Kiến nghị nhiều giải pháp để cải tổ ngành du lịch của TP Cần Thơ và huyện đảo Phú Quốc để xứng tầm với tiềm năng và lợi thế sẵn có
Kiến nghị nhiều giải pháp để cải tổ ngành du lịch của TP Cần Thơ và huyện đảo Phú Quốc để xứng tầm với tiềm năng và lợi thế sẵn có
Cần Thơ là thủ phủ của ĐBSCL nhưng ngành du lịch tăng trưởng chậm. Trong khi đó, Phú Quốc (Kiên Giang) gần đây nổi lên là điểm đến lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước nhưng vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có.
Phú Quốc đang được kỳ vọng sẽ là trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế Ảnh: GIANG SƠN |
Mang tiền đến rồi... mang về
Theo số liệu thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng lượt khách đến địa phương này ước đạt hơn 3,7 triệu lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 1.000 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2016 con số này có tăng nhưng còn chậm.
Khách du lịch mỗi khi đến Cần Thơ thường luôn than vãn ít điểm vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch na ná với các tỉnh khác trong khu vực. Mỗi khi đến Cần Thơ chỉ đặt chân đến bến Ninh Kiều rồi xuống ghe, tàu tham quan chợ nổi Cái Răng là xong. Hay nói cách khác, du khách mang tiền đến Cần Thơ rồi... mang về do xài không hết.
Bà Nguyễn Thị Như Hoàng, Giám đốc chi nhánh của Công ty CP Quốc tế Trải Nghiệm Mới tại Cần Thơ, cho rằng mang tiếng là thủ phủ của ĐBSCL nhưng khi đến đây, du khách không tìm được sản phẩm nào đặc sắc, mang đậm nét riêng của Cần Thơ. Các sản phẩm du lịch chỉ là sự pha trộn của một số địa phương khác trong khu vực nên gây ra sự nhàm chán đối với du khách.
Tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ mới đây, ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, nói thẳng công tác phát triển du lịch còn nhiều bất cập, sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, công tác xúc tiến quảng bá yếu, thiếu sự phối hợp liên ngành...
Trong khi đó, từ năm 2005-2015, lượng khách du lịch đến Phú Quốc bình quân hằng năm tăng 21%. Trong năm 2017, Phú Quốc đặt mục tiêu sẽ thu hút hơn 1,8 triệu lượt khách, doanh thu dự kiến hơn 11.150 tỉ đồng. Thế nhưng, vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự rất phức tạp, giá cả đắt đỏ, tình trạng "chặt chém" du khách... là những rào cản để thu hút du khách đến đảo ngọc này.
Cần có sản phẩm du lịch chủ lực
Tại hội thảo khoa học về vấn đề phát triển Phú Quốc vừa được tổ chức vào giữa tháng 7-2017, TS Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhấn mạnh muốn phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước thì phải phát triển được các sản phẩm chủ lực, mô hình quản lý và chính sách đặc thù. "Có sản phẩm chủ lực thì mô hình quản lý và chính sách đặc thù mới mang lại hiệu quả" - TS Hà Văn Siêu khẳng định.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng cần phải có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội để huy động hiệu quả các nguồn lực nhằm tạo điều kiện cho Phú Quốc phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế của mình, trong đó có du lịch.
Nhằm vực dậy ngành du lịch, UBND TP Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung, như: Phấn đấu đến năm 2020, đưa du lịch TP Cần Thơ cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc, xứng tầm vị thế trung tâm vùng ĐBSCL.
Để đạt được kế hoạch trên, UBND TP Cần Thơ đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực như: Đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch...
Theo www.nld.com.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin