TX Bình Minh và đặc sản du lịch Vĩnh Long

08:08, 22/08/2018

Chúng ta khá buồn trước câu hỏi: Đặc sản Vĩnh Long là gì? Tất cả đều lắc đầu. Sao vùng đất tiềm tàng nền văn hóa độc đáo cùng lịch sử đáng tự hào, với hàng trăm làng nghề, bạt ngàn vườn cây trĩu quả… lại không tìm ra một sản vật đặc biệt để mà khoe với du khách.

Chúng ta khá buồn trước câu hỏi: Đặc sản Vĩnh Long là gì? Tất cả đều lắc đầu. Sao vùng đất tiềm tàng nền văn hóa độc đáo cùng lịch sử đáng tự hào, với hàng trăm làng nghề, bạt ngàn vườn cây trĩu quả… lại không tìm ra một sản vật đặc biệt để mà khoe với du khách.

TX Bình Minh sẽ trả lời cho câu hỏi này. Vấn đề là chúng ta sẽ làm gì để “đẩy” những đặc sản này lên thành “niềm thương nỗi nhớ” cho bao du khách phải tìm về đây và ở lại đây với một tình cảm thật tràn đầy.

Thanh trà có hương vị thơm ngon mà trái cũng rất đẹp.
Thanh trà có hương vị thơm ngon mà trái cũng rất đẹp.

Làng nghề tàu hủ ky trăm năm

Một dòng sông rất lạ lùng, tách ra từ sông Hậu mênh mông và nó lặng lẽ “ghé” vào đô thị Cái Vồn mà dân gian thường gọi vàm tắc Từ Tải.

Không biết trong lòng sông chứa đựng bí ẩn gì mà trên dọc hành trình ngắn ngủi của nó để đổ về hướng Trà Ôn, đã tạo nên những vườn cây trái rất đặc biệt như: bưởi Năm Roi và cũng là nơi cắm rễ duy nhất của giống cây ngộ nghĩnh thanh trà.

Dọc theo dòng sông, những người dân hiền lành, chất phác trong mấy trăm năm về đây sinh sống đã kịp tạo nên những làng nghề danh trấn đồng bằng như: xóm lu, xóm tàu hủ ky.

Bấy nhiêu đó có đủ để chúng ta khoe với mọi người về một vùng đặc sản của Vĩnh Long chưa? Cái lợi thế đặc biệt là những loại cây trái này nếu đem đi trồng ở vùng đất khác thì nó sẽ mất phẩm chất ngay.

Vậy tại sao bấy lâu nay chúng ta không tạo nên một vùng đất du lịch quyến rũ để mà thu hút, mời gọi du khách đổ về đây?

Trong khi bao nhiêu năm nay, con sông này cũng là tuyến đường sông lý thú đã được các hãng lữ hành lớn nhỏ khai thác trong tuyến du lịch từ đô thị Cần Thơ chạy dọc về phía sông Măng. Vậy là chúng tôi lại tiếp tục trở lại đây một ngày lang thang dọc miền đặc sản của Bình Minh.

Mỹ Hòa- dải đất nằm kẹp giữa sông Hậu và nhánh sông Cái Vồn gần chân cầu Cần Thơ- lúc nào cũng nhộn nhịp, nhất là vào dịp lễ tết và những ngày rằm như rằm tháng 7 đang cận kề. Dưới sông, từng ghe than thay phiên cập bến không ngơi nghỉ. Còn trên bờ, bên hàng trăm bếp lò đỏ lửa, những người thợ cần mẫn, “chạy hụt hơi” để những tấm tàu hủ ky vàng ruộm rời giàn phơi mà “bay đi” khắp đồng bằng.

Sản xuất tàu hủ ky ở làng nghề Mỹ Hòa.
Sản xuất tàu hủ ky ở làng nghề Mỹ Hòa.

Ông Đinh Công Hoàng- Chủ nhiệm Tổ hợp tác Tàu hủ ky Mỹ Hòa- cho biết: “Với 36 cơ sở lớn nhỏ, hàng ngày làng nghề cung cấp cho thị trường khoảng 4 tấn tàu hủ ky nhưng vẫn không đủ bán. Rằm lớn trong năm với tết thì không hình dung nổi, điện thoại réo riết không dám bắt máy”.

Theo ông Hoàng, làng nghề Mỹ Hòa tồn tại trên 100 năm, từ thời anh em người Hoa là Châu Phạch và Châu Sầm đến vùng đất này khởi nghiệp và truyền nghề. Ngày càng đông hộ học nghề nên hình thành hẳn một làng nghề.

Chỉ cần lò nấu, mấy cái vạc, chảo gang, một số dàn phơi làm từ tre, bằng sự khéo léo, cần cù, chịu khó, người dân Mỹ Hòa cho ra đời nhiều loại: tàu hủ ky miếng lớn, tàu hủ ky cọng khô- cọng non, tàu hủ ky
ướp muối,…

Với gần 200 chảo, để kịp những đơn hàng phải giao từ 6 giờ sáng, ông Hoàng nói: “Thằng Dự, Luận, Phượng, Thy, Út Nhẽo… phải làm liên tục từ 18- 24 tiếng. Hơn chục người với vai trò khác nhau, từ thợ nấu chính, thợ chạy máy ly tâm, thợ chụm sôi làm việc lặt vặt và người gút đậu.

Chỉ cần học nghề trong nửa tháng thì những người thợ có thể thành thạo cho ra lò những miếng tàu hủ ky vàng ươm, bắt mắt. Tuy nhiên, để lành nghề thì cần học hỏi, rèn luyện tay nghề trong thời gian dài, ông Hoàng cười: “Tìm được thợ chính quý lắm, tiền “dằn chân” thợ 30 triệu đồng. Còn tiền lương thì có người được 900.000 đ/ngày nên sống khỏe”.

Cảnh tượng đó đủ quyến rũ ngay bản thân chúng tôi dù có bao nhiêu lần ghé thăm làng nghề này và tôi luôn nghĩ rằng bên dòng sông này đủ hấp dẫn khi xây dựng những điểm dừng chân, hay những nhà hàng đặc trưng miền quê sông nước Nam Bộ xưa cùng với những sản vật của chính vùng đất này.

Và cũng không khó khăn mấy khi tạo điều kiện cho du khách trực tiếp tham gia những khâu chế biến đơn giản của tàu hủ ky
Mỹ Hòa.

Về Đông Thành thưởng thức thanh trà

Ông Lê Thanh Tuấn- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long- đã từng than tại một hội thảo về du lịch: “Thiệt tình bây giờ sản phẩm du lịch rất dễ bị ăn cắp bản quyền. Chỉ cần một sản phẩm mới ra đời là ngay lập tức nơi khác sẽ có ngay bản sao”.

Trong hoàn cảnh xô bồ như hiện nay, chúng tôi thiết nghĩ những đặc sản của Mỹ Hòa (Bình Minh) là một bảo đảm chắc chắn nhất đối với việc chống ăn cắp ý tưởng.

Bởi lẽ ngay như bưởi Năm Roi, chỉ cần đem trồng cách một dòng sông Cái Vồn thôi là phẩm chất trái sẽ khác ngay.

Cho tới nay chưa thấy việc mời gọi các hãng lữ hành lớn về đây khảo sát, chính họ sẽ quyết định tour tuyến và sẽ tư vấn xây dựng những dịch vụ ngay tại đây, nơi rất thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông và nằm sát nách đô thị lớn nhất đồng bằng là TP Cần Thơ.

Một nhà hàng “Năm Roi” chẳng hạn với rất nhiều loại thức ăn, thức uống chế biến từ bưởi Năm Roi của quê mình, tại sao không?

Vườn thanh trà gần 30 năm tuổi của ông Sáu Quận ở xã Đông Thành.
Vườn thanh trà gần 30 năm tuổi của ông Sáu Quận ở xã Đông Thành.

Mỹ Hòa không chỉ có bưởi mà một loại cây đặc biệt nhất ở đất nước Việt Nam này không đâu có được và không đâu có thể trồng được, đó là cây thanh trà.

Chúng tôi ghé lại những nhà vườn lớn ở đây như vườn ông Sáu Sinh hơn chục công, Sáu Vẹn cũng hơn chục công, vườn ông Sáu Quận hơn 20 công… và dưới tán cây mát rượi của thanh trà, chúng tôi nghe kể về sự tích ra đời thú vị của giống cây này và thật quý khi hiện nay vẫn còn cây thanh trà tổ với tán rộng hơn nửa công đất và mỗi mùa vẫn cho hàng tấn trái.

Thanh trà rất dễ trồng, nhưng độc đáo là nó chỉ bén rễ cho trái đúng chất lượng khi được cắm rễ trên vùng đất Đông Thành, cặp bên dòng sông Cái Vồn kỳ diệu. Phó Bí thư xã Đông Thành Huỳnh Văn Bé Ba cho biết: “Toàn xã có 40ha thanh trà, nông dân không trồng thêm mà diện tích đang ngày một giảm xuống.

1 công thanh trà thua xa 1 công bưởi”. Đó là lý do đang có trong tay hơn 20 công thanh trà thu vào mỗi năm khoảng 200 triệu đến 300 triệu đồng, nhưng ông Sáu Quận còn khá băn khoăn vì nếu đầu tư trồng bưởi thì lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều.

Trong khi chờ đợi những động thái xúc tiến du lịch cho Bình Minh, thì thông tin về một tập đoàn lớn có ý định đầu tư dự án du lịch lớn với diện tích hơn 50ha là một tin vui, rất vui cho người dân Bình Minh, đặc biệt những làng nghề và những vườn cây đặc sản ở xã Mỹ Hòa, xã Đông Thành.

Thanh trà dễ trồng, ít sâu bệnh có thể gọi là trái cây sạch, nhưng vấn đề lớn nhất là thời tiết. Thời tiết lạnh, gió chướng thì mới ra bông. Thời tiết lạnh kéo dài thì cây ra bông hoài, nếu chưa đậu trái thì nó có thể ra bông đến 5- 6 lần. Người dân gọi là cây “trông ngóng” vì tới mùa là ngóng ra trái. Một công trồng 25- 30 cây, có cây cho đến mấy trăm ký trái, cũng có khi đậu trái 4- 5 cây thôi.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh