Du lịch Vĩnh Long có đủ những dòng sản phẩm qua từng giai đoạn phát triển, cần những giải pháp làm mới nhưng vẫn giữ được nét đặc thù riêng. Đồng thời, là những tiềm năng dạng tài nguyên du lịch thô cần có những định hướng đầu tư tốt, bên cạnh đó, đa dạng hóa hướng tuyến, mở rộng không gian khai thác tour du lịch.
|
Du khách thích thú với du lịch sinh thái miệt vườn. Ảnh: TẤN PHONG |
Du lịch Vĩnh Long có đủ những dòng sản phẩm qua từng giai đoạn phát triển, cần những giải pháp làm mới nhưng vẫn giữ được nét đặc thù riêng. Đồng thời, là những tiềm năng dạng tài nguyên du lịch thô cần có những định hướng đầu tư tốt, bên cạnh đó, đa dạng hóa hướng tuyến, mở rộng không gian khai thác tour du lịch.
Những nội dung chính, quan trọng nhất đã được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đề xuất với hội thảo về phát triển du lịch Vĩnh Long. Đó cũng là những định hướng đã được ngành du lịch đề xuất để thúc đẩy du lịch Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Trước hết là cần tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, đó là 4 đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt: du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa. Trong đó, có 2 sản phẩm trọng điểm cần tập trung xây dựng là sản phẩm du lịch dựa trên “Vương quốc lò gạch” ở huyện Mang Thít và Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL; ngoài ra phát huy di tích khu mộ thân nhân Danh thần Thoại Ngọc Hầu.
Làm được điều này, chúng ta sẽ đạt được đa mục tiêu khi các tour tuyến du lịch có dòng đời trên 40 năm của 4 xã cù lao, sẽ được mở rộng chiều kích không gian, nối tuyến về hướng sông Cổ Chiên, kết nối tour du lịch chiều sâu liên huyện: Long Hồ- Mang Thít- Vũng Liêm. Đây cũng là chương trình tour mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng cho đoàn famtrip gồm các doanh nghiệp lữ hành của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Chắc chắn trong tương lai nếu được xây dựng một các thực sự chuyên nghiệp, bài bản, đặc biệt là cần có những đầu tư đến nơi, đến chốn có chiều sâu văn hóa và năng lực chuyên môn để tạo nên những dịch vụ hấp dẫn xoay quanh, sẽ là những tour du lịch có sức “níu chân” du khách từ 3- 5 ngày.
Trong 50 bài tham luận gửi về hội thảo, một số tác giả thực sự có nghiên cứu chiều sâu và đề ra được một số giải pháp cho “bài toán” khó nhưng vô cùng hấp dẫn này. Kéo dài thời gian lưu trú, tức sẽ tăng lượt khách cơ học và tăng nguồn thu cho du lịch; nhưng có tác giả đặt vấn đề trong thời gian lưu lại dài ngày, thì những dịch vụ nào xung quanh tạo nên sức hấp dẫn tạo niềm vui thú và du khách có thể mạnh tay chi xài? Sau một đêm nghỉ ở các homestay ở 4 xã cù lao, khi tiếp tục chương trình liên tuyến Mang Thít và nơi dừng chân cuối cùng là Vũng Liêm, thì sẽ có những hoạt động, vui chơi gì thực sự hấp dẫn?
Có nhiều tham luận xoay quanh vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề, tạo nên những trải nghiệm khi đến với “Vương quốc lò gạch”; đặc biệt khi nơi đây được công nhận Di sản văn hóa đương đại. Từ đây, tour du lịch được kéo dài xuôi dòng Cổ Chiên điểm dừng chân cuối cùng là vùng đất Vũng Liêm, tại đây trong hiện tại và tương lai sẽ mở ra nhiều hướng để tạo nên các loại hình du lịch hấp dẫn, phong phú từ sinh thái miệt vườn, cho đến du lịch văn hóa- lịch sử, tâm linh; đặc biệt, là Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL trong tương lai. Do đó, đề xuất du lịch cộng đồng tại Vũng Liêm mà cụ thể là cù lao Dài là khá hợp lý.
Hiện Vũng Liêm đã phát triển nhiều điểm lưu trú tự phát tại nhà dân, nhưng trong tương lai cần lưu ý thay vì homestay ở các cù lao huyện Long Hồ, thì Vũng Liêm cần đi sâu hơn là farmstay, thay vì chỉ nghỉ, ngủ thì du khách sẽ tham gia trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng và những hoạt động canh tác, sản xuất cùng người dân.
|
Đoàn khách famtrip tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
Trong đề xuất các đại biểu tham gia góp ý về quy hoạch lại cụm tuyến du lịch, trong Đề án cơ cấu lại ngành du lịch Vĩnh Long, thì ngoài tuyến du lịch sông Tiền kết nối “Vĩnh Long- Long Hồ- Mang Thít- Vũng Liêm” đã nêu trên, cần có sự kết nối tốt với nguồn khách xuất phát từ hướng TP Cần Thơ đối với tuyến du lịch sông Hậu theo hướng kết hợp du lịch sinh thái với tham quan các di tích, di sản văn hóa phi vật thể với các điểm đến như Mỹ Hòa- cù lao Mây, Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, chùa Phước Hậu, làng tàu hủ ky Mỹ Hòa, bánh tráng cù lao Mây… Du lịch đường bộ của tuyến này với điểm đón trục chính TP Hồ Chí Minh.
Nhiều đề xuất tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và mặt tích cực của các trang mạng xã hội trong hoạt động quảng bá du lịch. Tham gia tốt việc quảng bá điểm đến du lịch của tỉnh tại các sự kiện khu vực tổ chức định kỳ hàng năm. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tự quảng bá và đầu tư xây dựng điểm đến, trạm dừng chân... gắn kết với sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm phục vụ du khách để làm tăng sự chi tiêu, giữ chân được du khách.
|
Du khách tham quan làng nghề gạch ở kinh Thầy Cai (Mang Thít). Ảnh: Tấn Phong |
Khuyến khích các ngành đăng cai các sự kiện cấp khu vực, quốc gia thu hút du khách đến địa phương. Rà soát lại, lễ hội nào là đặc trưng, qua đó quảng bá và tăng quy mô, tạo sự kiện thường niên thu hút du khách đến với địa phương. Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và khai thác các cơ hội, nguồn lực để phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long. Là những nội dung quan trọng được trình bày với những đề xuất, giải pháp để du lịch Vĩnh Long sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin