Từ thiên đường mua sắm, ẩm thực đến du lịch an toàn

05:05, 24/05/2020

Du lịch là ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19; đó là khó khăn chung toàn cầu. Nhưng xét về góc độ lấy lại đà tăng trưởng, xây dựng chiến lược khai thác và quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia, thì Việt Nam đang có nhiều vận hội lớn.

Du lịch là ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19; đó là khó khăn chung toàn cầu. Nhưng xét về góc độ lấy lại đà tăng trưởng, xây dựng chiến lược khai thác và quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia, thì Việt Nam đang có nhiều vận hội lớn.

Nắm bắt thời cơ lớn

Tại hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19”, tại Hà Nội chiều 21/5/2020, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho biết thời gian tới bộ sẽ chủ trì, xây dựng kế hoạch, thời điểm mở lại thị trường quốc tế, lựa chọn quốc gia nào Việt Nam sẽ mở cửa thị trường du lịch giai đoạn 1.

Với những cảnh quan tuyệt vời trải dài khắp cả nước, Việt Nam sẵn sàng nắm bắt cơ hội trở thành “Thiên đường du lịch mới” của thế giới. Trong ảnh: Những hòn đảo Tây Nam thuộc tỉnh Kiên Giang.
Với những cảnh quan tuyệt vời trải dài khắp cả nước, Việt Nam sẵn sàng nắm bắt cơ hội trở thành “Thiên đường du lịch mới” của thế giới. Trong ảnh: Những hòn đảo Tây Nam thuộc tỉnh Kiên Giang.

Đây là vấn đề được quan tâm không chỉ của riêng ngành du lịch. Đối với mảng khách quốc tế, hội nghị đặt vấn đề chuẩn bị gấp rút công tác truyền thông và xây dựng hình ảnh quốc gia an toàn tuyệt vời của du lịch Việt Nam.

Một cơ hội rất tốt, khi phần lớn các nước trên thế giới đều ca ngợi và công nhận sự thành công của Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ tốt người dân và kiều bào nước ngoài, cả những bệnh nhân nước ngoài ở Việt Nam.

Cùng với sự thành công, cái đọng lại lớn hơn hậu COVID-19, chính là cách ứng xử, đối xử nhân văn cao cả của đất nước, con người Việt Nam.

Nhìn lại cả quá trình dài kể từ lúc nước ta hội nhập sâu với thế giới, thì riêng ngành du lịch chúng ta đã trải qua những giai đoạn ấn tượng trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia cho du lịch Việt Nam.

Chúng ta đã tạo nên những thị trường du lịch rộng lớn, đa dạng, những “đợt sóng” du khách cực lớn, nhưng vẫn luôn “đứng sau” nhiều nước trong khối ASEAN.

Có một mong mỏi, niềm khát khao cháy bỏng không chỉ của riêng ngành du lịch là có một ngày chúng ta phải vươn lên thành một quốc gia lớn về du lịch.

Bởi, so với nhiều quốc gia mạnh về du lịch, thì tiềm năng, thế mạnh du lịch Việt Nam có nhiều điểm vượt trội; vấn đề là công tác xúc tiến, quảng bá và xây dựng sản phẩm xứng tầm vẫn chưa được như mong muốn. Có lẽ đây là vận hội không thể tốt hơn, tính đến thời điểm này để du lịch Việt Nam vượt lên một cách thực sự mạnh mẽ, ngoạn mục.

Quốc gia an toàn tuyệt vời

Thác Bản Giốc (Cao Bằng) phía Tây Bắc.
Thác Bản Giốc (Cao Bằng) phía Tây Bắc.

Cần xác định rõ tính chất an toàn trong chiến lược quảng bá lần này của du lịch Việt Nam, nó ở cấp độ khác, khách quan hơn và tuyệt vời hơn so với slogan “Việt Nam điểm đến an toàn” trước đây.

Tại hội nghị nêu trên, ông Adam- đại diện BIM Group- cho rằng Việt Nam đang có uy tín tuyệt vời trong khống chế dịch COVID-19 nên cần phải tận dụng cơ hội tốt nhất, tạo ra hành lang du lịch an toàn.

Khi các hãng hàng không, biên giới được mở cửa bình thường, Việt Nam phải gửi thông điệp sẵn sàng đón tiếp du khách.

Trước đây, du lịch Việt Nam đã thành công lớn với chiến lược “Thiên đường mua sắm”, tạo nên làn sóng mạnh mẽ từ nguồn khách quốc tế; đặc biệt khách Châu Á như: Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Khởi đầu cho sự ra đời những trung tâm mua sắm lớn ở TP Hồ Chí Minh dành riêng cho du khách, những con đường mua sắm nhộn nhịp ở khu trung tâm Quận 1.

Thậm chí có những ông chủ lớn nước ngoài cũng nhảy vào, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt và có những “chiêu thức” kém lành mạnh, đã dần phá vỡ một thị trường du lịch béo bở.

Nhưng lý do quan trọng, là chúng ta chưa có khâu phối hợp tầm quốc gia, giữa các ngành du lịch và vận tải… chưa có sự điều phối nhịp nhàng nên sự phát triển chưa được như mong muốn, chưa cân xứng với tiềm năng du lịch dồi dào của đất nước.

Sự phát triển rõ nhất của ngành du lịch trong những năm gần đây, là sự đầu tư mạnh tay của những tập đoàn lớn, tạo nên những vùng du lịch trọng điểm, những khu du lịch tầm cỡ VIP quốc tế, khai thác thế mạnh thiên nhiên, khí hậu tuyệt vời của Việt Nam.

Nhưng xét cho cùng hướng đi này chưa thể quảng bá được bản sắc văn hóa, quảng bá rõ nét thương hiệu quốc gia cho du lịch Việt Nam.

Với chiến lược xúc tiến, quảng bá văn hóa ẩm thực gần đây, Việt Nam đang “vẽ” nên một bản đồ du lịch mới trên thế giới, được ghi nhận là những thành công, hướng đi đúng đắn.

Nhưng lần này, khi phần lớn thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, khi mà Việt Nam được thế giới công nhận sự thành công tuyệt vời trước dịch bệnh, sẽ là vận hội lớn để ngành du lịch tăng tốc, vượt lên, tạo nên cú đột phá ngoạn mục; đồng thời tạo nên một thương hiệu quốc gia bền vững về một điểm đến “an toàn tuyệt vời”.

Để nắm bắt thời cơ, đạt được những kỳ vọng cho ngành du lịch Việt Nam, ông Craig Douglas- Phó Chủ tịch Công ty Đầu tư Lodgis Hospitality Holdings- cho rằng Việt Nam đang ở vị thế tốt vì thành công trong việc kiểm soát COVID-19. 

Nhưng thế giới cần được biết đến điều này rộng rãi hơn, Việt Nam cần định vị đất nước như một thiên đường an toàn. Và điều này cần phải được ngành du lịch hành động tức thì, cần khởi động các chiến dịch truyền thông càng nhanh càng tốt.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh