Cụm homestay xã Hòa Ninh (Long Hồ) được Tổng Thư ký ASEAN và Bộ trưởng Du lịch các quốc gia thành viên chứng nhận danh hiệu "Homestay đạt chuẩn Asean" năm 2017- 2019.
Cụm homestay xã Hòa Ninh (Long Hồ) được Tổng Thư ký ASEAN và Bộ trưởng Du lịch các quốc gia thành viên chứng nhận danh hiệu “Homestay đạt chuẩn Asean” năm 2017- 2019.
Cụm homestay này có “3 khúc” hợp thành gồm: Homestay Út Trinh, Homestay Út Bình và Homestay Út Quỳnh, thuộc Công ty Mekong Travel (Vĩnh Long).
Niềm vui gợi mở cho những người làm du lịch nhiều ý tưởng đột phá nhưng vẫn còn đó canh cánh những nỗi lòng… “biết tỏ cùng ai”.
Du khách thích thú với các món ăn Nam Bộ. |
Từ homestay đến giấc mơ trải nghiệm
Hơn 10 năm trước, Homestay Út Trinh đã được xây dựng bên bờ kinh Cái Muối, cách vàm Bà Vú không xa, cũng với “công thức” thông thường: đón những đoàn khách Tây ngủ đêm sau một tuyến tham quan từ Cái Bè (Tiền Giang), cũng những nội dung: tham quan chợ nổi, đi đò chèo, ghé lò cốm kẹo, vườn cây ăn trái ở 4 xã cù lao Long Hồ… với giá thì khá bình dân.
Giờ đây, đã là một cụm homesaty với 3 điểm đón khách trong một không gian liên hoàn trên diện tích 1ha, mà mỗi điểm dừng chân là một nét chấm phá trong tổng thể bức tranh miền quê Nam Bộ yên bình, với thiên nhiên, với nếp nhà được chăm chút từng chi tiết nhỏ.
Và giá dịch vụ giờ đây rất hợp lý, mỗi khách trọn gói ăn ngủ từ 40 USD/đêm.
Tuy nhiên, bấy nhiêu đó chưa đủ để cụm homestay này được công nhận danh hiệu: “Homestay đạt chuẩn Asean” năm 2017- 2019, mà đòi hỏi ít nhất phải đạt 3 tiêu chí cơ bản.
Trước hết, phải có sự phát triển qua từng năm, từng giai đoạn nhất định; kế đó là sự hấp dẫn, quyến rũ vì có nét riêng, mới lạ và đặc biệt, là sự phát triển của doanh nghiệp phải gắn với sự phát triển của cộng đồng, địa phương.
Nằm kề bên Homestay Út Trinh là một xưởng mộc ngổn ngang các sản phẩm bàn ghế, trang trí nội thất, gia dụng cùng những chiếc tàu đang đóng dở dang, đội ngũ 5 thợ mộc làm việc xuyên suốt trong năm.
Từ vài chiếc tàu đầu tiên thuở khởi nghiệp, giờ đây đội tàu của công ty đã lên trên 30 chiếc có tải trọng từ 12- 49 khách.
Đại diện doanh nghiêp- ông Lê Văn Bình, cho biết: cứ trung bình mỗi năm xưởng mộc đóng 3- 4 tàu. Trong đó có chiếc đóng mới, có chiếc được nâng cấp sửa chữa từ những chiếc tàu cũ được mua lại.
Con số tăng trưởng đội tàu du lịch, chứng tỏ sự hiệu quả, sức hấp dẫn từ những sản phẩm và các dịch vụ của cụm homestay của công ty trong nhiều năm qua.
Từ Tây Ban Nha, Pablo Giovanetti cùng 5 thành viên trong gia đình lần đầu đến Việt Nam, háo hức chia sẻ cùng chúng tôi về những trải nghiệm lần đầu trên cù lao: “Vừa rời TP Hồ Chí Minh đến đây, chúng tôi rất ấn tượng với khung cảnh thiên quá yên bình, hoang sơ, mộc mạc. Người dân thì rất hòa đồng, dễ thương.
Đặc biệt, bước vào đây là cảm nhận được không gian, kiến trúc những ngôi nhà xưa của ĐBSCL, một trải nghiệm khác lạ. Hy vọng, gia đình chúng tôi sẽ có những phút giây tuyệt vời”.
Còn du khách William Brian đến từ Anh, phấn khích bày tỏ về những trải nghiệm mới lạ: “Tôi cùng vợ đã có một ngày đáng nhớ trên cù lao.
Lần đầu tiên chúng tôi được ngồi trên tàu, đạp xe dọc những con đường đầy cây trái, nghe đờn ca tài tử và tuyệt nhất là những món ăn rất ngon. Sau khi trở về, chúng tôi sẽ còn giới thiệu để cùng bạn bè, người thân sang đây lần nữa”.
Để homestay là thế mạnh của Vĩnh Long
Trải nghiệm đạp xe giữa vườn cây. |
Cùng với khai thác chương trình homestay, Công ty Mekong Travel xây dựng các chương trình trải nghiệm làm nông dân như: gặt lúa, trồng lúa, trồng rau… trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ xây nhà cho người nghèo, mỗi năm xây tặng cho các hộ nghèo từ 12- 16 căn nhà, mỗi căn trị giá 40 triệu đồng.
Đây là số tiền hoàn toàn do sự đóng góp của các đoàn học sinh đến từ Úc. Sau thời gian ngắn xây dựng cho các hộ dân ở 4 xã cù lao, nhiều năm nay chương trình này được triển khai ở các tỉnh: Trà Vinh và Bến Tre.
Đây cũng là một trong những “điểm nhấn” giúp cho Công ty Mekong Travel nhận được danh hiệu “Homestay đạt chuẩn Asean” năm 2017- 2019.
Mong sao trong những năm tới Vĩnh Long sẽ tiếp tục có thêm những danh hiệu như thế, nhằm khẳng định và phát huy thế mạnh homestay truyền thống so với các địa phương trong khu vực.
Không quá đáng khi nhiều người “thuận miệng” gọi Vĩnh Long là chiếc nôi của mô hình homestay của ĐBSCL, cũng có thể là của cả nước.
Với tên gọi rất dân dã, Nam Bộ, các tour “Tây ngủ nhà ta” đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều chương trình tiếp theo của du lịch tỉnh Vĩnh Long, từ đó lan tỏa một số điểm ngủ đêm chủ lực trên 4 xã cù lao, nhưng tiếc là giờ đây, thì những tỉnh lân cận đang tỏ ra “lấn lướt” chúng ta ngay ở thế mạnh truyền thống này.
Đó là những trăn trở của người làm du lịch cũng là “nỗi niềm riêng” của các doanh nghiệp khi vẫn còn đó một số hạn chế chưa kịp khắc phục, để du lịch Vĩnh Long tạo nên những bước đột phá mới trên nền thế mạnh truyền thống bấy lâu nay.
Có những con số nhỏ thôi, nhưng suy ngẫm kỹ lại thấy khá tiếc khi nó ít nhiều kiềm hãm đà tăng trưởng của du lịch Vĩnh Long.
Theo ông Lê Văn Bình, thời gian mới mở dịch vụ thì riêng công ty mình thôi đã có 20 chiếc đò chèo nhưng số lượng hiện ngày càng giảm, bởi mọi con kinh rạch đẹp đều… vướng đập.
Trong khi đó, ở Cái Bè đang có hơn 100 chiếc đò chèo, mỗi tháng chỉ riêng Công ty Mekong Travel chi trả tiền đò chèo cho Cái Bè đã khoảng 50- 60 triệu đồng.
Những con rạch truyền thống triển khai đò chèo trên 4 xã cù lao đều rất đẹp nhưng tất cả đều có cống chắn ngang, điển hình như: rạch chỗ kinh Sáu Giáo bị cạn, rạch Chín Khuyên cũng ngày càng cạn, rạch Lục Cu cũng có đập chắn ngang...
Du lịch là ngành khai thác dịch vụ, có gắn với sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực do đó có những hạn chế nhất định khi việc triển khai xây dựng hoặc quy hoạch của ngành hay địa phương đôi lúc ảnh hưởng đến các tour tuyến truyền thống của du lịch. Đây cũng là lẽ đương nhiên nhưng cũng là điều đáng tiếc cho du lịch tỉnh nhà.
Các doanh nghiệp du lịch cũng mong mỏi, hướng tới địa phương có một số hỗ trợ thủ tục để chúng ta có thể triển khai mạnh mẽ các mô hình du lịch cộng đồng như một số tỉnh lân cận. Đó cũng là cơ sở để tạo đột phá hơn nữa trong các tour homestay truyền thống của Vĩnh Long.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin