Tại phiên thảo luận chuyên đề về lĩnh vực: giáo dục- du lịch- công nghệ thông tin- y tế, do UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức, cho thấy nhiều doanh nghiệp Ấn Độ cũng như doanh nghiệp Vĩnh Long, đặc biệt quan tâm về lĩnh vực du lịch. Nhiều câu hỏi tìm hiểu và nhiều vấn đề được đặt ra bước đầu thăm dò cơ hội mở ra khai thác nguồn khách của đôi bên. Vĩnh Long sẽ có những cơ hội nào từ thị trường du khách trên 1,4 tỷ dân?
Phiên thảo luận chuyên đề về lĩnh vực: giáo dục- du lịch- công nghệ thông tin- y tế, do UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 5/3. |
Tại phiên thảo luận chuyên đề về lĩnh vực: giáo dục- du lịch- công nghệ thông tin- y tế, do UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức, cho thấy nhiều doanh nghiệp Ấn Độ cũng như doanh nghiệp Vĩnh Long, đặc biệt quan tâm về lĩnh vực du lịch.
Nhiều câu hỏi tìm hiểu và nhiều vấn đề được đặt ra bước đầu thăm dò cơ hội mở ra khai thác nguồn khách của đôi bên. Vĩnh Long sẽ có những cơ hội nào từ thị trường du khách trên 1,4 tỷ dân?
Đây là cơ hôi gặp gỡ, chia sẻ, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư giữa các đơn vị, doanh nghiệp của đôi bên; lắng nghe, ghi nhận các kiến nghị của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư; trao đổi các giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, cũng như thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các đối tác, các doanh nghiệp Ấn Độ trong thời gian tới.
Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, phiên thảo luận về các giải pháp, định hướng hợp tác trên các lĩnh vực với những mô hình hợp tác phù hợp với thế mạnh, điều kiện của đôi bên.
Những nội dung trao đổi tại phiên thảo luận mang tính thẳng thắn, cởi mở, đặt ra những vấn đề trước mắt cũng như về lâu dài, bàn bạc tìm cơ hội hợp tác ở các lĩnh vực giữa Vĩnh Long với các đối tác doanh nghiệp đến từ Ấn Độ.
Mặc dù thời gian không nhiều, nhưng qua đó giúp cho hai bên hiểu thêm về những tiềm năng, lợi thế, những kế hoạch chiến lược trong thời gian tới. Đây được xem là cơ hội, điểm sáng cho đôi bên trong việc tìm kiếm đối tác, hợp tác, đầu tư phát triển trong tương lai.
Lịch sử quan hệ Việt Nam- Ấn Độ bắt nguồn từ quá trình giao lưu văn hóa, tôn giáo từ hơn 2.000 năm trước và được hai lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru tiếp tục xây dựng và vun đắp.
Năm 2024 là năm kỷ niệm 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (1972-2024). Trong nhiều thập niên qua, dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng Việt Nam- Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp.
Với riêng tỉnh Vĩnh Long có thể khai thác sâu hơn về lịch sử văn hóa, đặc biệt, những mối quan hệ chiều sâu về lịch sử xa xưa với những mối tương đồng về văn hóa Phật giáo Nam Tông có những mối quan hệ mật thiết với đạo Bà La môn có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Những pho tượng có liên quan đến đạo Bà La môn, Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ cũng đã được tìm thấy ở Vĩnh Long là một trong những minh chứng rõ ràng nhất. Người Ấn Độ cũng là một trong những cư dân nước ngoài có mặt sớm nhất ở ĐBSCL, họ đã tạo dấu ấn về văn hóa sông nước trong việc truyền dạy kinh nghiệm về một số phương thức đánh bắt thủy sản trên dòng Mekong khu vực thượng nguồn thuộc tỉnh An Giang.
Đó là những mối liên quan, tương đồng văn hóa ngay từ buổi đầu khai mở vùng đất phương Nam. Sẽ là cơ sở để xây dựng nên những chương trình tour tuyến theo chuyên đề lịch sử- văn hóa trong tương lai.
Ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL tỉnh Vĩnh Long, khẳng định: “Tiếp nối và mong muốn phát triển truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, tỉnh Vĩnh Long mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác với các bang của Ấn Độ nhằm tạo tiền đề, điều kiện để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có của hai bên trong tất cả các lĩnh vực”.
Trả lời câu hỏi các doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm thị trường, thế mạnh du lịch Vĩnh Long, đại diện doanh nghiệp Mekong Travel và Út Trinh Homestay đã có những giới thiệu sơ lược chung về du lịch Vĩnh Long, cũng như năng lực đáp ứng dịch vụ du lịch đối với nguồn khách quốc tế của riêng cơ sở mình:
Du lịch Vĩnh Long phát triển từ rất sớm những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, có thế mạnh là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn với những vườn trái cây gắn với các di tích lịch sử văn hóa và khu lưu niệm của các danh nhân, đặc biệt là loại hình nghệ thuật hát bội và đờn ca tài tử;
trải nghiệm du lịch homestay, đặc biệt homestay Vĩnh Long rất vinh dự 3 lần được nhận giải thưởng du lịch ASEAN qua các giai đoạn 2017-2019, 2019-2021 và 2023-2025 và chất lượng homestay Vĩnh Long vẫn được duy trì trên thực tế, từ đó, Vĩnh Long rất tự hào được du khách tặng danh hiệu “Vĩnh Long đệ nhất homestay”;
tham quan trải nghiệm các làng nghề truyền thống, đặc biệt là “Vương quốc gạch, gốm” là làng nghề truyền thống trải qua hàng trăm năm, với hơn 1.000 lò gạch, gốm hình quả trứng tồn tại trên thực tế thuộc vùng Di sản đương đại Mang Thít chỉ có ở tỉnh Vĩnh Long.
Giải thích về những thắc mắc của các doanh nghiệp Ấn Độ, đồng thời cũng là lời cam kết về chất lượng dịch vụ của Mekong Travel và Út Trinh Homestay:
“Với những kết quả đạt được trong những năm qua đã thúc đẩy doanh nghiệp du lịch Vĩnh Long không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ và được du khách đánh giá cao, trở thành điểm tham quan nghỉ dưỡng cho nhiều du khách trong và ngoài nước trong đó có khách du lịch Ấn Độ và tạo nên thương hiệu điểm đến “Vĩnh Long hấp dẫn, an toàn và thân thiện”.
Doanh nghiệp Mekong Travel là một trong những doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế của tỉnh và Út Trinh homestay là một trong những homestay đạt chuẩn homestay ASEAN và rất tự hào được đóng góp vào sự phát triển chung của ngành du lịch địa phương và cam kết sẽ tổ chức nhiều tour du lịch đặc sắc, độc đáo tạo cho du khách có nhiều trải nghiệm đáng nhớ nhất khi đến tham quan Vĩnh Long”.
Vĩnh Long khai thác thế mạnh “Vĩnh Long đệ nhất homestay”. |
Tính đến năm 2022, Vietjet đã mở hàng loạt đường bay mới từ Hà Nội, TP Hồ Chí minh và Đà Nẵng kết nối đến 3 thành phố thủ phủ của vùng Tây Ấn và Trung Nam Ấn Độ nâng tổng mạng bay giữa hai nước lên 17 đường bay.
Đây là thuận lợi trong kết nối khai thác nguồn khách du lịch giữa đôi bên. Với riêng Vĩnh Long, thuận lợi khai thác nguồn khách thông qua cửa ngõ TP Hồ Chí Minh giờ đây càng trở nên dễ dàng hơn khi các tuyến cao tốc đã rút ngắn rất nhiều thời gian di chuyển từ trung tâm lớn này về Vĩnh Long.
Chỉ là mới bước đầu tìm hiểu, nhưng ngay từ bây giờ chúng ta cần có những kế hoạch, tìm hiểu thị trường sâu hơn nắm bắt cơ hội khai thác nguồn khách khổng lồ từ đất nước hơn 1,4 tỷ dân. Cần nhiều hơn những đoàn trao đổi, tìm hiểu cụ thể hơn tiềm năng du lịch giữa đôi bên.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG