So với các tỉnh- thành trong khu vực, tài nguyên thiên nhiên tỉnh Vĩnh Long được ưu đãi: địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, sông ngòi chằng chịt, giao thông thuận tiện, đất đai được phù sa bồi đắp màu mỡ thích hợp cho trồng trọt,…
Khách quốc tế chạy xe đạp dã ngoại tại cù lao An Bình. |
Vĩnh Long là trung tâm và được xem là hình ảnh thu nhỏ của ĐBSCL, bởi sự đa dạng và trù phú của vùng đất giữa 2 con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu.
So với các tỉnh- thành trong khu vực, tài nguyên thiên nhiên tỉnh Vĩnh Long được ưu đãi: địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, sông ngòi chằng chịt, giao thông thuận tiện, đất đai được phù sa bồi đắp màu mỡ thích hợp cho trồng trọt,…
Đây còn được mệnh danh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng, tài nguyên du lịch khá phong phú, đa dạng. Là một trong số ít tỉnh- thành còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng.
Hiện toàn tỉnh có trên 700 di tích (11 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 44 di tích cấp tỉnh), góp phần tạo tiền đề cơ sở vững chắc cho phát triển du lịch.
Điểm đến hấp dẫn
Theo Sở VH, TT và DL Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long xây dựng phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch homestay, gắn với tìm hiểu danh nhân, tham quan các di tích lịch sử văn hóa cách mạng và tâm linh, làng nghề truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng.
Du lịch sinh thái miệt vườn của tỉnh đang tập trung khai thác trên khoảng 60km2, của 4 xã cù lao của huyện Long Hồ, gồm: xã An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Đồng Phú. Đây được ví là “thủ phủ vườn cây ăn trái”, gắn với các vườn cây ăn trái trĩu quả, xanh tươi quanh năm của các hộ nông dân như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng, măng cụt, sa pô chê, mít,…
Toàn tỉnh có trên 20 điểm du lịch sinh thái miệt vườn. Chị Nguyễn Thị Út- chủ vườn chôm chôm ở xã An Bình- cho biết: Gia đình tôi có 1ha vườn trồng chôm chôm. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, hiện nay vườn chôm chôm luân phiên cho trái quanh năm, đảm bảo phục vụ khách du lịch.
Cũng theo chị Út, giá vào vườn chôm chôm của mỗi du khách dao động từ 40.000- 60.000đ theo thời vụ; gia đình tôi phục vụ thêm dịch vụ nấu ăn theo nhu cầu của du khách, với các món ăn bình dân như: gà thả vườn nấu cháo, cá tai tượng chiên xù gói bánh tráng, cá lóc đồng nướng trui, ốc bưu hấp tiêu,…
Anh Hồ Thanh Hải- du khách đến từ Hà Nội- cho biết: “Hè năm 2018, tôi và gia đình lần đầu tiên đến Vĩnh Long tham quan.
Các thành viên trong gia đình tôi rất thích thú khi được đi trên tàu du lịch ngắm cảnh sông nước, cây trái miệt vườn, được tự tay hái trái cây ăn tại nhà vườn, thưởng thức các món ăn dân dã địa phương và nghe đờn ca tài tử Nam Bộ.
Đây thật sự là một chuyến đi bổ ích, gia đình tôi thật sự được cảm nhận, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên mà lâu nay chỉ nghe qua báo đài về Vĩnh Long. Qua đó, chúng tôi phần nào hiểu được nếp sống, cách sinh hoạt văn hóa của người dân vùng quê sông nước miền Tây Nam Bộ”.
Bên cạnh đó, loại hình du lịch homestay của tỉnh được du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng, mỗi năm phục vụ ước khoảng 20.000- 25.000 lượt khách quốc tế, chiếm khoảng 12% lượt khách đến tham quan Vĩnh Long.
Theo ông Trần Minh Triết- Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VH, TT và DL Vĩnh Long): So với các tỉnh- thành trong khu vực ĐBSCL, du lịch homestay của Vĩnh Long được định hình và phát triển đầu tiên.
Khoảng những năm 1990 đến 2000, đây được xem là thời kỳ vàng son của du lịch homestay Vĩnh Long, được rất nhiều các tỉnh- thành trong khu vực và cả nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, cách làm.
Toàn tỉnh hiện có 25 hộ gia đình kinh doanh loại hình du lịch homestay, với trên 460 giường ngủ.
Đến với du lịch homestay, du khách sẽ trở thành thành viên trong gia đình để cùng khám phá những nét văn hóa, phong tục tập quán người dân địa phương như: chèo xuồng, chài lưới, tát mương bắt cá, làm bánh, nấu ăn, đạp xe dạo quanh đường làng, tham quan vườn cây ăn trái, nhâm nhi ly rượu đế cùng các món ăn dân dã địa phương và nghe đờn ca tài tử Nam Bộ thả hồn theo phong cảnh cây trái nên thơ, hữu tình ở một miền quê sông nước yên bình.
Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, du khách được thực tế chiêm nghiệm nét sinh hoạt văn hóa đậm chất người dân Nam Bộ từ thời xa xưa, khi được tự tay đốt đuốc đi đến đình làng xem hát bội,…
Chị Huỳnh Bá Tuyết Vân- Việt kiều Mỹ cho biết: “Năm nay, tôi dẫn gia đình chồng tôi ở Mỹ về tham quan Việt Nam. Tôi đã chọn loại hình du lịch homestay Vĩnh Long là điểm đến.
Tôi thật sự vui mừng khi thấy các thành viên trong đoàn đều thích thú, hào hứng khi đến Vĩnh Long. Đây thật sự là một chuyến đi trải nghiệm, đáng nhớ cho các thành viên về cuộc sống bình yên ở một miền quê sông nước Việt Nam”.
Đối với du lịch tham quan các di tích, lịch sử văn hóa cách mạng, tìm hiểu danh nhân… gắn với các công trình văn hóa: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (được công nhận điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL), di tích lịch sử Văn Thánh miếu,… du khách được tham quan, chiêm nghiệm hình ảnh, hiện vật hay nghe những câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng oanh liệt của người con ưu tú quê hương Vĩnh Long, Nam Bộ thành đồng, những người đã làm rạng danh đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, Vĩnh Long còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân Nam Bộ, với các làng nghề truyền thống như: làng nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ, nghề đan lát, làng gốm đỏ ven sông Cổ Chiên, làng mai Phước Định, làng nghề bánh tráng Cù lao Mây, làng nghề đan thảm lục bình… và các lễ hội dân gian như: lễ giỗ Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer, lễ Hạ điền, lễ Thượng điền,… góp phần tạo nên sự liên kết giữa các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh, điểm đến không kém phần hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, các điểm, Khu du lịch như Vinh Sang (điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL), Trường Huy,… du khách tham quan, vui chơi giải trí với các trò chơi như: “Giới thiệu không gian ẩm thực Chợ quê”, với nhiều hình thức mộc mạc, dân dã của các phiên chợ xưa, tái hiện lại một khung cảnh làng quê bình dị; đi cầu khỉ, cầu dây, chạy xe đạp trên ván, trượt cỏ, câu cá sấu, cưỡi đà điểu, đua thuyền thúng bắt vịt, đạp vịt, bắn súng, xe điện, banh dụng, chèo xuồng ba lá,…
Đây được xem là điểm đến lý tưởng, địa điểm để tổ chức các bữa tiệc dã ngoại, vui chơi, giải trí cho du khách cùng gia đình, bạn bè.
An toàn và thân thiện
Theo ông Trần Minh Triết, hiện nay kết cấu hạ tầng, dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch (giao thông đường bộ, đường thủy nội địa: cầu, đường, bến xe, tàu,… được kết nối), thông tin liên lạc thuận lợi, điện, nước sạch, biển chỉ dẫn,… trên địa bàn tỉnh ngày càng được đầu tư, hoàn thiện, góp phần đảm bảo phục vụ an toàn cho du khách đến tham quan.
Đồng thời, Sở VH, TT và DL phối hợp với Công an tỉnh ký kết quy chế phối hợp thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Phối hợp, giải quyết những vấn đề liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường, an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch…
Tàu du lịch trên địa bàn tỉnh thường xuyên được kiểm tra, đảm bảo an toàn cho du khách tham quan. |
Các ngành, địa phương hàng năm phối hợp kiểm tra, thẩm định chất lượng về hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch; kiểm tra niêm yết giá của các đơn vị kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch, kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp bán giá cao hơn giá niêm yết, bán những sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng và có hành vi lừa đảo khách hàng; an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phương tiện vận chuyển đảm bảo an toàn cho du khách,…
Cũng theo ông Trần Minh Triết, Sở VH, TT và DL đã thiết lập đường dây nóng tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, bến tàu,… để du khách kịp thời phản ánh về chất lượng, thái độ phục vụ, giá dịch vụ,… tại điểm du lịch để các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời giải quyết, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho du khách.
Các dịch vụ, cơ sở vật chất,... nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch ngày càng định hình và phát triển qua từng năm.
Tỉnh Vĩnh Long có 20 cơ sở lưu trú du lịch có điểm tham quan, 77 khách sạn, nhà nghỉ;
20 nhà hàng; 14 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; 53 tàu thủy nội địa từ 10- 40 chỗ ngồi được trang bị phương tiện kỹ thuật, đủ điều kiện an toàn tham gia vận chuyển khách du lịch; các cơ sở du lịch đều được trang bị phương tiện (phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường; nhà vệ sinh; bảo vệ,…) đảm bảo an toàn, chất lượng phục vụ du khách.
Trải qua quá trình mở cõi, đấu tranh, xây dựng phát triển đất nước, người dân đất Vĩnh hình thành nên nét văn hóa “trọng tình nghĩa”, chân chất, thật thà, giàu lòng mến khách khi đến thăm nhà.
Cùng với đó, những năm qua, Sở VH, TT và DL đã triển khai, tuyên truyền bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ VH, TT và DL; tỉnh đã vận hành Cổng thông tin điện tử du lịch thông minh,… bằng nhiều hình thức để chính những người bình dị nhất như bác xe ôm, chị hàng bán rong, anh lái xe taxi, chú bán vé số,… đều trở thành một đại sứ, hướng dẫn viên du lịch, đã để lại ấn tượng, nhiều du khách cảm thấy ấm lòng.
Bà Lemesrekrebs- du khách Pháp- cho biết: “Tôi rất vui mừng là vị khách quốc tế đầu tiên đến Vĩnh Long (năm 2018) và rất xúc động trước việc đón tiếp nồng nhiệt, thân thiện của các bạn. Đến đây, chúng tôi cảm thấy rất an toàn, thoải mái. Đây là chuyến đi trải nghiệm thú vị đến Việt Nam, đặc biệt là Vĩnh Long.
Chúng tôi muốn được trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu về phong cảnh thiên nhiên, nét văn hóa đặc sắc của các bạn,...”
Được biết, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, tạo sự gần gũi, thân thiện,… khi du khách đến tham quan. Qua đó, lượng khách du lịch đến tham quan tăng lên qua từng năm, cụ thể năm 2015 Vĩnh Long đón 960.000 lượt khách du lịch, năm 2017 đón 1.250.000 lượt.
Bài, ảnh: HỮU THOẠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin