Đề án "Di sản đương đại Mang Thít", đặt ra mấy nội dung quan trọng về môi trường, tính kinh tế trong khai thác du lịch. Mới ở bước đầu mang tính tuyên truyền để người dân trong vùng nhận thức được tầm quan trọng của đề án. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp nhận một số ý kiến phản hồi từ những góc nhìn đa chiều.
Trăm năm còn một làng nghề bên dòng sông Cổ Chiên. |
Đề án “Di sản đương đại Mang Thít”, đặt ra mấy nội dung quan trọng về môi trường, tính kinh tế trong khai thác du lịch. Mới ở bước đầu mang tính tuyên truyền để người dân trong vùng nhận thức được tầm quan trọng của đề án. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp nhận một số ý kiến phản hồi từ những góc nhìn đa chiều.
Tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Mang Thít và nhóm tư vấn xây dựng đề án của TS. Ngô Anh Đào (Hà Nội), chính thức giới thiệu đề án tới đại diện người dân địa phương và các cán bộ quản lý thuộc các xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Hòa Tịnh và Nhơn Phú.
Buổi gặp gỡ này vừa làm công tác tuyên truyền, cũng vừa nắm bắt những tâm tư, ý kiến phản hồi của địa phương, đặc biệt những người dân trực tiếp thụ hưởng đề án.
Theo đánh giá của đề án, thì “vương quốc gạch gốm” với gần 1.500 lò gạch trải rộng trên diện tích gần 3.000ha thuộc địa phận huyện Mang Thít, dọc các bờ kinh chính như Thầy Cai, Hòa Mỹ tạo thành một vòng cung bờ phía Nam khép lại tới kinh Nhơn Phú, Hòa Tịnh chính là một kho báu lộ thiên giàu giá trị cần được bảo tồn bởi lịch sử của nó được kiến tạo qua hơn 100 năm từ sự giao thoa văn hóa- kỹ nghệ đặc sắc giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo.
Tuy nhiên, khi những giá trị truyền thống bắt đầu bộc lộ những hạn chế trong giai đoạn phát triển mới; đó là vấn đề môi trường, vấn đề kinh tế không hiệu quả trở thành gánh nặng trên vai những chủ cơ sở sản xuất gạch, gốm.
Do đó, ngoài một số cơ sở đủ tiềm lực có thể thay đổi quy trình sản xuất bằng hệ thống lò hiện đại đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường, thì phần còn lại với những lò đốt trấu truyền thống không được phép tiếp tục sản xuất.
Việc chuyển đổi công năng phát huy giá trị di sản của làng nghề là một ý tưởng hay, tuy nhiên phạm vi và những phác thảo ý tưởng ban đầu của đề án vẫn còn nhiều vấn đề chưa ổn.
Tại một lò gạch ở Mang Thít, họa sĩ Lê Triều Điển đang sáng tác những tác phẩm gốm có giá trị từ vài ngàn đô đến hàng chục ngàn đô, chuẩn bị cho cuộc triển lãm quốc tế ở Pháp. |
Theo TS. Ngô Anh Đào- Trưởng nhóm tư vấn đề án, có giới thiệu về khu bảo tồn lò gạch độc đáo của Trung Quốc được Chính phủ Anh hỗ trợ và đã trở thành một di sản, điểm đến độc đáo nổi tiếng trên thế giới với chỉ 45 lò gạch.
Như vậy, liệu với quy mô, diện tích làng nghề của Mang Thít được đề án đề cập, thì liệu tính khả thi có cao không? Trước tiên, về vấn đề kinh phí là quá lớn, trong khi lập luận về tính hiệu quả kinh tế thì hoàn toàn chưa thuyết phục được đa số mọi người.
Trong khi một chủ lò gạch lâu đời ở xã Mỹ An cho biết, đơn cử 4 lò gạch của gia đình cùng với diện tích đất với tổng trị giá trên 1,5 tỷ đồng và món nợ ngân hàng đang vay cũng khá lớn, nếu không sớm chuyển đổi mục đích kinh tế thì không thể nào cầm cự được với lãi suất kéo dài. Đó là vấn đề nan giải đối với hơn 1.500 lò gạch trong quy mô đề án.
Trong khi mục tiêu kinh tế đặt ra của đề án là đưa làng nghề trở thành di sản sẽ khai thác theo hướng sản phẩm du lịch.
Trong đề án đặt ra mục tiêu ước đạt 1.500 tỷ hàng năm cho ngành du lịch Mang Thít là không có cơ sở, là con số “trong mơ” khi mỗi miệng lò hàng năm sẽ đạt giá trị kinh tế trung bình là 1 tỷ đồng. Những hoạt động dịch vụ nào ở các lò gạch để có thể dẫn dụ cho du khách móc hầu bao để tạo nguồn thu kinh khủng như thế?
Những tác phẩm gốm của họa sĩ Lê Triều Điển. |
Ở góc nhìn khác, chúng tôi mạn phép đóng góp, trong trường hợp “nếu có thể” các hoạt động du lịch chúng ta có thể xây dựng một số dịch vụ đưa “sản phẩm” gạch ngói trở thành những “tác phẩm” mang giá trị cao.
Đây là những đề xuất chính thức và cũng là giấc mơ của họa sĩ Lê Triều Điển từ hơn chục năm nay. Chính ông cũng là người khởi phát đưa những nhóm sáng tác về vùng gạch gốm Mang Thít, tạo nên giá trị khác biệt lớn từ nguồn nguyên liệu đất sét Vĩnh Long.
Và cho đến nay, ông vẫn đang lặng lẽ trở lại Mang Thít, sáng tác những tác phẩm mới từ nguyên liệu đất sét, để phục vụ cho các cuộc triển lãm quốc tế sắp tới.
Một khối đất sét tạo ra sản phẩm gạch có giá trị vài trăm ngàn đồng, nhưng khi trở thành những tác phẩm của họa sĩ Lê Triều Điển thì có thể đạt con số vài ngàn đô.
Chúng ta nên quan tâm ý tưởng gắn hoạt động du lịch với các hoạt động nghệ thuật trong nước và quốc tế, từ đó đưa lên thành những hoạt động gắn với các sự kiện văn hóa nghệ thuật thường niên của địa phương. Dù điều này không hề đơn giản.
Những làng gốm Bình Dương trước đây cũng đã xây dựng được sự liên kết với tour từ TP Hồ Chí Minh, đưa du khách lên đây tham quan và trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất những sản phẩm gốm đơn giản, sau đó những sản phẩm này sẽ được vận chuyển về tận nơi cho những du khách Nhật Bản.
Một số ý kiến bày tỏ sự quan tâm của người dân thụ hưởng trong vùng đề án, một số góc nhìn đa chiều, nhằm đặt ra những vấn đề cần lưu ý, cũng là những câu hỏi chúng tôi muốn gửi đến những người xây dựng đề án. Với thiện chí mong muốn đề án khả thi nhất và sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin