Nếu có sự ghi nhận kỷ lục trong ngành du lịch Việt Nam, thì Long Hồ sẽ có khá nhiều câu chuyện, vấn đề để… ứng tuyển.
Nếu có sự ghi nhận kỷ lục trong ngành du lịch Việt Nam, thì Long Hồ sẽ có khá nhiều câu chuyện, vấn đề để… ứng tuyển.
Đó không phải là nói theo kiểu ngẫu hứng, mà là một niềm tự hào có thật, vùng đất 4 xã cù lao của Long Hồ khác gì chiếc nôi, đã khai sinh ra nhiều loại hình du lịch độc đáo, mới lạ và sau hơn 40 năm, những dòng sản phẩm đó vẫn đang tiếp tục được khai thác và triển khai trên khắp cả nước.
Câu chuyện đầu xuân, hãy cùng nhau “Ôn cố tri tân” chuyện du lịch trên vùng đất Long Hồ.
Homestay Út Trinh đạt giải thưởng Homestay ASEAN 2017. |
Những ai đã từng gắn bó với du lịch Vĩnh Long ngay từ cái thời bao cấp, đều không giấu niềm tự hào khi kể lại cái thuở ban đầu ấy. Khi mà đất nước còn khó khăn, mọi người còn loay hoay trong câu chuyện cơm áo gạo tiền, thì Vĩnh Long đã có đầy đủ cơ ngơi, đội ngũ chuyên nghiệp để đón khách quốc tế.
Ban đầu chỉ là những đoàn khách từ Liên Xô cũ, không lâu sau Vĩnh Long tiến tới hợp tác, xây dựng tổ chức nhiều tour chuyên nghiệp, mở rộng đón những nguồn khách từ các nước tiên tiến như: Nhật Bản, Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha… sau này là những đoàn khách từ Mỹ. Hồi xưa, đây là “câu chuyện lớn”. Và tất cả các tour tuyến đầu tiên ấy đều gắn với vùng đất 4 xã cù lao của Long Hồ. Cái khái niệm du lịch sông nước miệt vườn cũng bắt đầu từ đây.
Và Long Hồ đã trình làng một điểm du lịch hấp dẫn và một nhân vật mang đầy đủ tố chất, phẩm chất của một ông già Nam Bộ là ông Sáu Giáo. Dù đã đi qua hơn 4 thập kỷ và dù sau này có phát triển tới đâu, thì phải công nhận đây là hình thức đón khách mới lạ đầu tiên của du lịch Việt Nam.
Từ điểm dừng chân với khu vườn nhỏ đầy hoa kiểng và giọng cười hào sảng của ông Sáu Giáo, Vĩnh Long đã tạo nên một sản phẩm chấn động cả nước: Tây ngủ nhà ta mà giờ đây người ta gọi cái tên sang chảnh là homestay. Điểm ngủ đêm trong giai đoạn đầu lại được tổ chức khá công phu, tại các nhà vườn: Tám Bia, Mười Đầy, Chín Quán,…
Ẩm thực là trải nghiệm thú vị, hấp dẫn trong các tour du lịch. |
Sau ông Sáu Giáo, trên xã cù lao Hòa Ninh xuất hiện một nhân vật đã từng lấy đi không ít nước mắt, cảm xúc của nhiều du khách đến từ Nhật Bản, đó là điểm vườn ông Tám Hổ. Câu chuyện đất và người Nam Bộ hiếu khách, chân tình mà hào sảng, cùng với hương rượu nếp đồng bằng đã xuất hiện trang trọng trên tờ báo có lượng phát hành lớn nhất ở Nhật là Yomiưri, sau đó là tờ báo địa phương Tooyama. Nguồn khách Nhật Bản có sự tăng trưởng tốt vào đồng bằng giai đoạn đó, nổi lên 4 xã cù lao như một điểm đến hấp dẫn và có thể là duy nhất của khu vực.
Đó là cách làm sáng tạo, tự nghĩ ra, tự tổ chức theo nhu cầu của du khách, chưa thực sự có ý thức gì về khái niệm chuyên môn của từ homestay cả. Nhưng đó là một thời làm du lịch với tất cả trái tim nhiệt huyết, hiếu khách một cách hồn nhiên y như bản chất của người Nam Bộ và du khách thời đó, họ cũng đến với sông nước miền Tây bằng tất cả sự trân trọng, pha lẫn những cảm xúc mới lạ và không kém sự tò mò.
Những người khách dễ thương của một thời du lịch sơ khai, giờ đây khó mà tìm lại được. Cứ thế, du lịch Long Hồ “hữu xạ tự nhiên hương”, khách đổ về chật cả khúc sông, tàu máy, đò chèo xôn xao kinh rạch, trên vườn rộn ràng tiếng cười đùa vui vẻ.
Cần tầm nhìn mới
Giờ đây, riêng 4 xã cù lao đã có hàng chục điểm homestay, nhìn ra cả đồng bằng thì hình thức này hầu như đã bão hòa dòng đời sản phẩm và sự nhàm chán khi các địa phương đều có sự rập khuôn nhau. Vô tình, những người làm du lịch đã làm mất đi hình ảnh, tiềm năng vô cùng phong phú của cả khu vực.
Riêng ở Long Hồ, không thể nói là sản phẩm sông nước miệt vườn đã không còn khả năng khai thác; vấn đề là cần hướng đi đột phá, tầm nhìn mới, sâu hơn và chuyên nghiệp hơn trong tổ chức và khai thác hình ảnh sản phẩm du lịch địa phương.
Thực tế, nhiều năm qua những doanh nghiệp truyền thống của Vĩnh Long vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo, hình thành nên nhiều dòng sản phẩm có hàm lượng văn hóa đậm đà hơn, bản sắc hơn, nhằm đưa du khách tiệm cận với đời sống văn hóa, lịch sử và sinh hoạt đời thường của đất và người Nam Bộ.
Khách lưu trú không chỉ để ngủ mà xung quanh có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị về văn hóa ẩm thực, đờn ca tài tử, hát bội cũng đã được đưa vào tour “rất ngọt”, bước đầu đã có những tín hiệu phản hồi tích cực.
Công ty CP Du lịch Cửu Long đã mở rộng tuyến du lịch Long Hồ không còn gói gọn trên cù lao “miệt vườn”, mà có những gói tour làm rẫy, làm ruộng như cấy lúa, cắt lúa ở các xã Phước Hậu, Long Phước. Trong đó, việc đưa vấn đề an sinh xã hội gắn kết với các chương trình tour là một định hướng đầy chất nhân văn, mà công ty đã âm thầm thực hiện hàng chục năm nay.
Bên cạnh đó, là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Công ty Mekong Travel, làm mới sản phẩm homestay tại Long Hồ với những cụm nhà xưa tái hiện lại không gian văn hóa nhà ở Nam Bộ cùng những trải nghiệm văn hóa ẩm thực có thể xem là một nét mới thành công cho du lịch địa phương.
Cùng với Út Trinh Homestay của Mekong Travel, thì Phương Thảo Homestay của Công ty TNHH TM Du lịch Vĩnh Long là 2 đơn vị của Vĩnh Long liên tiếp nhận được giải thưởng Homestay ASEAN trong các năm 2017 và 2019, có thể xem là niềm tự hào của du lịch Vĩnh Long.
Homestay Phương Thảo đạt giải thưởng Homestay ASEAN 2019. |
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, chúng ta vẫn chưa “với tới” nguồn khách cao cấp từ TP Hồ Chí Minh và thiếu hẳn các dịch vụ vui chơi, giải trí đúng nghĩa về đêm, cũng như chưa khai thác hết các thế mạnh sông nước.
Tại Hội chợ Du lịch quốc tế (ITE) TP Hồ Chí Minh 2019, ông Nguyễn Quốc Kỳ- Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel đã chỉ ra vấn đề: Nguồn khách cao cấp chuẩn từ 3 sao trở lên là rất lớn, nhưng chúng tôi không thể đưa về đồng bằng với các dòng sản phẩm homestay được vì chưa đạt chuẩn tương đồng.
Bên cạnh đó, các dịch vụ về đêm còn khá đơn điệu; trong đó vấn đề trải nghiệm văn hóa ẩm thực chưa thực sự làm tới nơi tới chốn, để có đủ sức quyến rũ du khách.
Trong thời gian tới, Long Hồ cần có những đầu tư đi vào chiều sâu, đột phá và chuyên nghiệp hơn. Hy vọng, một năm mới mở ra những tiềm năng mới sẽ được khám phá, đưa du lịch Long Hồ lại đến với thời vàng son.
Bài, ảnh : NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin