Triển khai du lịch thông minh không chỉ giúp ngành Du lịch giải quyết được nhiều vấn đề nội tại mà còn thúc đẩy phát triển bền vững, hài hoà với văn hoá và môi trường.
Triển khai du lịch thông minh không chỉ giúp ngành Du lịch giải quyết được nhiều vấn đề nội tại mà còn thúc đẩy phát triển bền vững, hài hoà với văn hoá và môi trường.
Du lịch thông minh sẽ tăng trải nghiệm cho du khách tại điểm đến. Ảnh: Sử dụng công nghệ thực tế ảo để tham quan Đại nội Huế. |
Giải quyết các vấn đề nội tại
Tại hội thảo quốc tế “Du lịch thông minh: hướng tới sự phát triển bền vững và hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường” được tổ chức ngày 23/10/2020, nhiều ý kiến cho rằng du lịch thông minh có thể là công cụ để tháo gỡ các "nút thắt" của du lịch Việt Nam.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, một số vấn đề đặt ra với du lịch Việt Nam hiện nay đó là: công tác xúc tiến quảng bá chưa hiệu quả; nhiều sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn; chất lượng dịch vụ du lịch ở nhiều điểm đến chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước về du lịch chưa cao…Tuy nhiên, thúc đẩy du lịch thông minh có thể góp phần giải quyết các vấn đề này.
"Công nghệ mới sẽ tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng trải nghiệm cho khách tại điểm đến. Công tác quản lý nhà nước về du lịch sẽ thay đổi phương thức theo hướng hiệu quả hơn, còn các doanh nghiệp du lịch sẽ được nâng cao sức cạnh tranh. Du lịch thông minh cũng hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo" – ông Lê Tuấn Anh nhận định.
Hơn nữa, du lịch thông minh sẽ nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá thông qua tiếp thị số, thích ứng kịp thời với sự thay đổi hành vi của khách du lịch. Đặc biệt, đối với những địa phương ở vùng sâu, vùng xa nhưng sở hữu tiềm năng du lịch thì marketing số có thể giúp vượt qua rào cản về địa lý, quảng bá hình ảnh điểm đến rộng rãi tới khắp thế giới.
Tại Quảng Ninh, việc triển khai du lịch thông minh đã mang lại hiệu quả. Ông Lê Minh Tân – Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết: Trung tâm điều hành du lịch đã được thành lập tại thành phố Hạ Long để giám sát hoạt động thông qua hệ thống camera. Các tàu du lịch cũng lắp giám sát hành trình, qua đó trung tâm có thể điều tiết hoạt động trên vịnh Hạ Long, đảm bảo an toàn cho du khách. Du khách đến Hạ Long cũng có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin nhờ hệ thống wifi toàn thành phố và các ki-ốt cung cấp thông tin được đặt tại các khách sạn và điểm đến. Ngoài ra, hệ thống quan trắc và cảnh báo tự động cũng hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường trên vịnh Hạ Long, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh.
Mô hình du lịch thông minh giúp quản lý hiệu quả hoạt động trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) |
Hướng tới phát triển bền vững, hài hòa
Khi khách du lịch tăng nhanh thì nhu cầu điện, nước, năng lượng, xử lý rác thải và sức ép lên môi trường đều tăng theo. Du lịch thông minh được coi là lời giải cho bài toán này, để ngành du lịch phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hoá. Giáo sư Yann Rival (Đại học Polynesie, Pháp) nhận định: Trong bối cảnh hiện nay khi du khách dần quan tâm hơn đến du lịch bền vững thì thúc đẩy du lịch thông minh là hoàn toàn phù hợp. Du lịch thông minh cho phép kết nối tốt hơn, từ đó quản lý hiệu quả hơn, áp dụng tốt hơn các quy định về y tế, phòng chống dịch đồng thời bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản.
Theo Giáo sư David B.Weaver (Đại học Griffith, Australia), phát triển du lịch thông minh không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ du khách, mà đồng thời còn để nâng cao nhận thức của người dân và các bên liên quan để du lịch được phát triển bền vững và lâu dài hơn. Đã có nhiều ứng dụng trên điện thoại có chức năng tính toán “dấu chân carbon” và “dấu chân sinh thái” cho từng hành vi ăn uống, đi lại, sử dụng dịch vụ…và thông báo tới du khách. Ứng dụng sẽ hướng dẫn họ cách để tăng thêm những trải nghiệm tốt cho sức khỏe, cho môi trường thay vì những hoạt động “thiếu bền vững”.
Du lịch thông minh còn thúc đẩy sự phát triển bền vững, hài hoà giữa các bên liên quan. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng: "Toàn bộ hệ sinh thái được hưởng lợi khi tham gia du lịch thông minh. Cơ quan nhà nước quản lý điểm đến tốt hơn, hỗ trợ du khách tốt hơn. Các doanh nghiệp dễ dàng giới thiệu sản phẩm, điểm đến. Du khách thuận tiện trong việc tìm kiếm thông tin và thanh toán. Ngoài ra, du lịch thông minh cũng giúp hạn chế tiếp xúc trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19".
Đồng tình với quan điểm này, ông Lý Đình Quân – Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn cho rằng: một hệ sinh thái du lịch thông minh có thể kết nối hiệu quả các bên liên quan, tạo ra công cụ để thúc đẩy phát triển bền vững, hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, môi trường và xã hội. Cụ thể, công nghệ và sự kết nối đã tạo cơ hội cho các dự án khởi nghiệp du lịch phát triển các sản phẩm dựa trên tài nguyên bản địa, thiên nhiên văn hoá như tại Quảng Nam, Hà Giang, Trà Vinh..., tạo sinh kế và hỗ trợ cộng đồng cùng làm du lịch. Quan trọng hơn, công nghệ giúp đo lường và quản lý điểm đến như tính toán về sức chứa của điểm đến, cảnh báo mức độ ô nhiễm, kiểm soát môi trường…, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Ở một khía cạnh khác, du lịch thông minh sẽ góp phần bảo vệ động vật hoang dã. Bà Sarah Baker Ferguson – Trưởng đại diện tổ chức Traffic tại Việt Nam cho biết: Traffic phát triển ứng dụng Wildlife Witness và các công cụ khác để chống lại nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã cho khách du lịch. Ứng dụng này sẽ kết nối các bên liên quan để du khách có thể báo cáo về hành vi xâm hại động vật hoang dã. Ứng dụng cũng khuyến cáo du khách không đăng tải hình ảnh về xâm hại động vật, tích cực tuyên truyền về du lịch thân thiện - tham quan nhưng không tàn phá./.
Theo Hải Nam/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin