Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, thực chất là gắn với nông dân, nông nghiệp từ thuở mới hình thành. Tuy nhiên, gần đây dòng sản phẩm này được quan tâm mở rộng hơn, tạo nên sự đa dạng phong phú, khai thác tốt tiềm năng còn khá dồi dào của du lịch đồng bằng.
Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, thực chất là gắn với nông dân, nông nghiệp từ thuở mới hình thành. Tuy nhiên, gần đây dòng sản phẩm này được quan tâm mở rộng hơn, tạo nên sự đa dạng phong phú, khai thác tốt tiềm năng còn khá dồi dào của du lịch đồng bằng.
Lão nông Tư Quang (bìa trái) hướng dẫn du khách cấy lúa. |
Có một lý do là sản phẩm du lịch của Vĩnh Long sau mấy thập niên chỉ mới khai thác phần “miệt vườn” mà chưa khám phá hết sự hấp dẫn của “miệt ruộng”, “miệt rẫy”, là bởi chủ yếu các tour tuyến đa phần đều gắn liền với 4 xã cù lao, xứ sở của 4 mùa cây trái và thuận lợi khai thác tuyến đường sông vốn là thế mạnh đặc trưng của du lịch đồng bằng.
Mở rộng các tour du lịch ra khỏi tuyến cù lao được xem là một nỗ lực, đột phá của các doanh nghiệp đưa du khách tiếp cận gần hơn với đời sống sinh hoạt nông thôn, những phản hồi tốt từ các đối tác đã phần nào chứng minh sự thành công bước đầu của hướng đi “cũ mà mới”.
Thật ra, những năm 2005- 2006, Công ty CP Du lịch Cửu Long đã xây dựng một chương trình du lịch khá độc đáo, đưa du khách tiếp cận gần hơn với hơi thở đời sống sinh hoạt, văn hóa của nông thôn miền Tây, đó là điểm du lịch nhà xưa Tám Phấn. Ở đây, tập hợp khá trọn vẹn những thế mạnh đặc trưng và có đưa vào những nét văn hóa mới lạ lần đầu tiên xuất hiện trong các tour du lịch của Vĩnh Long.
Du khách ngủ lại trong điểm nhà xưa còn giữ được “nét xưa” với 4 thế hệ sinh sống trong một mái nhà, được tham gia làm vườn, làm rẫy, thưởng thức tiệc trà và thưởng thức văn nghệ truyền thống…
Đặc biệt, khi những du khách nước ngoài lần đầu trải nghiệm cưỡi trâu trên đường làng. Tiếc là công tác quảng bá, giới thiệu và chăm chút sản phẩm chưa được như mong muốn, nên sau thời gian khai thác chương trình này chưa thực sự đạt hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Công ty Mekong Travel (Vĩnh Long)- cho biết, cũng khoảng 10 năm trước công ty đã bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu sản phẩm làm ruộng, làm rẫy và chào tour cho một số hãng lữ hành là đối tác quen thuộc. Ban đầu, là thực hiện chương trình cấy lúa và thu hoạch vụ mùa; tuy nhiên, các tour này phải đặt trước ít nhất từ 1- 3 tháng để chuẩn bị.
Do địa điểm thay đổi tùy theo điều kiện thực hiện, nên các tour này chỉ giới thiệu bề nổi của sản phẩm mà chưa giới thiệu được chiều sâu của đời sống nông nghiệp phải gắn liền với sinh hoạt văn hóa của một gia đình nông dân nào đó, thì chương trình tour sẽ chỉn chu hơn. Khi tham gia làm mùa, du khách phải thực sự sống, nghỉ lại cùng với gia đình nông dân.
Đặc sản “miệt ruộng”. |
Gần đây, Công ty CP Du lịch Cửu Long kết hợp với trang trại trồng rau nhà lưới của chị Kim Cương ở ấp Phước Hanh (xã Phước Hậu- Long Hồ). Đến đây, du khách được tham quan quy trình canh tác làm rẫy, được hướng dẫn trực tiếp xuống ruộng cấy lúa tạo được sự thích thú cho nhiều đoàn du khách đến từ Châu Âu, Châu Á.
Theo nhận định của các trưởng đoàn, các hướng dẫn viên du lịch, chương trình làm ruộng, làm rẫy là ý tưởng hay, song nếu như chương trình này gắn với gia đình nông dân, thực hiện “3 cùng” thì sẽ thành công trọn vẹn hơn, đó là “cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm”.
Nhắc lại ý tưởng này, nhiều người vẫn cảm thấy tiếc cho sản phẩm du lịch theo kiểu nhà xưa Tám Phấn, nếu được chăm chút hơn, triển khai đồng bộ nhiều chương trình kết hợp phong phú cho 1- 2 ngày lưu trú “3 cùng” hẳn sẽ tạo nên sự tương tác tốt hơn giữa du khách và gia đình nông dân; ngoài việc tạo nên sự mới lạ, còn là sự giao lưu, mối quan hệ tình cảm giữa chủ và khách, mới chính là đi vào bản chất, chiều sâu của sản phẩm homestay.
Chương trình thông thường của tour homesaty của Công ty CP Du lịch Cửu Long: Khách đến tham quan, nghỉ đêm tại Homestay Út Thủy ở cù lao An Bình, thưởng thức các món ăn đặc sản miền Tây, nghe đờn ca tài tử. Sau đó, sẽ tham gia chương trình cấy lúa ở trang trại rau của gia đình chị Kim Cương ở xã Phước Hậu. Tại đây, du khách được một lão nông giải thích về quy trình làm lúa từ 1 vụ đến 2 vụ và 3 vụ của nông dân miền Tây và trực tiếp lội ruộng cấy lúa như một nông dân thực thụ. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin