Trừ tiền vé tàu, chị Phương chỉ có hơn 5 triệu đồng trong tay nhưng chị vẫn đang rong ruổi đưa con đi khắp từ Nam ra Bắc. Một khi đôi chân và trái tim đã muốn đi, chị không nghĩ tiền là rào chắn...
Trừ tiền vé tàu, chị Phương chỉ có hơn 5 triệu đồng trong tay nhưng chị vẫn đang rong ruổi đưa con đi khắp từ Nam ra Bắc. Một khi đôi chân và trái tim đã muốn đi, chị không nghĩ tiền là rào chắn...
Sau hơn một tuần xuất phát từ TP.HCM, dừng qua một vài điểm, hiện mẹ con chị Huỳnh Thị Thanh Phương đang nghỉ chân ở miền núi thuộc Bắc Trung Bộ. Ít ai ngờ, trên chuyến đi trải dài Nam Bắc của mẹ con chị, trong tay chỉ có hơn 5 triệu đồng.
Lộ trình cơ bản chị lên sẵn từ trước. Chị kết nối với một số bạn bè, người quen thân trên mạng xã hội ở một vài điểm để đăng ký xin dừng chân tại nhà.
Ngoài tiền tàu xe đã dự trù trước, bé Voi mới 5 tuổi đang được miễn phí tiền vé, khoản cơ bản của hai mẹ con là tiền ăn uống với tiêu chí đơn giản, tiết kiệm.
Là người nhiệt tình, bạn bè khắp nơi mỗi khi có việc về Sài Gòn, chị đều không nề hà tiếp đón, hỗ trợ hết sức. Nên đến đâu cũng có người lôi kéo, dụ dỗ chị đến nhà.
Với 5 triệu đồng trong tay, chị Phương đang đưa con trai đi trải nghiệm từ Nam ra Bắc |
Chị nhấn mạnh, điểm đến của mẹ con trong chuyến đi không phải là các khu du lịch, các vui chơi mà chính là cuộc sống, sinh hoạt của người dân từng vùng miền.
Tại mỗi điểm, họ ăn ở, sinh hoạt tại nhà người quen trong vài ngày. Ở đó, hai mẹ con tham gia vào mọi việc trong gia đình tùy đặc thù như cùng làm nông, chăn nuôi, gặt lúa, buôn bán...
Cậu con trai nhỏ mang tiếng đi du lịch nhưng được ra đồng, nhặt trứng gà, cùng cho heo ăn, ra chợ bán rau, bán gà...
Với chị, đi để tầm nhìn của mẹ con lớn hơn, xa hơn |
Bên cạnh đó, cùng với sự hướng dẫn của người quen, họ khám phá các điểm đẹp tại các vùng miền với chi phí của "người địa phương".
Đi để nhìn xa!
Chị Phương là giáo viên tiểu học ở Củ Chi, TPHCM, lương hàng tháng chưa đến 6 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa khi nào chị xem tiền là rào cản cho những chuyến đi, cho những học hỏi và khám phá khi đôi chân và trái tim nóng ấm. Ngày hè, hai mẹ con có thời gian, nếu không đi, sẽ thật lãng phí thời gian của mẹ lẫn con.
Chị Phương sinh hoạt, tham gia làm mọi việc tại gia đình mình dừng chân |
Động lực phải đi của chị chính là sách. Thường ngày chị hay đọc sách cho con nghe. Với chị, đọc sách cũng là một cách đi du lịch - đi du lịch trong tiềm thức, tư duy... Từ đó, chị muốn đưa con đi để con cảm nhận, trải nghiệm, suy nghĩ về những điều mình đã đón nhận trong sách.
Hành trang của hai mẹ con trong chuyến đi còn là những cuốn sách về lịch sử, văn hóa, về tàu hỏa, về ruộng đồng... những địa điểm, những điều hai mẹ con sẽ trải nghiệm.
Tìm hiểu về dệt thổ cẩm của người dân tộc Thái |
Một điều thôi thúc trong người mẹ là đi để gieo vào con tầm nhìn lớn hơn, xa hơn, thoát ra khỏi chiếc áo chật hẹp nơi mình sinh sống.
Nhiều thanh niên ở quê làng quê Củ Chi quê chị, không bao giờ bước ra thế giới bên ngoài, lớn lên chỉ có một suy nghĩ: Ngày có 100 - 200 ngàn đủ ăn là được, không cần gì hết. Không cần học, không cần đọc sách, không có khát vọng!
Bé Voi, con trai chị Phương đang vui chơi với trẻ em tại địa phương |
Ở và hòa mình vào cuộc sống người dân, chị mong muốn con biết cách hợp tác, biết chấp nhận, điều chỉnh bản thân khi đặt mình vào một môi trường khác.
Và đi để biết yêu thương những lo toan, vất vả của người dân, sự khắt nghiệt của các vùng đất của tổ quốc chứ không chỉ là "rừng vàng biển bạc" như con đọc được trong sách.
Vài ngày tới, hai mẹ con chị sẽ tiếp tục lên đường ra Hà Nội, rồi lên Thái Nguyên, Sơn La... . Trước khi quay về Sài Gòn bước vào năm học mới, làn da hai mẹ con vàng giòn vì sém nắng cùng một trái tim càng thêm nóng ấm.
Theo Dân Trí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin