Chúng ta luôn nói về vùng đất nằm giữa 2 dòng sông Tiền và sông Hậu, nhưng cho đến nay chưa có một định hướng nào để xây dựng nên những dòng sản phẩm nêu bật lên cái thế mạnh mà nhiều địa phương bên cạnh chúng ta không thể nào có được.
Chúng ta luôn nói về vùng đất nằm giữa 2 dòng sông Tiền và sông Hậu, nhưng cho đến nay chưa có một định hướng nào để xây dựng nên những dòng sản phẩm nêu bật lên cái thế mạnh mà nhiều địa phương bên cạnh chúng ta không thể nào có được.
Cuộc hội thảo du lịch ghi nhận nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết dành cho du lịch Vĩnh Long, những hiến kế từ những nhà làm du lịch chuyên nghiệp đã gợi cho Vĩnh Long một lối đi mới khơi dậy nhiều tiềm năng hấp dẫn trong tương lai không xa.
Cần khai thác lợi thế du lịch của vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu. Trong ảnh: Thôn nữ phục vụ du khách món bánh xèo Nam Bộ. Ảnh: VINH HIỂN |
Định vị cho thương hiệu du lịch Vĩnh Long
Trong nhiều bài báo trước đây, chúng tôi từng nhấn mạnh đến một miền văn hóa đặc trưng nằm bên bờ Bắc sông Hậu, với rất nhiều sản phẩm đặc trưng nhưng vẫn chưa được quan tâm khai thác.
Và, tại cuộc hội thảo này, nhiều ý kiến sâu sắc của những nhà làm tour chuyên nghiệp có nhiều năm hiểu rõ những dòng sản phẩm của đồng bằng đã nhấn mạnh đến cái lợi thế đặc biệt của Vĩnh Long là nằm giữa 2 dòng sông Tiền và sông Hậu, mà nếu biết cách khai thác sẽ tạo nên sự khác biệt đối với các địa phương bên cạnh chúng ta, đồng thời là cơ hội rất lớn để kéo dài thời gian lưu trú tại Vĩnh Long.
Chị Phan Yến Ly- Trưởng Phòng Phát triển sản phẩm khối inbound Saigontourist, phát biểu như một sự chia sẻ chân tình, đầy tâm huyết đối với du lịch Vĩnh Long:
“Đối với Saigontourist, Vĩnh Long có sản phẩm đặc sắc so với vùng ĐBSCL nên Saigontourist “để dành” Vĩnh Long xây dựng sản phẩm “Deeper Mekong”- có một vùng Mekong sâu hơn.
Vĩnh Long giống như người khởi động marathon rất tốt nhưng lại đuối hơi. So với các tỉnh đồng bằng thì Vĩnh Long có những homestay đầu tiên, được du khách nước ngoài nhắc nhiều hơn vùng khác vì nhờ con người đặc biệt của vùng đất: bác Sáu Giáo, nhà cổ Cai Cường…
Tuy nhiên, hiện tại, du lịch chưa có nhiều điểm nhấn, cần nhận diện lại thương hiệu du lịch của mình, quảng bá tốt hơn”.
Và chị Phan Yến Ly mạnh dạn đề xuất ý tưởng: “Vĩnh Long nằm ở giữa sông Tiền và sông Hậu, làm sao xây dựng sản phẩm để nêu bật cái mà Cần Thơ chỉ có sông Hậu, cái mà Bến Tre và Mỹ Tho chỉ có sông Tiền.
Nhiều nơi trên thế giới chỉ cần một điểm giao nhau hoặc điểm đặc biệt như thế thì người ta đã làm một đường tour. Đặc trưng này của Vĩnh Long những thành phố khác, tỉnh khác không có được”.
Cùng chung suy nghĩ hiến kế cho sản phẩm đặc trưng, chị Dương Thủy- Phụ trách truyền thông của Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, phóng viên của Tạp chí VietnamTraveller- mở ra tầm nhìn rộng hơn:
“Là người con của miền Tây nên tôi rất ao ước sản phẩm du lịch miền Tây sẽ đến với du khách trong nước và quốc tế.
Vĩnh Long đưa danh hiệu cù lao thành điểm chính, hầu hết đi theo đường sông để tới cù lao An Bình, trong đó có những chuyến tàu 5 sao nhưng người dân Vĩnh Long lại không thu được tiền.
Cho đến nay, Vĩnh Long chỉ mới khai thác du lịch chủ yếu phía sông Tiền.Ảnh: TRẢNG- THÚY |
Cù lao An Bình quá tải du khách nhưng không thu tiền nhiều: khách tới đạp xe 1 vòng, uống nước, mua tour ngắn nghe đờn ca tài tử, ăn vài miếng trái cây…
Tuyến Bình Minh và cù lao Tân Quy- Trà Vinh, có đặc sản trái thanh trà, khoai lang kẹp mắm đi vào câu chuyện dân gian. Tuyến đi trên sông Cái Cau, Cái Nhum, qua địa danh Mang Thít chưa khai thác thực sự hiệu quả”.
Nhiều đại biểu khá thích thú với chương trình và tiềm năng mà Vĩnh Long đã giới thiệu trong chuyến khảo sát lần này, là nét đẹp văn hóa độc đáo và những đặc sản vẫn còn ở dạng “tiềm năng” mà bấy lâu nay chưa được khai thác:
“Điều khiến tôi cố gắng chạy về đây là để xem hát bội gia đình gần 120 năm. Đó là một viên ngọc quý, di sản quý của Vĩnh Long nhưng hầu như du khách chưa được hiểu.
Dựa theo hát bội giữa rừng của Sơn Nam để đi tìm về ghe hát đậu bên đình…
Vĩnh Long có thanh trà, bưởi Bình Minh, cam Tam Bình… nhưng chưa có ẩm thực đặc trưng, để nấu thành món ngon, để thành sản vật thì chưa có”.
Cần tư duy hơn, năng động hơn
Ngoài ra, Vĩnh Long cần năng động hơn để biến những cái bất lợi thành những sản phẩm mới đa dạng, phong phú hơn, không thể chờ đợi mãi trông chờ vào chính quyền địa phương để cải tạo một tuyến kinh, một đoạn đường trong hàng chục năm nay.
Với tình trạng sông rạch nước lên, nước xuống, những địa phương khác nghĩ ra cách giải quyết khi đò chèo không được, đò lớn không xong thì họ có xe lôi, xe lam, xe đạp, xe gắn máy,…
tất cả những phương tiện khác để làm phong phú loại hình du lịch của mình, phong phú các phương tiện vận chuyển từ các điểm đến khác nhau mà che giấu đi điểm yếu sông rạch bị nước lên, nước xuống hoặc chưa khơi thông dòng chảy. Vĩnh Long thiếu việc đa dạng các phương tiện phục vụ du lịch này.
Du lịch Vĩnh Long còn phổ biến những sản phẩm truyền thống như tát mương bắt cá. |
Ngoài homestay, những nhà hàng ăn tại nhà dân cù lao thì Vĩnh Long chưa có nhiều điểm ăn uống đạt chuẩn.
Khi mở đường tour mới đi từ Bến Tre vòng qua Trà Vinh rồi đến Cần Thơ ngủ đêm, đến Vĩnh Long đã 6- 7h tối, rất muốn tìm chỗ ăn ở Vĩnh Long đạt chuẩn du lịch thì phải đi thêm 30km nữa đến Cần Thơ, du khách không bằng lòng vì ăn bữa tối vào lúc 8h tối.
Tại cuộc hội thảo này, chúng tôi gặp lại “người cũ” là anh Trương Hoàng Phương- Phó Ban nghiên cứu và phát triển sản phẩm Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh- cũng là người đã nổi tiếng thiết kế tour cho Saigontourist từ những năm 90, giờ đây đã có riêng công ty du lịch,
anh Phương tỏ ra rất quan tâm đến vùng đặc sản Bình Minh và có ý muốn chúng tôi trực tiếp hướng dẫn anh trở lại khảo sát một cách nghiêm túc vùng đất này, cùng với anh Phan Đình Huê- Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội.
Trong khả năng hiểu biết của mình, chúng tôi sẵn sàng và rất vui sướng được đưa những nhà làm tour chuyên nghiệp trở lại vùng đặc sản Bình Minh, để từ đây chúng ta sẽ có thể kết nối vùng sản phẩm truyền thống ở 4 xã cù lao Long Hồ thông qua tuyến đường sông Măng Thít, tương lai chúng ta sẽ có thể níu chân du khách ngủ lại Vĩnh Long 2 đêm ở cả 2 phía sông Tiền và sông Hậu.
Đó chính là thế mạnh đặc trưng mà chúng ta có thể tự tin khi các địa phương bên cạnh không thể thiết kế được những dòng sản phẩm du lịch trùng lắp được.
Anh Phan Đình Huê- Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội- nhận định: “Du lịch Vĩnh Long: tài nguyên; trời đất nước đẹp. Vĩnh Long là trung tâm homestay của ĐBSCL cũng như của Việt Nam. Lâu nay du lịch Vĩnh Long chạy theo nhu cầu của khách dần thành dịch vụ phát triển lên. Homestay có truyền thống lâu nhưng sự chuyên nghiệp chưa tốt. Nhược điểm: lãng phí tài nguyên, dễ bị cạnh tranh, để sản phẩm trong tầm mức như hiện nay thì sẽ bị cạnh tranh gay gắt do các tỉnh lân cận đều phát triển loại hình du lịch cộng đồng này”. |
NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin