Thông thường, doanh số lưu trú của một cơ sở lưu trú chiếm khoảng 50% doanh số dịch vụ (với công suất khoảng 50% số phòng) thì mới có khả năng phát triển. Mà doanh số từ số phòng là có giới hạn, nhưng doanh số từ các dịch vụ xung quanh là có thể tăng theo tỷ lệ thuận chất lượng và số lượng dịch vụ cung ứng của các cơ sở lưu trú.
Thông thường, doanh số lưu trú của một cơ sở lưu trú chiếm khoảng 50% doanh số dịch vụ (với công suất khoảng 50% số phòng) thì mới có khả năng phát triển. Mà doanh số từ số phòng là có giới hạn, nhưng doanh số từ các dịch vụ xung quanh là có thể tăng theo tỷ lệ thuận chất lượng và số lượng dịch vụ cung ứng của các cơ sở lưu trú.
Do đó, đẩy mạnh các dịch vụ tại các cơ sở lưu trú là yếu tố quyết định sự thành công và khẳng định thương hiệu trong hoạt động kinh doanh lưu trú. Đây là điểm còn khá yếu, chưa được quan tâm đúng mức tại các cơ sở lưu trú ở ĐBSCL.
Homestay Sáu Thành của Công ty CP Du lịch Cửu Long cũng vừa đưa vào khai thác trong năm 2018. |
Cần tầm nhìn đột phá
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có khoảng gần 90 cơ sở lưu trú gồm các loại hình: khách sạn (KS), nhà trọ, homestay. Trong đó, có 1 KS 4 sao, 1 KS 3 sao, 7 KS 2 sao, với năng lực phòng có thể tạm đáp ứng nhu cầu lưu trú với nhiều dạng khách khác nhau.
Tuy nhiên, ngoài một số ít homestay có các dịch vụ trọn gói, thì đa phần chưa quan tâm, cũng như chưa đủ năng lực sáng tạo những sản phẩm hấp dẫn nhằm tăng cao doanh thu của mình.
Tại buổi lễ giới thiệu sản phẩm làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè- Tiền Giang) với sự hỗ trợ của Tổ chức JICA (Nhật Bản) và Trường ĐH Nữ Chiêu Hòa, phía bạn đã giới thiệu một số nghệ thuật truyền thống do các nghệ nhân là các chủ homestay, các ryokan (lữ quán) cùng một số kinh nghiệm xây dựng các sản phẩm dịch vụ văn hóa là những kinh nghiệm rất hay để chúng ta học hỏi.
Cụ thể, chỉ qua một số nghệ thuật trang trí phòng nghỉ, nhà tắm và nghệ thuật ikebana nơi phòng khách, các nghệ nhân đến từ Nhật Bản đã biến điểm nhà xưa Ba Kiệt lên đẳng cấp 3 sao với gói dịch vụ tăng gấp nhiều lần.
Nếu so sánh cách thức người Nhật đưa những nhà nghỉ truyền thống là các ryokan, lên thành những gói tour nghỉ dưỡng tuyệt vời với giá khoảng 12.000 yên/khách/ngày (gần 2,6 triệu đồng) đến trên 30.000 yên/khách/ngày (trên 6,5 triệu đồng) thì chúng ta còn khá xuề xòa khi khai thác các dịch vụ homestay, trong đó có các điểm nhà xưa rất đẹp và chứa đựng nhiều thành tố văn hóa truyền thống hấp dẫn.
Thông qua các ryokan, người Nhật giới thiệu những nét văn hóa truyền thống như: phòng ngủ chiếu tatami với nệm futon, khách mặc yutaka (đồ khoác mỏng kiểu kimono), tắm onsen (suối nước nóng), tắm ofuro (tắm công cộng), ikebana (nghệ thuật cắm hoa), washokku (hòa thực- ẩm thực truyền thống Nhật Bản)…
Điều này cho thấy, nếu biết cách xây dựng những dịch vụ xung quanh thì doanh thu từ các dịch vụ này sẽ cao hơn rất nhiều so với doanh thu từ phòng nghỉ đơn thuần.
Đây là điều mà các cơ sở lưu trú ở ĐBSCL, ở Vĩnh Long chưa thật sự quan tâm cũng như chưa đủ năng lực khai thác.
Vấn đề có 2 cái khó, đầu tư cơ sở hạ tầng và khó hơn chính là đưa vào dịch vụ hàm lượng văn hóa phi vật thể; ở đây, người chủ homestay như những nghệ nhân, những sứ giả giới thiệu những nét văn hóa cổ truyền, tinh tế của bản địa. Bù lại giá của các gói dịch vụ là khá cao.
Cần một hiệp hội lưu trú
Cho đến nay, chúng ta đã có được khá đầy đủ hành lang pháp lý cho lĩnh vực du lịch hoạt động có định hướng và phù hợp với luật pháp, phong tục tập quán Việt Nam.
Luật Du lịch năm 2017 có hiệu lực từ đầu năm 2018 đã mở đường cho du lịch phát triển. Đối với Vĩnh Long, Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy (2015) và Quyết định 2673 của UBND tỉnh (2017) nhằm cụ thể hóa hành động của nghị quyết về phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định đến năm 2020 du lịch Vĩnh Long phấn đấu là ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã thành lập Hiệp hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long, nhưng với sự phát triển về số lượng, chất lượng các dịch vụ lưu trú hiện nay, Vĩnh Long rất cần sự ra đời của Hiệp hội Lưu trú tỉnh để làm công tác điều phối, liên kết; đặc biệt là giúp các cơ sở lưu trú phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong đó, có việc xây dựng các dịch vụ, những sản phẩm, các gói tour xoay quanh dịch vụ nghỉ dưỡng hiện nay. Vừa qua, tại hội thảo liên kết phát triển du lịch, BTC đã giới thiệu Ban vận động thành lập Hiệp hội Lưu trú tỉnh Vĩnh Long là một tín hiệu đáng mừng.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Hiệp hội Lưu trú tỉnh cũng như Hiệp hội Du lịch sẽ cùng các đơn vị kinh doanh du lịch có thể thống nhất liên kết xây dựng thương hiệu, trong phân bổ phát triển sản phẩm theo lợi thế của từng doanh nghiệp.
Liên kết bảo tồn tài nguyên du lịch; liên kết trong quảng bá, quảng cáo; đào tạo nguồn nhân lực; kêu gọi đầu tư…
Ông Hồ Quang Sinh- Giám đốc KS Sài Gòn- Vĩnh Long (4 sao), cho biết: Là KS 4 sao đầu tiên của tỉnh, KS định hướng xây dựng thương hiệu riêng; nhưng cũng đặt doanh nghiệp trong sự định hướng chung của địa phương, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh có sự liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Trong giai đoạn tiếp theo sau khi dần đi vào hoạt động ổn định, KS Sài Gòn- Vĩnh Long sẽ tập trung xây dựng các gói sản phẩm đa dạng, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của dòng khách lưu trú cao cấp.
Hy vọng việc ra đời của Hiệp hội Lưu trú tỉnh cũng như sự ra đời của một số cơ sở lưu trú cao cấp như KS 4 sao đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Long, sẽ tạo nên cú hích thu hút nguồn khách mới mạnh mẽ; đồng thời, tạo sự quan tâm của các doanh nghiệp địa phương có kế hoạch khai thác tốt hơn dịch vụ lưu trú trong thời gian tới.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có khoảng 90 cơ sở lưu trú gồm các loại hình: KS, nhà trọ, homestay. Trong đó, có 1 KS 4 sao, 1 KS 3 sao, 7 KS 2 sao, với năng lực phòng có thể tạm đáp ứng nhu cầu lưu trú với nhiều dạng khách khác nhau. Tuy nhiên, ngoài một số ít homestay có các dịch vụ trọn gói, đa phần chưa quan tâm, cũng như chưa đủ năng lực sáng tạo những sản phẩm hấp dẫn nhằm tăng cao doanh thu của mình. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin