Du lịch Vĩnh Long qua những tầng văn hóa lịch sử

01:03, 13/03/2018

Vĩnh Long với hệ thống di tích "đầy đặn" bậc nhất ở ĐBSCL, cho phép thiết kế một hành trình có thể xuyên suốt liên tục chiều dài gần 300 năm gắn liền với lịch sử cả vùng đất Nam Bộ này.

Vĩnh Long với hệ thống di tích “đầy đặn” bậc nhất ở ĐBSCL, cho phép thiết kế một hành trình có thể xuyên suốt liên tục chiều dài gần 300 năm gắn liền với lịch sử cả vùng đất Nam Bộ này.

Lễ giỗ Tiền quân Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn, ở Giồng Thanh Bạch (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn), Tết Mậu Tuất- 2018. Ảnh: Minh Thái
Lễ giỗ Tiền quân Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn, ở Giồng Thanh Bạch (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn), Tết Mậu Tuất- 2018. Ảnh: Minh Thái

Nhắc chuyện xưa

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên vô cùng thú vị, khi mà tầm 20 năm trước những người làm du lịch Vĩnh Long như anh Việt Tuấn, anh Bình… đã mò mẫm để “mở mũi” cho tour du lịch đón khách về Vĩnh Long bắt đầu từ cửa ngõ Cái Bè (Tiền Giang).

Để từ Cái Bè du khách xuống tàu, tham quan chợ nổi, làng cổ Đông Hòa Hiệp, rồi vượt sông Tiền đến với 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ. Từ Cái Bè đi tàu theo kinh Cái Muối được đào từ thời Pháp, đến chợ Vĩnh Long mất khoảng 45 phút.

Đó cũng chính là con đường khai mở, định danh vùng đất Long Hồ dinh hồi năm 1732. Cụ thể hơn là năm Nhâm Tý, thời Chúa Nguyễn Phúc Chú, Long Hồ dinh được thành lập và đặt tại thôn An Bình Đông thuộc xứ Cái Bè, còn gọi là dinh Cái Bè.

Thiết nghĩ, một hướng dẫn viên giỏi sẽ làm cho du khách hiểu rõ và thích thú, cái đoạn đường mất 45 phút ngồi tàu này, chính là một con đường lịch sử thú vị, mà cha ông ta phải mất đến 25 năm (1/4 thế kỷ) mới vượt qua được con sông này.

Tức phải đến năm 1757, theo đề nghị của ký lục Long Hồ dinh là Tống Phước Hiệp nên Chúa Nguyễn thuận cho dời sở lỵ dinh Long Hồ và Châu Định Viễn về xứ Tầm Bào thuộc Long Hồ thôn là địa điểm chợ Vĩnh Long ngày nay.

Chính bước ngoặt lịch sử này, cháu con đời sau cần ghi nhận và tri ân công trạng của bậc công thần Tống Phước Hiệp.

Đó là một tầm nhìn chiến lược về cuộc đất Long Hồ dinh vững vàng về quân sự và thuận lợi về trồng trọt, để vừa trấn giữ giặc Xiêm từ Cao Miên xuống, vừa khai phá thu hút di dân miền ngoài vào.

Điều này thì cụ Sơn Nam đã giải thích quá rõ ràng khi nhắc về Long Hồ dinh: “Kiểm soát sông Tiền, sông Hậu là vấn đề mà các chúa Nguyễn luôn quan tâm, nhất về mặt quân sự và về canh tác.

Muốn dùng binh lên Cao Miên, phải cho chiến thuyền đi ngược sông Tiền để đến Nam Vang. Và đây còn là cuộc đất lý tưởng “sông sâu nước chảy” với những bờ đất phù sa cao ráo, rất thuận lợi cho việc trồng trọt...

Dinh Long Hồ kiểm soát được hai con sông lớn ấy. Đồng thời dinh này còn bao trùm luôn vùng biển vịnh Xiêm La với Long Xuyên đạo (Cà Mau), Kiên Giang đạo (Rạch Giá), chỉ trừ vùng Ba Thắc (Sóc Trăng)…”.

Thế đất và lịch sử đã “đặt để” cho Long Hồ dinh gánh vác vai trò trung tâm đầu não của cả vùng đất phương Nam trong giai đoạn kéo dài và quan trọng nhất của tiến trình khai phá, ổn định và phát triển trọn vẹn Lục tỉnh Nam Kỳ.

Chính vì thế, đất thiêng một cách tự nhiên trở thành nơi hội tụ những con người mang tầm vóc lịch sử to lớn, mà nói chữ nghĩa là “địa linh, nhân kiệt”.

Cũng dễ hiểu khi các bậc anh hùng hào kiệt bốn phương đã hội tụ về giữa đất chín rồng để hiệp sức gầy dựng nghiệp lớn.

Nhiều vị có công lớn ở vùng đất này được nhân dân ca tụng: Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh- người có công đầu mở mang bờ cõi phương Nam, Hiệp biện Đại học sĩ Nguyễn Cư Trinh,...

Nhưng trong câu chuyện của một chương trình tham quan khám phá những tầng lịch sử văn hóa vùng đất Vĩnh Long này, chúng ta nên xuôi dòng Cổ Chiên về với vùng đất cù lao Dài, để từ đây mở ra mênh mông những không gian thú vị của vùng đất Vũng Liêm lịch sử.

Vị công thần đã khai phá và phát triển vùng đất phương Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII Thống chế Thoại Ngọc Hầu, đây cũng là quê hương vợ ông là bà Châu Thị Vĩnh Tế- người phụ nữ đặc biệt, hiếm hoi được triều đình phong kiến tôn vinh bằng việc gắn tên tuổi liệt nữ “Vĩnh Tế” sống mãi cùng với tên núi, tên sông của Nam Bộ.

Thêm hiểu chuyện ngày nay

Tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao, trong ngày lễ kỷ niệm Nam Kỳ khởi nghĩa 23/11/2017.Ảnh: NGỌC TRẢNG
Tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao, trong ngày lễ kỷ niệm Nam Kỳ khởi nghĩa 23/11/2017.Ảnh: NGỌC TRẢNG

Theo ông Lê Văn Bình- Công ty Mekong Travel, đã kết nối các tour du lịch từ Cái Bè đến 4 xã cù lao An Bình và thời gian gần đây đã mạnh dạn mở tuyến về cù lao Dài, với các nhóm khách đạp xe tham quan làng quê, vườn cây ăn trái, đặc biệt đem đến cho du khách những khám phá mới về những đồng lác trên cù lao này.

Trên cù lao 5 thôn này, vẫn còn nhiều câu chuyện văn hóa lịch sử cùng những di tích chưa được khai thác hết sự hấp dẫn, cùng vẻ đẹp yên bình của một miền quê.  

Nơi có lẽ còn hiếm hoi ở Nam Bộ lưu giữ lại nếp xưa của buổi đầu khai phá đất phương Nam, khi mà những ruộng lác dần thu hẹp và hầu như “tuyệt chủng” ở nhiều nơi.

Chuyện ruộng lác và những làng nghề dệt chiếu lại nhắc nhớ đến những chiếc nóp đặc trưng và có một mùa thu hào hùng nóp với giáo trên vai người Nam Bộ làm nên mùa kháng chiến.

Từ cù lao Dài, vượt con sông rộng du khách trở về với thị trấn Vũng Liêm, để được đắm mình trong quần thể di tích văn hóa lịch sử của quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa. Mà nổi bật như điểm nhấn của quần thể là sừng sững tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao, ghi dấu ấn buổi đầu người dân Nam Bộ đánh Tây bằng mọi thứ vũ khí có được trong tay.

Khu tượng đài kết nối vào cụm bia Nam Kỳ khởi nghĩa, cùng khu trưng bày nông cụ và nền nông nghiệp lúa nước, nhắc nhớ đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người con ưu tú của quê hương Vũng Liêm, quê hương Vĩnh Long đã trở thành nhân vật kiệt xuất thời hiện đại, tiếp nối những bậc tiền nhân góp công lớn vào xứ sở này, đất nước này với vai trò sứ mệnh lịch sử khác nhau ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau.

Và công trình Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chính là trung tâm kết nối một cụm các công trình di tích, thành một không gian lịch sử văn hóa hấp dẫn, xuyên suốt hàng trăm năm chiều dài lịch sử của vùng đất này.

Có thể xem đó là một trong nhiều cách để xây dựng nên một hành trình về với vùng đất lịch sử văn hóa Vĩnh Long. Tùy theo điều kiện, yêu cầu chúng ta có thể đưa du khách theo những hành trình khác, với những “lát cắt lịch sử” khác để có cái nhìn phong phú hơn về quê hương Vĩnh Long.

Khu Di tích Cái Ngang (Tam Bình) của một thời kháng chiến chống Mỹ là điểm về nguồn quan trọng của tuổi trẻ; Di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn (Trà Ôn)- nơi hội tụ của văn hóa, gắn kết 3 dân tộc Kinh- Hoa- Khmer trong những ngày đầu năm… Đặc biệt, Khu tưởng niệm cố Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng và gần đây là Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa trở thành những điểm tham quan không thể thiếu trong hành trình khám phá văn hóa lịch sử của quê hương Vĩnh Long.

NGỌC TRẢNG

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh