Phát triển du lịch ở ĐBSCL: Tín hiệu khởi sắc

01:08, 01/08/2017

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, theo hướng đưa du lịch ĐBSCL trở thành vùng du lịch đặc thù của cả nước. 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, theo hướng đưa du lịch ĐBSCL trở thành vùng du lịch đặc thù của cả nước. 

Du khách quốc tế say mê các sản phẩm thủ công làm bằng dừa ở Bến Tre
Du khách quốc tế say mê các sản phẩm thủ công làm bằng dừa ở Bến Tre

Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng nên thời gian qua các tỉnh ĐBSCL đã tăng cường đầu tư trên nhiều mặt. Nhờ đó, số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến ĐBSCL tăng đáng kể. 

Đông khách, tăng doanh thu

Kiên Giang là một trong những địa phương có sức hấp dẫn du khách nhiều nhất hiện nay.

Theo thống kê của UBND tỉnh Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đón hơn 3 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ ngơi; trong đó khách quốc tế khoảng 201.000 lượt (tăng 22%); khách lưu trú gần 1,5 triệu lượt (tăng 6%); tổng doanh thu từ du lịch hơn 2.241 tỷ đồng (tăng hơn 20%).

Kiên Giang có nhiều điểm đến nổi tiếng, đặc biệt là đảo ngọc Phú Quốc luôn thu hút đông du khách, nhất là dịp lễ tết.

Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Du khách tăng là nhờ thời gian qua tỉnh tập trung quyết liệt cho ngành du lịch như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nâng cấp các điểm du lịch khang trang; quy hoạch các bãi biển đẹp; đầu tư khu vui chơi tầm cỡ; xây dựng nhiều khách sạn tiêu chuẩn; kết nối các tour, tuyến du lịch với các địa phương trong vùng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; hợp tác quốc tế về du lịch; kết nối với Thái Lan và Campuchia trong xây dựng tour theo đường hành lang ven biển phía Nam…

Việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã tạo luồng gió mới cho du lịch tăng tốc”. 

Riêng Cần Thơ, ước tính từ đầu năm 2017 đến nay đã đón hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng tới 36% so cùng kỳ 2016; tổng doanh thu từ du lịch hơn 1.312 tỷ đồng (tăng 15%).

Phần lớn du khách đến Cần Thơ chọn đi tham quan chợ nổi Cái Răng, các tour du lịch sông nước miệt vườn, du lịch sinh thái, tâm linh…

Theo Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị hoạt động, phát triển du lịch, không ngừng củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động lữ hành và du lịch cộng đồng; liên kết với các công ty du lịch ở TPHCM…

Cần Thơ đang hướng tới mục tiêu đón 5,5 triệu lượt khách và doanh thu từ du lịch khoảng hơn 2.000 tỷ đồng trong năm nay. 

Ở Đồng Tháp, dù không được thiên nhiên ưu đãi về mặt phong cảnh nhưng tỉnh đã không ngừng nỗ lực đầu tư tạo hướng đi riêng.

Theo Trung tâm Phát triển Du lịch tỉnh Đồng Tháp, bằng việc đầu tư nhiều sản phẩm du lịch mới, tạo sự đa dạng, phong phú cho các loại hình như: khu du lịch Tràm Chim; đưa vào khai thác tuyến tham quan hoa nhĩ cán tím, hoa hoàng đầu ấn; du lịch sinh thái Gáo Giồng khai trương khu trải nghiệm biểu diễn ẩm thực; đến khu đồng sen Tháp Mười và đầm sen huyện Hồng Ngự ngắm sen nở rộ; các huyện Lai Vung, Cao Lãnh, TP Sa Đéc mở nhiều điểm du lịch nông nghiệp. 6 tháng đầu năm 2017, số lượng du khách đến Đồng Tháp là hơn 1,65 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch hơn 300 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ.

Liên kết phát triển bền vững

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp, nhận định: “Du lịch tỉnh nhà đang đi đúng hướng và tăng trưởng ấn tượng. Mục tiêu của Đồng Tháp là phát triển ngành du lịch bền vững, đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng; sản phẩm du lịch vừa đa dạng và chất lượng cao.

Đồng Tháp khát vọng vươn lên trở thành một trong những tỉnh đứng đầu về du lịch ở Tây Nam bộ trong 10 năm tới”.

Ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist, cho rằng: “Đồng Tháp là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch sông nước, du lịch sinh thái, du lịch xanh, cộng đồng, du lịch mùa nước nổi…

Tuy nhiên, không riêng gì Đồng Tháp mà ngành du lịch cả nước cũng đang đối diện với vấn đề liên quan về môi trường, liên quan đến trách nhiệm của ngành trước nền kinh tế…”. 

Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đề xuất, do nhiều địa phương ở ĐBSCL có điều kiện tương đồng nhau, vì vậy cần liên kết để tránh trùng lắp các sản phẩm du lịch giữa các tỉnh.

Thời gian qua, hiệp hội xây dựng các cụm hợp tác phát triển du lịch theo vùng, như cụm phía Tây ĐBSCL gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; cụm phía Đông ĐBSCL gồm Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Đây là giải pháp nhằm phát huy lợi thế từng địa phương trong phát triển du lịch của địa phương và của vùng; đồng thời hợp tác quảng bá du lịch; xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch…

Các chuyên gia về du lịch lưu ý, du lịch ĐBSCL có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn những hạn chế, về dịch vụ chưa chuyên nghiệp, nhân viên phục vụ trực tiếp còn ít, thiếu các khu vui chơi tầm cỡ để giữ chân khách được lâu, vẫn còn làm theo kiểu rập khuôn, lối mòn, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch có đầu tư nhưng chưa như mong muốn…

Tới đây, để du lịch ĐBSCL tăng tốc, cần sự đầu tư đúng hướng, có giải pháp hợp lý để phát triển nhanh; tăng cường liên kết để tăng sức mạnh.

Theo đó, xây dựng TP Cần Thơ và Phú Quốc (Kiên Giang) trở thành 2 trung tâm du lịch và điều phối du khách cho cả ĐBSCL. Xây dựng TP Mỹ Tho thành trung tâm du lịch phía Đông và đóng vai trò phụ trợ cho vùng…

Theo HUỲNH LỢI (SGGP)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh