Cùng với giữ vững và nâng chất các sản phẩm truyền thống, đặc thù, thì không ngừng đổi mới, xây dựng những dòng sản phẩm mới là yêu cầu sống còn của du lịch.
Vĩnh Long cần đẩy mạnh du lịch cộng đồng và tiếp cận nguồn hỗ trợ của chương trình phát triển du lịch cộng đồng từ Bộ VH, TT và DL, trong 5 năm tới. |
Cùng với giữ vững và nâng chất các sản phẩm truyền thống, đặc thù, thì không ngừng đổi mới, xây dựng những dòng sản phẩm mới là yêu cầu sống còn của du lịch. Quan trọng hơn, trong mỗi giai đoạn ngành du lịch cần có những định hướng, tư duy và cách tiếp cận mới là yếu tố quan trọng hàng đầu để tăng sức hấp dẫn và cạnh tranh của từng địa phương, khu vực cũng như ở phạm vi cả nước.
Trong tình hình mới hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) cũng đã xây dựng đường hướng phát triển du lịch quốc gia giai đoạn 2021- 2025.
“Đi trên 2 chân” du lịch quốc tế và nội địa
Về Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ VH, TT và DL Đoàn Văn Việt cho biết, chương trình hành động xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm do Bộ VH, TT và DL thực hiện và các nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh- thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ đã yêu cầu các bên liên quan tổng kết các chiến lược, kế hoạch hành động về du lịch, nhất là sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ thực tiễn đó nhìn nhận và đánh giá.
Trước khi xảy ra dịch COVID-19, bộ đã phấn đấu đưa du lịch Việt Nam từng bước tiếp cận với các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 08. Năm 2019, du lịch Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước với gần 10% vào GDP. Nhưng dịch COVID-19 đã khiến du lịch nước ta và thế giới gặp nhiều khó khăn. Điều này đặt ra cho việc xây dựng chương trình hành động phải bảo đảm vượt khó và phát triển trong tương lai lâu dài.
Bộ VH, TT và DL đã thiết kế Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025 theo hướng đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ để khắc phục sau khi dịch bệnh được đẩy lùi. Đồng thời thay đổi cách tư duy và tiếp cận. Đó là cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán để cân bằng lại thị trường khách quốc tế và nội địa để “đi bằng 2 chân”, có tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình.
Điều này không phải đến nay mới được đặt ra, mà từ lâu một số doanh nghiệp lữ hành hàng đầu đã tiên phong trong lĩnh vực khai thác nguồn khách nội địa, được đánh giá là thị trường béo bở đầy tiềm năng.
Trên cả 2 dòng thị phần là khai thác nguồn khách nội địa bằng chương trình tour trong nước và ra nước ngoài. Riêng thị trường nội địa trong nước là lĩnh vực mà các địa phương, doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể tham gia dễ dàng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý những vấn đề phát sinh trong sự cạnh tranh không lành mạnh về giá dễ dẫn đến những chương trình tour kém chất lượng, thiếu chuyên nghiệp, mà hậu quả là sự thiệt thòi thuộc về du khách.
Trách nhiệm này thuộc về các hiệp hội du lịch chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình nhằm đảm bảo quyền lợi cho du khách. Còn thị phần nội địa ra nước ngoài thì hầu hết thuộc về những doanh nghiệp lữ hành lớn, có uy tín. Khi mà đời sống kinh tế người dân nâng cao, nhu cầu du lịch tăng nên nguồn khách này đã phát triển mạnh từ hàng chục năm nay.
Do đó, cùng với chiến lược quảng bá quốc gia thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, thì ngành du lịch cần có định hướng cân đối quan tâm nguồn khách trong nước là hợp lý và bền vững trong tương lai.
Những khâu đột phá từ tư duy mới
Xây dựng đường hướng phát triển du lịch quốc gia giai đoạn 2021- 2025, Bộ VH, TT và DL vạch ra nhiều nhiệm vụ, khâu đột phá được kỳ vọng là sẽ gặt hái “quả ngọt”. Ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng trở thành yêu cầu bắt buộc trong xu thế 4.0. Không muốn bị bỏ lại phía sau, vì vậy nước ta sẽ phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch bằng việc điều tra, đánh giá, phân loại và số hóa tài nguyên du lịch. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ quản lý, hoạt động phục vụ khách nhằm mang đến những tiện ích thông minh và trải nghiệm thú vị cho du khách.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá cao nội dung cũng như tính khả thi của dự thảo Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, với những kế hoạch chi tiết, đầy đủ tính lý luận và thực tiễn. Nếu triển khai thành công tất cả các nhiệm vụ, giải pháp này thì trong 5 năm tới, du lịch của nước ta sẽ trở lại thời kỳ huy hoàng của những năm trước, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như đã mong ước.
Khu vực ĐBSCL hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ giải quyết “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông để tạo sự thông suốt, kết nối tour tuyến mới. Một vấn đề đặc biệt được quan tâm của cộng đồng du lịch cả nước là các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển du lịch sau tác động của đại dịch COVID-19.
Cụ thể là đề xuất triển khai các chính sách hỗ trợ về tài chính, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, giãn nợ, khoanh nợ và đào tạo nhân lực để giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, nhanh chóng tái thiết trong bối cảnh bình thường mới.
Vấn đề lớn hơn là du lịch Việt Nam cần có tư duy, cách tiếp cận mới tạo những khâu đột phá trong tương lai để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điểm yếu lớn nhất của du lịch Việt Nam chính là nguồn thu từ chi tiêu của du khách; do đó, thay đổi nhận thức số lượng du khách bằng cách đẩy mạnh chi tiêu của từng du khách khi đến Việt Nam.
Không gì khác ngoài việc đầu tư cho sản phẩm du lịch chất lượng, khai thác tour đặc thù đa dạng hóa dòng khách, đặc biệt là sản phẩm du lịch về đêm, nhất là đối với khu vực ĐBSCL. Thời gian qua, dù lượng khách có tăng hàng năm nhưng doanh thu từ du lịch là chưa đáng kể, chưa xứng tầm.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin