13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL trên thực tế vẫn chưa thực sự tìm lối đi thích hợp để du lịch trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của toàn khu vực.
13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL trên thực tế vẫn chưa thực sự tìm lối đi thích hợp để du lịch trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của toàn khu vực.
Mặc dù các chuyên gia, các nhà quản lý và kinh doanh du lịch nhiều lần khẳng định rằng, tiềm năng và tài nguyên du lịch khu vực này là rất lớn; với cửa ngõ lớn nhất là TP Hồ Chí Minh và Cảng Hàng không Cần Thơ, với tổng nguồn khách lên đến khoảng 17 triệu lượt khách mỗi năm.
Chợ nổi là nét văn hóa độc đáo ở vùng sông nước. Ảnh: VINH HIỂN |
Một số vấn đề bất cập
Theo định hướng của Chính phủ về quy hoạch phát triển vùng, thì 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL được chia thành 2 cụm du lịch, là: Tây sông Hậu có 7 tỉnh- thành (An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ) và Đông sông Hậu có 6 tỉnh (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An).
Tuy nhiên, nếu phân tích sâu theo “bản chất” nguồn khách thì các cụm hiện nay vẫn chưa hợp lý. Ví dụ nguồn khách quốc tế, nguồn khách nội địa và trong mỗi nguồn khách này, chúng ta đi sâu vào “bản chất” dòng sản phẩm, như: du lịch sông nước, miệt vườn; du lịch văn hóa dân tộc; du lịch tâm linh; du lịch trải nghiệm chuyên đề văn hóa ẩm thực, nông nghiệp…
Trước hết về dòng khách quốc tế, rõ ràng tuyến TP Hồ Chí Minh được xem là nguồn cung chủ lực, được kết nối mạnh mẽ với các địa phương: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.
Trong khi đó, các sản phẩm du lịch tâm linh mà chủ yếu là nguồn khách nội địa, thì An Giang được xem là dẫn đầu với hàng chục triệu khách mỗi năm. Tuy nhiên, đa số nguồn khách này là tự phát chưa có sự đầu tư khai thác một cách chuyên nghiệp.
“Hồn cốt” của du lịch đồng bằng là du lịch gắn với sông nước. Ảnh: VINH HIỂN |
Đồng thời, An Giang và Đồng Tháp là 2 tỉnh lân cận có thể kết nối nhau về tour rừng ngập ngọt nhưng hoàn toàn khác nhau về tính chất, cảnh quan nên vẫn có thể kết hợp, bổ sung cho nhau tạo thành tuyến liên hoàn mang tính chuyên đề cao.
Tiếc là thế mạnh độc đáo này chưa thuyết phục được các hãng lữ hành lớn nghiên cứu xây dựng tour cho dòng khách quốc tế.
Tương tự tình trạng này là tài nguyên vô giá của vùng rừng U Minh Thượng của Kiên Giang và U Minh Hạ của Cà Mau chưa có sự khai thác mạnh mẽ nguồn khách du lịch một cách bài bản; trong khi các địa phương này đang có lợi thế về nguồn khách nghỉ dưỡng và biển đảo vô cùng to lớn.
Ở góc nhìn khác về du lịch văn hóa dân tộc, trong khi tuyến đường ven biển đang từng bước hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông giữa các tỉnh duyên hải miền Tây Nam Bộ, thì cho đến nay vẫn gần như bỏ trống khả năng khai thác.
Nếu có sự quy hoạch vĩ mô đầu tư kết nối giữa các tỉnh Trà Vinh- Sóc Trăng- Bạc Liêu, thì đây sẽ là dòng sản phẩm cực kỳ hấp dẫn, độc đáo kết hợp với việc nâng tầm các sự kiện lễ hội dân tộc Khmer lên tầm vóc quốc tế.
Hiện nay, tương tự du lịch tâm linh của An Giang, thì nguồn khách về tham quan hệ thống chùa chiền Khmer đang tăng lên rất lớn nhưng vẫn là sự tự phát, hoặc sự khai thác còn chưa chuyên nghiệp, phần nào làm giảm đi giá trị quý của sản phẩm du lịch dạng này.
Cần có “nhạc trưởng” cho “bản đồng ca” du lịch đồng bằng
Trên thực tế, việc phân chia cụm chưa hề phát huy hiệu quả và vai trò của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL còn quá mờ nhạt. Thường những người quản lý các hiệp hội du lịch địa phương hiện nay cũng chưa đủ tầm để có sự đóng góp nhất định, cần thiết cho khu vực, cho địa phương mình.
Trong khi đó, các hãng lữ hành lớn thường chỉ đòi hỏi có sẵn sản phẩm để khai thác, còn thiếu sự hỗ trợ về chuyên môn, nhân lực một cách cụ thể. Tất cả cũng chỉ là những chuyến farmtrip, vài cuộc hội thảo, hội chợ, đóng góp ý kiến.
Nét chân quê, hiếu khách của người Nam Bộ cũng là “điểm cộng” cho du lịch đồng bằng. Ảnh: VINH HIỂN |
Trong đó, quan trọng nhất là Hội chợ Du lịch quốc tế (ITE) TP Hồ Chí Minh hàng năm, cũng chỉ dừng lại ở mức độ hội thảo, đóng góp ý kiến và một số yêu cầu đặt ra cho các địa phương. Điển hình như tại ITE TP Hồ Chí Minh 2019, có hàng chục dự án gọi vốn lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng của cả khu vực, trên thực tế cũng khó thành hiện thực.
Ở đây, chúng ta đặt thêm vấn đề năng lực xây dựng dự án còn khá sơ sài, chưa có sự đánh giá khoa học, đủ sức thuyết phục những nhà đầu tư.
Trong khi đó, cũng có trường hợp các nhà đầu tư “xí dự án”, thông qua hình thức dự án du lịch nhưng thực tế là giành ưu thế đất đai, không trừ trường hợp mang tính đầu cơ bất động sản hoặc chờ cơ hội bán lại dự án. Điều này, làm giảm đi cơ hội cho các nhà đầu tư đi sau và có thiện chí thật sự.
Từ một số nhận định trên, du lịch đồng bằng nên “ngồi lại” cùng với “người cầm nhịp” là TP Hồ Chí Minh, xây dựng lại chiến lược phát triển toàn vùng.
Với tinh thần điều tiết nguồn khách, phân chia lại dòng sản phẩm và tạo nên những liên kết nhóm một cách linh động hơn, tùy theo nguồn khách, tùy theo dòng sản phẩm xây dựng cùng nhau giữa các địa phương; không nên cứng nhắc theo sự phân chia 2 cụm Đông- Tây sông Hậu như hiện nay.
Vì thực tế, cách phân chia này chưa đem lại hiệu quả thực tế, chưa phát huy được thế mạnh tương đồng và khác biệt giữa các địa phương. Đó là lý do du lịch đồng bằng hiện nay vẫn còn rất tự phát, mạnh ai nấy làm và sản phẩm chồng lấn lên nhau.
Một năm mới, hy vọng mới cho sự đột phá mạnh mẽ tiềm năng to lớn của du lịch đồng bằng. Cần sự quyết tâm hơn của mỗi địa phương và cần nhất sự phối hợp một cách hiệu quả, khoa học và thật sự chuyên nghiệp hơn.
13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL được chia thành 2 cụm du lịch, là: Tây sông Hậu có 7 tỉnh- thành (An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ) và Đông sông Hậu có 6 tỉnh (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An). Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến đề xuất xây dựng lại hướng tuyến liên kết mới, sẽ mở ra nhiều cơ hội khai phá tiềm năng du lịch của khu vực này. |
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin