Từ TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), đi tàu cao tốc khoảng 2 giờ đồng hồ, du khách sẽ đến được quần đảo Nam Du, nơi có 21 đảo lớn nhỏ còn nguyên vẻ hoang sơ, mộc mạc thuần khiết, được du khách ví von như "Hạ Long phương Nam".
Từ TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), đi tàu cao tốc khoảng 2 giờ đồng hồ, du khách sẽ đến được quần đảo Nam Du, nơi có 21 đảo lớn nhỏ còn nguyên vẻ hoang sơ, mộc mạc thuần khiết, được du khách ví von như “Hạ Long phương Nam”.
Thơ mộng bãi biển Hòn Dầu. |
Khu trung tâm du lịch quần đảo Nam Du được đặt tại hòn Củ Tron (hay còn gọi là hòn Lớn), nơi đây cũng là trung tâm văn hoá - kinh tế - xã hội của xã An Sơn, xã đảo vùng xa thuộc huyện Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang), được thành lập từ năm 1988 với dân số lúc đó khoảng 100 hộ, chủ yếu tập trung ở hòn Củ Tron, Hòn Mấu, hòn Nam Du… Những năm 1990, ngư dân ở các tỉnh bạn (phần đông là ngư dân miền Trung) đến đây câu mực, khai thác thuỷ sản, dân số cơ học gia tăng qua từng năm. Đến năm 2005, xã An Sơn chia tách thành 2 xã là An Sơn và Nam Du, theo đó xã An Sơn quản lý 11 đảo, xã Nam Du quản lý 10 đảo.
Thơ mộng gắn với giai thoại, truyền thuyết
Từ năm 2010, du lịch quần đảo Nam Du được khám phá chủ yếu là khu vực hòn Củ Tron, bởi đây là hòn đảo lớn nhất, tập trung đông dân cư nhất. Từ trên đồi cao 309 m so với mực nước biển, nơi đóng quân của Trạm radar 600 (Tiểu đoàn 551, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) có thể thấy xa xa hòn Dầu, hòn Ông, hòn Ngang, hòn Mấu… Không chỉ non nước hữu tình mà hầu như các hòn, bãi trên quần đảo Nam Du đều gắn với nhiều giai thoại, truyền thuyết khá hấp dẫn, ngay cả cái tên Củ Tron.
Ông Phạm Minh Tần, cư dân xã An Sơn, thuật lại: "Trên đường trốn chạy sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đến vùng biển Nam Du, thấy có bãi biển đẹp dưới chân hòn rộng lớn nên lệnh cho tuỳ tùng dừng chân. Thời gian lưu lại nơi đây, do thiếu lương thực, nước uống, Nguyễn Ánh đã lệnh cho quân lính đào giếng nước ngọt, đào bới đất kiếm khoai… và đã phát hiện một loại củ có hình tròn ăn được. Sau khi lên ngôi, nhớ đến nơi đã từng che chở mình, Nguyễn Ánh đã đặt tên giếng nước ngọt là hồ phong thuỷ, tên hòn là Củ Tròn. Theo thời gian, người dân đọc chệch thành Củ Tron và được lưu truyền đến nay".
Bãi biển dưới chân hòn nơi Nguyễn Ánh dừng chân được người dân đặt tên là bãi Ngự (nơi vua ở). Gần bãi Ngự (dọc theo tuyến đường từ trung tâm xã An Sơn ra bãi) vẫn còn vết tích giếng nước ngọt đã bị thu nhỏ và vùi lấp do xây dựng lộ.
“Cuối năm 2017, phát hiện xác cá Ông trôi dạt ngoài khơi xa, ngư dân đã khấn vái đưa Ông về an táng gần hòn Mấu, nhưng bao nhiêu tàu thuyền vẫn không thể di chuyển được xác Ông. Sau đó, ngư dân lại khấn vái mang Ông về bãi Ngự thì xác Ông được di chuyển nhẹ nhàng, vì vậy ngư dân đã cải táng, lập miếu và thờ cốt Ông ở nơi cao nhìn ra bãi Ngự”, ông Tần cho biết.
Ông Phạm Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã An Sơn, thông tin: "Năm 2014, An Sơn được Nhà nước đầu tư tuyến lộ quốc phòng quanh hòn Củ Tron, điều kiện đi lại thuận tiện và từ trên cao du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên ở các bãi phía dưới hòn. Mặt khác, vẻ mộc mạc, hoang sơ của Hòn Mấu, Hòn Dầu… được khám phá, lượng du khách đến quần đảo Nam Du tăng dần. Đáp ứng nhu cầu đi lại, ăn, nghỉ của du khách, dịch vụ tự phát mọc lên, đời sống người địa phương cũng phát triển hơn. Trong năm 2017, lượng khách đến tham quan trên 119.000 lượt, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ du lịch ở An Sơn đạt trên 354 tỷ đồng".
Điểm du lịch hấp dẫn
Định hướng phát triển du lịch bền vững, tạo điều kiện pháp lý để thu hút đầu tư, tháng 2/2018, UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết định công nhận quần đảo Nam Du là điểm du lịch của tỉnh. Theo đó, tỉnh cũng đã quy hoạch khu đất trên 3.000 m2 để xây dựng khu trung tâm thương mại và dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, nhiều bãi biển ở Hòn Mấu, hòn Củ Tron… cũng được hộ kinh doanh lên kế hoạch nâng cấp nhà nghỉ, xây dựng nhà hàng…
Theo ông Phạm Thanh Việt, xã đảo An Sơn hiện có khoảng 1.200 hộ với trên 4.500 người, toàn xã có trên 280 phương tiện đánh bắt thuỷ sản, gần 2.000 xe gắn máy. Ngoài đánh bắt hải sản gần bờ, nhiều hộ dân kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch. Trên địa bàn xã hiện có 70 nhà nghỉ với trên 550 phòng, gần 21 xe gắn máy cho du khách tự tham quan quanh hòn, trên 20 tàu đưa khách đi tham quan các bãi trong quần đảo… Quý I/2018, ước tính lượng khách đến quần đảo Nam Du trên 50.000 lượt, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt trên 104 tỷ đồng, dự báo trong dịp hè năm nay, lượng khách đến tham quan quần đảo Nam Du sẽ tăng đáng kể.
Nuôi cá lồng bè trên quần đảo Nam Du. |
Hiện tại, xã đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại và dịch vụ du lịch, nhưng trước mắt là tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, các điểm dịch vụ… đảm bảo an ninh trật tự, an toàn toàn giao thông, nhất là giao thông đường thuỷ. Hầu hết các lái tàu đều được tập huấn và cơ sở kinh doanh dịch vụ được tuyên truyền, vận động thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện kinh doanh, cũng như an toàn giao thông và được kiểm tra thường xuyên bởi lực lượng quản lý đường thuỷ nội địa, Ban Quản lý cảng vụ hàng hải, Quản lý bến cảng…
“Vệ sinh môi trường theo hướng du lịch sạch đang là vấn đề được xã An Sơn đặc biệt quan tâm. Thế nên, trước mắt xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân từ bỏ thói quen xả rác xuống biển, mà tập trung rác thải ở những nơi quy định để xe đến chở ra bãi tập trung và tổ chức tiêu huỷ theo kiểu thủ công. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, để đảm bảo môi trường xanh, sạch, xã đang kiến nghị tỉnh sớm đầu tư lò xử lý rác thải”, ông Việt cho biết.
Đánh thức tiềm năng khi đã được công nhận là điểm du lịch, quần đảo Nam Du cần được xây dựng hạ tầng du lịch, phát triển dịch vụ phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của du khách. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một du khách, thiết nghĩ chính quyền xã An Sơn cần tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh ở các điểm du lịch. Phát triển dịch vụ để đáp ứng nhu cầu du khách nhưng cũng cần giữ vẻ đẹp thuần khiết ở các bãi biển, bởi đó là điều kiện thu hút du khách khám phá quần đảo Nam Du.
Như nhận xét của ông Việt: “Du lịch phát triển, đời sống người dân được nâng lên, kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển khá nhanh, thuận lợi cho xã trong việc huy động các nguồn lực thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã An Sơn đang chung sức, phấn đấu thực hiện đạt chuẩn vào năm 2020”./.
Theo Báo Cà Mau
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin