Trong những năm qua, dựa vào những tiềm năng, thế mạnh của mình, TP Vĩnh Long đã có những định hướng, những giải pháp để phát triển du lịch địa phương…
Trong những năm qua, dựa vào những tiềm năng, thế mạnh của mình, TP Vĩnh Long đã có những định hướng, những giải pháp để phát triển du lịch địa phương…
Hiện các điểm vui chơi, lữ hành, lưu trú dần nâng cao chất lượng, phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách (một góc Quảng trường TP Vĩnh Long gắn kết với dịch vụ lưu trú đạt tiêu chuẩn 4 sao). |
Thực hiện đột phá về du lịch
Sau 3 năm thực hiện 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015- 2020 “Về phát triển du lịch giai đoạn 2017- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, TP Vĩnh Long đã có những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, phát triển du lịch.
Theo UBND TP Vĩnh Long, trong những năm qua, thành phố đã thông tin quảng bá tiềm năng du lịch chủ yếu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong đó, tập trung tuyên truyền về chính sách khuyến khích thu hút các dự án đầu tư du lịch, tuyên truyền về hình ảnh quê hương, con người TP Vĩnh Long, giới thiệu những khu di tích văn hóa và các kiến trúc đình chùa, các loại hình nghệ thuật…
Trong khi đó, về quy hoạch và phát triển vùng dịch vụ, du lịch trọng điểm, thành phố đã chú trọng khôi phục các làng nghề truyền thống và dần phát triển.
Đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, chú trọng tôn tạo, trùng tu các di tích văn hóa- lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia…
Cũng theo UBND TP Vĩnh Long, thành phố đã xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù với việc công nhận 7 sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Đặc biệt là trên địa bàn có 2 điểm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận, là Bảo tàng Vĩnh Long và Khu Di tích lịch sử- văn hóa Văn Thánh miếu.
Song song đó, việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát triển thị trường, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến đầu tư du lịch… được quan tâm đúng mức. Qua đó, giai đoạn năm 2016- 2018, khách du lịch trong và ngoài nước đến TP Vĩnh Long ước đạt trên 1,3 triệu lượt.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố được đầu tư nhằm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển du lịch. |
Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên đánh giá, trong 3 năm thực hiện, công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, đã có những biện pháp để người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, cảnh quan môi trường; duy tu, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể phục vụ một số điểm có tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch.
“TP Vĩnh Long là nơi tập trung nhiều cơ sở lưu trú du lịch, lữ hành, nhà hàng, các di sản văn hóa, các di tích lịch sử- văn hóa cùng nhiều kiến trúc đình, chùa có sức thu hút phát triển dịch vụ du lịch và khai thác du lịch tâm linh”- ông Nguyễn Trung Kiên đánh giá.
Để phát triển du lịch bền vững
Tuy đã có kế hoạch phát triển du lịch có tầm nhìn xa, song thành phố vẫn còn tồn tại một số hạn chế để du lịch phát triển bền vững và đi vào chiều sâu.
Cụ thể, sau sơ kết 3 năm thực hiện, cho thấy sự phối hợp chưa thật sự thường xuyên giữa các cơ quan, ban ngành, các địa phương trong công tác quản lý và khai thác tiềm năng du lịch.
Các dịch vụ du lịch cũng như sản phẩm du lịch chưa thật sự độc đáo, hấp dẫn; chưa có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm, mua sắm để tạo cảm giác hứng thú, hấp dẫn để du khách lưu trú, chưa xây dựng và kết nối các tour, tuyến- điểm đến với các khu vực trong và ngoài tỉnh.
Trong khi đó, một khó khăn khác cũng rất cần có giải pháp, là khi kế hoạch về phát triển du lịch được ban hành nhưng chưa có nguồn kinh phí thực hiện theo lộ trình.
Đồng thời thành phố cũng chưa xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như trung tâm văn hóa- thể thao; các sân bãi tập luyện đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân và du khách; các dịch vụ du lịch trên địa bàn chưa hình thành rõ nét, sản phẩm du lịch chưa tiêu biểu… dẫn đến lượng khách đến địa phương còn hạn chế.
Phấn đấu để TP Vĩnh Long là tâm điểm thu hút du khách kết nối với các cụm du lịch khác. Trong ảnh: Làng nghề sản xuất gạch ở huyện Mang Thít. |
Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có 12 công ty và 3 công ty quốc tế thực hiện kinh doanh dịch vụ lữ hành. Đồng thời, có 40 cơ sở lưu trú du lịch.
Các yếu tố về lữ hành, lưu trú đã từng bước phục vụ được nhu cầu đa dạng, nâng cao dần chất lượng phục vụ du khách khi đến tham quan, tìm hiểu về TP Vĩnh Long.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp nhằm đẩy mạnh thông tin, quảng bá về phát triển du lịch cũng như khai thác tiềm năng du lịch.
Đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; tham mưu đề xuất các sản phẩm du lịch đặc thù, các làng nghề truyền thống để trưng bày, giới thiệu đến người dân và du khách thông qua các cuộc triển lãm, hội thi, lễ hội…
Theo kế hoạch “Về phát triển du lịch giai đoạn 2017- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, mục tiêu chung là sẽ đầu tư phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch và vui chơi giải trí theo mô hình du lịch sinh thái đô thị… Mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Phấn đấu đến năm 2030 du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác… TP Vĩnh Long trở thành tâm điểm để thu hút du khách với phương châm là điểm đến “An toàn- Thân thiện- Chất lượng”. |
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin