành trình.

Sản phẩm quà tặng mang tính đặc trưng, đặc sản của làng nghề, địa phương nhưng cần nâng cấp lên mức tinh xảo và sự đa dạng kết hợp tránh sự đơn điệu, hoặc quá thô sơ, thô mộc. Trong mỗi chuyến du lịch thì mua sắm quà tặng vừa là một nhu cầu, nó còn là một thú vui, niềm đam mê của một số không nhỏ du khách.

Tại cuộc hội thảo về “Phát triển sản phẩm cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm du lịch đặc trưng địa phương Vĩnh Long”, cũng đã đặt ra mục tiêu nhằm góp phần nâng cao năng lực và phát huy vai trò của các hội, các tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương cùng tham gia.

Sản phẩm quà tặng có thể lồng ghép vào những trải nghiệm thực tế tại làng nghề.
Sản phẩm quà tặng có thể lồng ghép vào những trải nghiệm thực tế tại làng nghề.

Qua đó, nhằm tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, nhằm liên kết, phối hợp các cấp, các ngành, doanh nghiệp trong tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Long phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các hội, các tổ chức, cá nhân phát huy lợi thế, nghiên cứu, hình thành và giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của đơn vị, địa phương và cá nhân một cách cụ thể, nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, giao lưu văn hóa, cũng như đáp ứng nhu cầu của du khách sau khi ra về sẽ có sản phẩm, quà lưu niệm đặc trưng được mang về từ tỉnh Vĩnh Long.

Qua đó, du khách sẽ có những quảng bá về du lịch và những đặc sản hàng hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng, để gia tăng tính thương mại hóa các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm du lịch của tỉnh nhà, trực tiếp góp phần vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu thị trường quà tặng, quà lưu niệm của sản phẩm du lịch địa phương và của tỉnh, đồng thời góp phần phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, của ngành và các địa phương trong thực tại và sắp tới.

Tiềm năng của thị trường sản phẩm quà tặng của Vĩnh Long

Tỉnh Vĩnh Long có tiềm năng rất lớn để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch bởi sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, văn hóa và có lượng khách du lịch đến tham quan hàng năm ổn định.

Theo thống kê, lượng khách đến tỉnh năm 2023 đạt khoảng 1,4 triệu lượt, doanh thu khoảng 670 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách đến tỉnh ước đạt 870.000 lượt, doanh thu đạt khoảng 420 tỷ đồng.

Tỉnh là nơi hình thành, lưu giữ nhiều làng nghề thủ công, truyền thống có bề dày lịch sử, văn hóa hàng trăm năm cùng cảnh quan đặc sắc, hội tụ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn với đời sống cộng đồng dân cư địa phương.

Đến nay, tỉnh có 21 làng nghề được công nhận, 159 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Khai thác các lợi thế, thời gian qua các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu là doanh nghiệp Tân Hiệp Phát II đã chủ động đầu tư công nghệ, cải tiến bao bì, mẫu mã, mở rộng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch đặc trưng bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển.

Tuy nhiên, sản phẩm quà tặng, lưu niệm của tỉnh vẫn còn một số hạn chế: sản phẩm còn mang tính trùng lặp, đơn điệu, chưa thể hiện nét riêng về vùng đất, con người Vĩnh Long; một số sản phẩm chưa đảm bảo sự tối ưu về chất lượng, kích cỡ, bao bì để du khách, nhất là du khách nước ngoài thuận tiện trong vận chuyển và bảo quản; thiếu sản phẩm quà tặng mang tính đặc trưng, chuyên nghiệp, độc đáo; số lượng các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh quà tặng, sản phẩm lưu niệm du lịch còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh;…

Do đó, TS Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị: Trong thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần lưu ý một số vấn đề cụ thể như, các ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất, lựa chọn những sản phẩm và đề xuất chính sách đối với đơn vị sản xuất quà tặng, quà lưu niệm đặc trưng của tỉnh, ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP; quan tâm tổ chức các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với giới thiệu sản phẩm quà tặng, lưu niệm du lịch đến du khách trong và ngoài tỉnh.

Một số sản phẩm quà tặng từ gốm của doanh nghiệp Tân Hiệp Phát II.
Một số sản phẩm quà tặng từ gốm của doanh nghiệp Tân Hiệp Phát II.

Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, các ngành về khuyến khích sản xuất sản phẩm quà tặng, lưu niệm dựa vào các làng nghề, sản vật, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Tận dụng tối đa các lợi thế về lao động, nguyên liệu sẵn có của địa phương, trong đó, ưu tiên nguồn nguyên liệu từ tự nhiên, thân thiện với môi trường trong sản xuất các sản phẩm quà tặng, lưu niệm để đảm bảo phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông có trọng tâm, trọng điểm về giá trị, nét đặc sắc của các sản phẩm của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, các trung tâm giới thiệu sản phẩm lưu niệm, quà tặng, sản vật đặc trưng của tỉnh tại các khu di tích, điểm du lịch trong tỉnh, tăng cường liên kết với các khu di tích, điểm du lịch ngoài tỉnh trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch của Vĩnh Long tại các tỉnh khác.

Hướng dẫn các khu di tích, điểm du lịch cách thức trưng bày, giới thiệu sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm tăng tính thu hút, thuận tiện cho khách hàng tìm kiếm, mua sắm.

Với sự phát triển của công nghệ số, đa dạng các trang thương mại điện tử, kênh phân phối sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch cần kết hợp với cả thị trường truyền thống và thị trường trực tuyến để đảm bảo các sản phẩm dễ dàng tiếp cận du khách, cho họ quyền lựa chọn với đa dạng sản phẩm.

Đồng thời, nghiên cứu việc tổ chức khảo sát ý kiến của du khách để xây dựng các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, bắt kịp xu hướng thị trường nhưng vẫn giữ được bản sắc của địa phương.

Sản phẩm quà tặng, lưu niệm du lịch, sản vật đặc trưng là một trong những yếu tố góp phần nâng tầm giá trị điểm đến, thu hút du khách, kích thích tăng mức chi tiêu của du khách tại điểm du lịch, góp phần tăng doanh thu cho điểm đến và phát triển kinh tế địa phương.

Ngoài ra, sản phẩm quà tặng, lưu niệm du lịch mang đậm bản sắc của địa phương, tôn vinh các giá trị văn hóa, thông qua đó, du khách phần nào thấy được hình ảnh con người, địa phương, bản sắc văn hóa của con người nơi tạo ra sản phẩm.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh