Du lịch là một trong những ngành chịu tác động lớn trong hơn 2 năm dịch COVID-19 bùng phát. Tìm cách thích nghi trong trạng thái bình thường mới, các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long đang thúc đẩy mạnh mẽ việc thay đổi, tạo ra xu hướng mới, linh hoạt vận hành ngành công nghiệp không khói, chờ đón cơ hội "cất cánh".
Du lịch là một trong những ngành chịu tác động lớn trong hơn 2 năm dịch COVID-19 bùng phát. Tìm cách thích nghi trong trạng thái bình thường mới, các tỉnh ĐBSCL, trong đó có Vĩnh Long đang thúc đẩy mạnh mẽ việc thay đổi, tạo ra xu hướng mới, linh hoạt vận hành ngành công nghiệp không khói, chờ đón cơ hội “cất cánh”.
Liên kết du lịch đang là một trong những hoạt động trọng điểm được các địa phương chú trọng để cùng nhau vượt khó. Ngày 18/3 vừa qua là dấu mốc quan trọng khi TP Hồ Chí Minh cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL ký kết quy chế liên kết hợp tác phát triển du lịch, phát động “Mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới”, chính thức mở cửa du lịch năm 2022 với nhiều
kỳ vọng.
Kỳ 1: Vượt khó, đón đầu cơ hội
Con tàu du lịch đang băng băng trên đà tăng trưởng thì đột ngột phải “hãm phanh” vì đại dịch. Thời gian phải ngưng đón khách để thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch là khoảng lặng đầy khó khăn nhưng cũng là cơ hội để ngành du lịch nhìn nhận lại, có nhiều thay đổi để phát huy hết tiềm năng riêng có của mình.
Với nguồn tài nguyên phong phú, du lịch ĐBSCL chờ đón cơ hội “cất cánh” khi đại dịch đi qua. |
Khó khăn “bủa vây” ngành du lịch
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa- Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế xã hội và đời sống, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và trực diện “chưa có giai đoạn nào sụt giảm như lúc này”. ĐBSCL còn phải gánh thiệt hại “kép” từ dịch bệnh và khô hạn. Tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, khách du lịch của khu vực đạt 27,781 triệu lượt, giảm 41,28% so năm 2020, doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm 48,26%.
Các doanh nghiệp lữ hành phải chịu tác động kép: giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí của các tour bị huỷ. Ngành lữ hành bị tác động kéo theo sự khó khăn của các dịch vụ khác như vận chuyển, lưu trú... Ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó khả năng tự “chống chọi” khi có rủi ro thấp. Một số công ty có lượng khách và doanh thu giảm 95- 100% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa.
Ông Nguyễn Lưu Trung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thì cho biết, năm 2021, tỉnh Kiên Giang đón 3,1 triệu lượt khách (giảm 41,8% so với năm 2020), trong đó, khách quốc tế đạt 3.500 lượt (giảm 98% so với cùng kỳ, chỉ đạt 0,9% kế hoạch năm). Và theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, lao động mất việc, chuyển nghề để lo cuộc sống. Hoạt động xúc tiến đầu tư các dự án, xây dựng phát triển sản phẩm, quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch đều gián đoạn. Năm 2021, tổng lượt khách đến Cần Thơ đạt 2,1 triệu lượt, giảm 62,2% so với năm 2020...
Đối mặt với khó khăn chung, tại Vĩnh Long, các điểm du lịch phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, khách du lịch giảm sâu, khách quốc tế hầu như không có. Tổng lượt khách du lịch cả năm 2021 của tỉnh đạt 397.000 lượt, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó lượng khách đến du lịch chủ yếu tập trung trong 6 tháng đầu năm với hơn 360.000 lượt.
Tuy nhiên, trong thách thức cũng là những cơ hội, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói: “Tuy trong hoàn cảnh khó khăn nhưng phải thấy rằng các doanh nghiệp luôn chấp hành nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch, đồng thời luôn ở tinh thần sẵn sàng vào cuộc để chia sẻ công tác phòng chống dịch và tinh thần “bật trở lại” mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới”.
Nhiều tiềm năng để “hồi sinh”
Hai năm qua, có thời điểm hoạt động du lịch gần như “đóng băng”, những phương án phát triển du lịch gần như bị vô hiệu hóa bởi diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh. Trong trạng thái bình thường mới, những tiềm năng sẵn có và cách làm linh hoạt, đổi mới, ngành du lịch ĐBSCL đang đặt nhiều kỳ vọng khi mở cửa du lịch, đặc biệt là dự báo nhu cầu đi du lịch sẽ tăng cao sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ngành du lịch ĐBSCL được kỳ vọng là một trong những động lực phát triển kinh tế quan trọng trong những năm sắp tới bởi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Như Cần Thơ có du lịch sông nước, khai thác chợ nổi; An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh; Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo; Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng; Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp…
Ông Nguyễn Thực Hiện- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, phía Tây ĐBSCL gồm 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng. Năm 2019 (khi dịch bệnh COVID-19 chưa bùng phát, tổng lượt khách du lịch cụm phía Tây ĐBSCL đạt hơn 33 triệu lượt, chiếm 73% tổng lượt khách du lịch của ĐBSCL, doanh thu du lịch đạt hơn 24.000 tỷ đồng, chiếm 82% doanh thu du lịch của ĐBSCL). Năm 2022, các tỉnh cụm phía Tây ĐBCSL sẽ có nhiều hoạt động, góp phần kích cầu du lịch: Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia, Lễ hội bánh Dân gian Nam Bộ, khánh thành đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ; tổ chức giải Marathon quốc tế “Mekong Delta Marathon” gắn với Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Hậu Giang; chuỗi sự kiện “Cà Mau- Điểm đến 2022” với Hương rừng U Minh, Ngày hội Cua Năm Căn, Lễ Thượng cờ- Thống nhất non sông. Tại Sóc Trăng sẽ diễn ra Lễ hội đua ghe Ngo và Ngày hội Văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ…
Riêng tại Vĩnh Long, theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Phan Văn Giàu, trong bối cảnh ngành du lịch đón khách trở lại, ngành đã đối thoại với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để tìm hiểu những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng, qua đó lắng nghe cơ sở hiến kế để phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Vĩnh Long với những đề án du lịch độc đáo đang được triển khai như: Đề án Di sản đương đại Mang Thít với hơn 1.500 lò gạch, có nhà hàng, nơi trưng bày, homestay… sẽ tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù của Vĩnh Long, độc nhất vô nhị của Việt Nam. Trong tương lai, huyện Vũng Liêm còn một điểm mới hấp dẫn là Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL rộng 11ha nằm gần quần thể Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt…
Với Đề án Di sản đương đại Mang Thít, Vĩnh Long sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của cả nước. |
Ngoài các dự án, các công trình thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch, chính sách hỗ trợ, công tác đào tạo nhân lực, công tác quảng bá xúc tiến du lịch… cũng nhận được sự quan tâm của các tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt, hệ thống giao thông sẽ thuận tiện hơn trong tương lai khi dự kiến đến năm 2025, ĐBSCL sẽ có 300km đường cao tốc: TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ dài 130km, Rạch Sỏi (Kiên Giang) đến Đồng Tháp với 210km; khai thác sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau…
Việc tiêm bao phủ vắc xin trong cả nước với tỷ lệ ngày càng cao sẽ tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển du lịch. Những người làm du lịch ngồi lại “hiến kế” để đón khách khi mở cửa vào tháng 3, họ chia sẻ cùng nhau rằng: “Càng sâu tới đáy càng gần hồi sinh”. Với tinh thần lạc quan, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sau khoảng lặng sẽ có nhiều thay đổi để thích nghi, ngành du lịch ĐBCSL tái khởi động với thông điệp: “Du lịch an toàn”, “An toàn trong từng trải nghiệm”.
>> Kỳ 2: Làm mới mình để “bứt tốc”
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin