Mở rộng không gian sống

09:01, 24/01/2022

Mở rộng không gian sống không chỉ là không gian vật lý, mà đang có sự thay đổi trong tư duy, quan niệm về không gian của tâm lý, làm đầy đặn hơn tình cảm gia đình, bạn bè thân hữu. Đó là sự trở về trong mối dây gắn kết quê hương nguồn cội, còn là sự đổi thay một số thói quen, cách sống cho khoa học, văn minh hiện đại.

 

Xây dựng không gian mới cạnh bờ sông, anh Hà Ngọc Thành vừa đạt mục đích phòng chống dịch vừa có không gian thoáng đãng, an toàn.
Xây dựng không gian mới cạnh bờ sông, anh Hà Ngọc Thành vừa đạt mục đích phòng chống dịch vừa có không gian thoáng đãng, an toàn.

Mở rộng không gian sống không chỉ là không gian vật lý, mà đang có sự thay đổi trong tư duy, quan niệm về không gian của tâm lý, làm đầy đặn hơn tình cảm gia đình, bạn bè thân hữu. Đó là sự trở về trong mối dây gắn kết quê hương nguồn cội, còn là sự đổi thay một số thói quen, cách sống cho khoa học, văn minh hiện đại.

Tác động mạnh mẽ nhất làm quá trình đổi thay này nhanh chóng diễn ra, chính là đại họa dịch COVID-19. Lẽ ra nó sẽ diễn ra chậm hơn trong thì tương lai, giờ thì tâm lý “quay về” đã trở thành một trào lưu, mang tính định hướng của một số gia đình ở khu vực đô thị lẫn nông thôn. Và tùy theo tình hình, điều kiện, sự thay đổi từ từ hoặc ngay lập tức với xu hướng mở rộng không gian sống về với nông thôn, sông nước, miệt vườn.

Bước vào tháng Chạp, một số bà con xóm hẹ ở ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu (Long Hồ), bàn bạc nhau tổ chức lễ cúng rẫy theo truyền thống tạ ơn đất đai sau khi hoàn thành thu hoạch vụ mùa, dù có nhiều buồn vui nhưng đó là nghi thức cổ truyền vẫn giữ. Nhưng thay vì tụ tập đông người tổ chức tiệc tùng trong một gia đình nào đó, mọi người thống nhất ý kiến cùng nhau kéo ra rẫy bày lễ cúng và cùng nhau trải chiếu bày tiệc ngoài trời. Điều này vừa tạo cảm giác mới lạ vừa là mở rộng không gian tiếp xúc, phòng chống dịch hiệu quả. Không ngờ “sáng kiến” này đã đem lại một bữa tối thực sự vui vẻ, ấm áp nghĩa tình, lại tăng cường thêm hiệu quả cho 5K.

Thấy mọi người đồng lòng nâng cao ý thức phòng chống dịch, có người… dấn thêm một bước đề xuất thêm một biện pháp quan trọng nữa trong thói quen ăn uống. Đó là tuyệt đối không dùng muỗng, đũa cá nhân “xôm” vào trong cái lẩu dùng chung. Do đó, mâm tiệc có bày thêm những đôi đũa dài, những vá múc canh để mọi người dùng chung khi cần lấy thức ăn từ nồi lẩu. Thử hỏi, bao nhiêu biện pháp khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn… đều thực hiện, nhưng chỉ cần một đôi đũa… ngậm miệng người này rồi đưa vào nồi lẩu thì còn gì là giữ gìn… Một thói quen không còn phù hợp, không còn văn minh, không còn hợp vệ sinh nữa, thì nhân đại dịch lần này người Việt mình nên đoạn tuyệt và đưa ra thành những quy chuẩn cho tất cả các quán ăn, nhà hàng, dần dần chúng ta sẽ hình thành cách ăn uống hợp thời hơn.

Trời sụp tối, đốt lên đống lửa, câu chuyện mùa màng càng trở nên râm ran, vui nhất là mọi người đã biết cách mở rộng không gian sống, không gian sinh hoạt, không còn bó hẹp, tù túng trong nhà. Điều này thực sự rất quan trọng.

Trong dịp trở về làng nghề “xóm chỉ” Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang), chúng tôi chứng kiến dọc bờ sông Vàm Nao “nổi” lên nhiều bè cá theo kiểu dẫn dụ, nuôi cá tự nhiên, không phải để nuôi cá thương phẩm, mà chủ yếu đây cũng là không gian để tiếp khách, tập hợp bạn bè những khi có tiệc tùng. Một sáng kiến hay. Tại bè cá của anh Thông- chủ cơ sở sản xuất dây gân truyền thống, dù nhà xưởng rộng mênh mông, nhưng từ năm ngoái anh Thông cùng một số bà con trong xóm bắt đầu mở rộng không gian sinh hoạt về phía sông. Tại những bè cá thiên nhiên này, chỉ cần vài chiếc cần câu, trong chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, nhóm bạn đã có thể “giật” trên 8kg cá đủ loại. Rồi lại bày tiệc ngay trên sông lộng gió, không gian khoáng đãng, chắc chắn là tốt hơn nhiều xúm lại với nhau trong… phòng máy lạnh.

Tiệc mừng cúng rẫy của một số nông dân ở ấp Phước Hanh A,  xã Phước Hậu (Long Hồ).
Tiệc mừng cúng rẫy của một số nông dân ở ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu (Long Hồ).

Cùng bắt đầu từ đợt dịch thứ 4 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh, anh Hà Ngọc Thành đang có 2 công ty về phân phối gạo Nhật và thực phẩm nhập từ Nhật, chấp nhận… gói ghém công việc, chuyển gia đình nhỏ của mình về quê sinh sống và điều hành công việc từ xa. “Tiền làm ra để làm gì, nếu không bảo vệ được vợ con trước dịch bệnh!”- suy nghĩ vậy, thúc đẩy anh nhanh chóng về quê và sẵn sàng đầu tư không gian mới sát bờ sông, mở rộng không gian sinh hoạt của gia đình ở quê, vừa đảm bảo có thể tự cách ly với nhau nếu cần.

Mở rộng không gian sống về quê là xu hướng có thật trong xã hội hiện nay. Điều này càng thắt chặt hơn tình cảm gia đình, con cái lập nghiệp làm ăn xa có cơ hội thường xuyên quay về với đại gia đình, với từ đường nơi có bàn thờ tổ tiên, ông bà và nhiều cơ hội thăm nom ông bà, cha mẹ.

Chấp nối một số câu chuyện nhỏ, chúng tôi nhận thấy có sự đổi thay lớn trong cách nghĩ, cách sống của người thành thị lẫn nông thôn và đó là sự đổi thay theo chiều hướng tích cực, đáng mừng.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh