Khai thác văn hóa ẩm thực trong du lịch

02:05, 21/05/2019

Thời gian gần đây, ẩm thực Việt được quan tâm đưa vào các sự kiện lớn nhằm quảng bá rộng rãi ra với du khách, cộng đồng quốc tế. Nhiều món ăn đã được định vị từ tên gọi, nguồn gốc. 

Thời gian gần đây, ẩm thực Việt được quan tâm đưa vào các sự kiện lớn nhằm quảng bá rộng rãi ra với du khách, cộng đồng quốc tế. Nhiều món ăn đã được định vị từ tên gọi, nguồn gốc.

Tuy nhiên, trong thực tế khai thác khách du lịch thì mảng ẩm thực chưa có được vị trí tương xứng với tiềm năng phong phú và sự hấp dẫn, độc đáo; cũng như chưa được chú trọng đặt nó trong những không gian văn hóa cụ thể để hướng đến cái phần hồn cốt, tinh túy nhất của ẩm thực Việt.

Săn chuột đồng trong trang trại lúa hữu cơ ở Đồng Tháp.
Săn chuột đồng trong trang trại lúa hữu cơ ở Đồng Tháp.

Nếu chỉ nói phần chung nhất, phần “đại diện” thôi thì ẩm thực Việt Nam đã vô cùng đa dạng, phong phú, như: ẩm thực 3 miền, ẩm thực các dân tộc, ẩm thực xưa và nay… có thể nói không quá, đó là cả một thế giới đa sắc màu văn hóa.

Ở đó, có sự cầu kỳ, tinh tế lẫn sự mộc mạc hoang sơ; sự kết nối giữa quá khứ đến hiện tại, sự giao thoa giữa dân tộc và thế giới, mà mỗi món ăn là một câu chuyện ly kỳ của lịch sử, văn hóa và những nét đẹp truyền thống về phong tục tập quán của dân tộc và vùng miền.

Tuy nhiên, phần lớn chúng ta chưa khai thác được cái thế mạnh đặc biệt này; trong khi ẩm thực chính là một cấu thành cực kỳ quan trọng trong mỗi chuyến lữ hành của du khách.

Xin nói “gọn gọn” ở khu vực đồng bằng Nam Bộ và một số định hướng đang mở ra niềm hy vọng lớn từ những tài nguyên du lịch sẵn có, nhưng có thể tạo nên sự hấp dẫn mới lạ, sự khác biệt.

Đương nhiên, trong việc thiết kế tour để chào bán cho du khách, trong đó có ẩm thực, chúng ta phải tùy phân khúc, tùy dạng khách Âu, Á, Mỹ… mà có sự linh hoạt để phù hợp với “khẩu vị” của từng dạng khách, từng đoàn khách.

Tuy nhiên, đối với dạng khách chuyên đề, chính là lúc chúng ta cần phát huy tối đa ý tưởng để có thể xây dựng những chương trình ẩm thực thật đặc biệt, để giới thiệu trọn vẹn cái “phần xác” lẫn “phần hồn” của văn hóa ẩm thực.

Và cao hơn nữa là một chiến lược quảng bá thương hiệu mang tính vùng miền, quốc gia đối với văn hóa ẩm thực trong du lịch.

Cũng cần ghi nhận trong nhiều năm qua, các công ty du lịch của Vĩnh Long đã có nhiều sáng kiến xây dựng các tour riêng biệt nhằm tạo nên sự hấp dẫn cho du khách trong quá trình thưởng thức các món ăn bản địa.

Săn chuột đồng trong trang trại lúa hữu cơ ở Đồng Tháp.
 Du khách tham gia thu hoạch tôm càng xanh trong trang trại lúa- tôm của anh Huỳnh Chí Phương ở Kiên Giang.

Trong đó, đáng chú ý như các tour: tát mương bắt cá, mò ốc, mò cua, hay như các tour dỡ chà, chài lưới…, những món ăn được chế biến từ chính sản phẩm mà du khách đánh bắt được.

Tuy nhiên, dòng đời sản phẩm đến lúc nào đó cũng được kết thúc, khi mà câu chuyện được dẫn dắt như “diễn tuồng” hơn là sự thâm nhập thực tế vào đời sống, sinh hoạt văn hóa thực sự của một vùng đất.

Ngược lại, nếu một tour thực tế được tổ chức trong môi trường sinh thái thiên nhiên thì sẽ tạo nên sự cuốn hút thực sự và du khách hiểu sâu hơn lịch sử, văn hóa thông qua không gian câu chuyện được dẫn dắt bởi những món ăn.

Điển hình như chuyện giăng câu, cắm câu, chài lưới trong trang trại lúa mùa của ông Lê Quốc Việt ở Minh Lương (Kiên Giang); chuyện săn chuột đồng trong trang trại lúa của anh Tiếng ở Đồng Tháp.

Ấn tượng như tour tham gia mùa thu hoạch tôm càng xanh trong ruộng lúa của Công ty ADS của anh Huỳnh Chí Phương ở Kiên Giang…

Món ăn không đơn thuần được dọn sẵn lên bàn, mà được chính tay du khách khai thác trong môi trường sinh thái thực sự, tái hiện lại đúng như không gian Nam Bộ xưa, bên cạnh những ruộng lúa mênh mông, những bầy trâu đang ngâm mình trong nước; chính người miền Tây còn cảm thấy vô cùng hứng thú với những hoạt động này.

Món ăn lúc này nó thể hiện trọn vẹn phần “vật thể” và “phi vật thể” của văn hóa ẩm thực trong một chương trình du lịch.

Khai thác văn hóa ẩm thực theo hướng này nó cũng phù hợp với định hướng khai thác cái thế mạnh nông nghiệp trong du lịch đối với vùng đất ĐBSCL.

Và nó thực sự là thế mạnh đối với những trang trại nông nghiệp kết hợp khai thác tour du lịch. Gần đây, một doanh nghiệp ở Vĩnh Long đang triển khai một mô hình bảo tàng nông nghiệp với quy mô lớn, hướng đến khai thác du lịch cùng với hệ thống nhà hàng, khách sạn, các cụm homestay liên hoàn, là một tín hiệu đáng mừng của ngành du lịch.

Hy vọng đây sẽ là định hướng mang tính bứt phá, tạo nên sự khác biệt rất đặc biệt khai thác được thế mạnh nông nghiệp và văn hóa ẩm thực Nam Bộ trong tương lai không xa.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh