Hội chợ Du lịch Quốc tế TP Hồ Chí Minh 2019: Cơ hội tốt liên kết, phát triển

07:09, 07/09/2019

 Qua 15 năm tổ chức, ITE HCMC khẳng định đây không chỉ là hoạt động quảng bá du lịch, mà còn mang lại cơ hội giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, thu hút hàng trăm đơn vị trưng bày cũng như khách quốc tế tham gia.

 

Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo bộ ngành Trung ương và địa phương cắt băng khai mạc ITE HCMC 2019.
Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo bộ ngành Trung ương và địa phương cắt băng khai mạc ITE HCMC 2019.

Sáng 5/9/2019, tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), chính thức khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE HCMC) 2019. Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, cho rằng: Qua 15 năm tổ chức, ITE HCMC khẳng định đây không chỉ là hoạt động quảng bá du lịch, mà còn mang lại cơ hội giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, thu hút hàng trăm đơn vị trưng bày cũng như khách quốc tế tham gia.

Để du lịch đồng bằng “cất cánh vươn xa”

Hội chợ mở đầu bằng Diễn đàn kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh- ĐBSCL năm 2019 với các các hoạt động: Hội nghị xúc tiến mời gọi đầu tư vào hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch- giải trí TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL.

Hội thảo kết nối, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL. Hội nghị cấp cao về liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh- thành vùng ĐBSCL.

Có 179 dự án hạ tầng về văn hóa, thể thao, du lịch và giải trí được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL đưa ra mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước với nhiều ưu đãi.

Trong đó, cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL bao gồm 6 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh có 36 dự án. Cụm phía Tây ĐBSCL với 7 địa phương gồm: TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau có 92 dự án. TP Hồ Chí Minh cần nguồn vốn 39.933 tỷ đồng cho 51 dự án, tương đương hơn 1,81 tỷ USD.

Tỉnh Vĩnh Long giới thiệu đến các nhà đầu tư 3 dự án lớn. Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Giông (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long), kinh doanh khu nghỉ dưỡng, khu nhà văn phòng, khu mua sắm hàng lưu niệm, khu vui chơi giải trí, vườn trái cây, ao cá, cây xanh, cảnh quan, bến tàu, sân đường nội bộ.

Thứ hai là Khu du lịch sinh thái cù lao Dài (xã Thanh Bình và xã Quới Thiện- Vũng Liêm), đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch sinh thái mang vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí gắn với nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe của người dân. Hình thành khu du lịch của tỉnh, điểm kết nối tuyến du lịch các tỉnh Cụm phía Đông ĐBSCL.

Thứ ba là Khu du lịch Phú Thành (ấp Phú Xuân, xã Phú Thành- Trà Ôn); đầu tư xây dựng và kinh doanh khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; hình thành khu du lịch của tỉnh kết nối tuyến du lịch đường thủy sông Hậu.

Ông Nguyễn Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh- cho biết các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu tiềm năng của các dự án sẽ được tạo điều kiện tìm hiểu về các chính sách ưu đãi, cũng như nhận sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các địa phương.

Các địa phương hy vọng những dự án kêu gọi đầu tư này nếu được quan tâm đầu tư đúng mức thì du lịch của các tỉnh- thành vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục “cất cánh vươn xa”.

“Cửa ngõ du lịch đến với Châu Á”

Đó là chủ đề của ITE HCMC 2019, với mong muốn đưa TP Hồ Chí Minh trở thành một trong những điểm đến quan trọng và hấp dẫn của châu lục. Thành phố năng động bậc nhất cả nước, như một đầu tàu năng động dẫn dắt sự phát triển chung của cả khu vực phía Nam.

Ngay trong ngày đầu khai mạc, đã có hàng trăm cuộc gặp trao đổi cơ hội làm ăn tại gian hàng ở ITE HCMC 2019 giữa các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành với các đối tác quốc tế đã diễn ra khá nhộn nhịp.

Năm nay, các doanh nghiệp chủ động hơn trong giới thiệu các sản phẩm mới đến doanh nghiệp lữ hành nước ngoài. Theo ghi nhận, tour về vùng biển, các địa điểm nghỉ dưỡng được khách quốc tế chọn hỏi nhiều.

Đại diện Lữ hành Fiditour cho biết trong ngày đầu dành cho đối tác quốc tế, hãng có kế hoạch tập trung vào các thị trường trọng điểm Châu Âu, Đông Bắc Á, Úc, Mỹ...

Theo đó có 170 cuộc hẹn được đăng ký trước, chưa tính khách vãng lai. Trong đó, khoảng 40% đối tác đã có kế hoạch cùng doanh nghiệp lên lộ trình khảo sát sản phẩm, dịch vụ thực tế để xúc tiến các hợp đồng khung.

Trước đó, phát biểu trong buổi chào mừng các đoàn khách quốc tế tại lễ khai mạc “Hương sắc Việt Nam” (đêm 4/9/2019), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết năm 2018 là một năm tiếp tục thắng lợi của du lịch Việt Nam, trong đó có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2019, du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 700.000 tỷ đồng.

Đây là mục tiêu phát triển cao, đặt ra sức ép lớn cho ngành du lịch vừa tăng trưởng nhanh vừa đòi hỏi phát triển bền vững.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh: Năm 2018, du lịch thành phố và vùng ĐBSCL có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 10,9 triệu lượt khách quốc tế và 66,3 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Riêng vùng ĐBSCL đã thu hút được 40,7 triệu lượt khách trong đó có 37,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017.

Gian hàng Cụm phía Đông ĐBSCL tại ITE HCMC 2019.
Gian hàng Cụm phía Đông ĐBSCL tại ITE HCMC 2019.

Toàn vùng ĐBSCL hiện có 42 điểm du lịch tiêu biểu, 12 điểm du lịch đang xây dựng, khoảng 53.000 khách sạn, trong đó có 15% khách sạn 3 sao trở lên, đặc biệt lực lượng lao động trong vùng đạt 77.000 người.

Có thể nói đây là những con số khá ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực và thay đổi từng ngày diện mạo ngành du lịch vùng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn còn có sự chênh lệch giữa các địa phương.

Nếu tính chung dân số của 14 địa phương khoảng 27,5 triệu người thì bình quân một năm mỗi người dân trong vùng chỉ đón khoảng 2,8 lượt khách, trong đó chỉ có 0,39 lượt khách quốc tế. Và đây là con số vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng của cả vùng.

Do đó, ITE HCMC 2019 là cơ hội để các doanh nghiệp, địa phương kết nối, giới thiệu đến những hãng lưu trú, lữ hành quốc tế, những đầu mối lớn trong, ngoài nước kết nối tìm kiếm cơ hội phát triển. Tiếp tục đà tăng trưởng, để khu vực sớm trở thành “Cửa ngõ du lịch đến với Châu Á”.

Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 15 năm 2019 được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 7/9 tại địa điểm chính là Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (Quận 7) với chủ đề “Cửa ngõ du lịch đến với Châu Á”. Hội chợ thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trưng bày 315 gian hàng. Tại ITE HCMC 2019, có 45 tỉnh- thành trên cả nước mang đến nhiều sản phẩm du lịch hướng đến mục tiêu kết nối di sản.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh