Huyện Long Hồ đang chú trọng phát triển du lịch cộng đồng với mô hình dự kiến tại Làng Mai vàng Phước Định (ấp Phước Định 1 và Phước Định 2- xã Bình Hòa Phước). Qua đây, góp phần nâng chất tiêu chí thu nhập cho xã nông thôn mới (NTM) nâng cao Bình Hòa Phước và xây ấp NTM kiểu mẫu tại ấp Phước Định 2.
Tuyến đường tại làng mai được đầu tư rộng lớn, thuận lợi cho việc mua bán mai và phát triển du lịch. |
Huyện Long Hồ đang chú trọng phát triển du lịch cộng đồng với mô hình dự kiến tại Làng Mai vàng Phước Định (ấp Phước Định 1 và Phước Định 2- xã Bình Hòa Phước). Qua đây, góp phần nâng chất tiêu chí thu nhập cho xã nông thôn mới (NTM) nâng cao Bình Hòa Phước và xây ấp NTM kiểu mẫu tại ấp Phước Định 2.
Cần phát huy để tăng giá trị
Làng Mai vàng Phước Định được hình thành cách đây hơn 70 năm, được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2009. Đây là bước ngoặt và động lực để người dân phát triển làng nghề. Những nghệ nhân nơi đây đã dùng tình yêu, sự cần mẫn, tỉ mỉ và niềm đam mê để biến mỗi cây mai trở thành “một tác phẩm nghệ thuật”.
Ông Lê Văn Tý- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Mai vàng Phước Định, người đã gắn bó cả cuộc đời mình với cây mai vàng cho biết: “Từ khi được công nhận là làng nghề, giá trị cây mai vàng đã được nâng lên đáng kể”. Song, ông Tý vẫn mong muốn đưa thương hiệu cây mai vàng đi ngày càng xa, đặc biệt là thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng lãm.
Được mệnh danh là “thủ phủ” của mai vàng miền Tây Nam Bộ, Làng Mai vàng Phước Định sở hữu rất nhiều gốc mai quý hiếm có hàng trăm năm tuổi với giá tiền tỷ. Hiện, làng mai có khoảng 550 gốc mai cổ, 4.000 gốc mai trung và 25.000 gốc mai tiểu, bon sai cùng với khoảng 2.500 gốc hoa kiểng khác. Hiện, có 250 hộ dân chuyên trồng, cho thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm. Đây cũng là thu nhập chính của người dân địa phương.
Đặc trưng của Làng Mai vàng Phước Định là người dân tìm mua cây mai y (mai 5 cánh, nguyên thủy) về chăm sóc rồi uốn tỉa tạo dáng, sau nhiều năm mới đem bán chứ không phải là mai tháp (mai ghép). Do những ưu điểm nổi bật về kiểu dáng, độ tuổi nên những cây mai ở Phước Định có giá khá cao. Nhờ nghề trồng mai vàng mà nhiều hộ dân ở đây vươn lên khấm khá. “Trước mắt là cây mai vàng bán có giá trị rồi, nhưng ở đây muốn “nổi” lên nữa thì phải có điểm du lịch để bà con nghỉ ngơi, ăn uống, trao đổi về việc mua bán mai. Nếu làm được như vậy thì bà con nơi đây mừng lắm”- ông Lê Văn Tý nói.
Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Tuy làng nghề đã tồn tại rất lâu nhưng vẫn chưa được phát huy tốt để tăng thêm giá trị, trong đó có phát triển du lịch cũng như quảng bá các sản phẩm văn hóa địa phương. Chúng tôi mong muốn làng mai vàng sẽ được đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để thu hút khách du lịch”.
Làm du lịch từ lợi thế sẵn có
Theo các ngành chuyên môn, để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng tại Làng Mai vàng Phước Định thì ngoài lợi thế là làng mai, các nhà vườn cần tiếp tục đầu tư thêm nơi lưu trú, các sản phẩm khác kèm theo như vui chơi, ăn uống… từng bước đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, cần tạo thêm nhiều tác phẩm cây cảnh nghệ thuật, tiểu cảnh từ cây mai vàng để phục vụ nhu cầu thưởng lãm của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh, cần hỗ trợ và định hướng về đào tạo nguồn nhân lực cho loại hình du lịch mới này, đặc biệt quan tâm đến tiêu chí về môi trường. Đây được xem là tiêu chí quan trọng nhất đối với du lịch cộng đồng.
Ông Lê Văn Tý mong muốn đưa thương hiệu cây mai vàng Phước Định đi xa và thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng lãm. |
“Để nâng chất tiêu chí thu nhập, ngoài phát triển cây mai vàng, xã Bình Hòa Phước đang vận động bà con mở rộng ra thêm các dịch vụ khác, thúc đẩy phát triển du lịch… Với lợi thế cây mai vàng kết hợp với du lịch sông nước miệt vườn, tôi tin rằng sẽ rất thuận lợi trong phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, du lịch tại xứ cù lao sẽ ngày càng phát triển hơn”- ông Trần Minh Cảnh- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước bày tỏ tin tưởng.
“Chúng tôi tham mưu với UBND huyện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng mô hình thí điểm ở Làng Mai vàng Phước Định thành mô hình du lịch cộng đồng. Theo đó, gắn kết với những hộ kinh doanh mai vàng, tiến tới tư vấn, hướng dẫn và động viên mọi người chung tay xây dựng làng nghề kết hợp với homestay để làm sao xây dựng được mô hình du lịch cộng đồng”- ông Phạm Công Toàn- Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Long Hồ cho biết.
“Dưới góc độ Hội Doanh nhân trẻ, chúng tôi có những đầu mối, có thể giới thiệu hoặc kết nối những doanh nghiệp có điều kiện, nguồn lực để đầu tư tốt hơn trong thời gian tới”- ông Nguyễn Tường Nam thông tin thêm.
Để xây dựng thành công du lịch cộng đồng tại Làng Mai vàng Phước Định, sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Khi đi vào hoạt động, mô hình sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, thương mại; mở ra cơ hội trao đổi, giao lưu văn hóa giữa du khách với cộng đồng, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Do đó, chính quyền và người dân địa phương rất mong mô hình du lịch cộng đồng tại Làng Mai vàng Phước Định sớm được triển khai thực hiện. Tin rằng, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng từ người dân, một ngày không xa, nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Năm 2022, ấp Phước Định 2 (xã Bình Hòa Phước) được huyện Long Hồ chọn xây ấp NTM kiểu mẫu. Với lợi thế từ làng mai vàng, ấp Phước Định 2 có nhiều điều kiện thuận lợi để xây ấp NTM kiểu mẫu, nhất là trong thực hiện tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo.
|
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin