Vai trò kiến tạo của Nhà nước với du lịch cộng đồng

12:04, 04/04/2017

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Tiềm năng về du lịch Tây Nguyên là ai cũng thấy rõ, vấn đề là phải làm gì và làm như thế nào để khai thác hiệu quả tài nguyên đó.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Tiềm năng về du lịch Tây Nguyên là ai cũng thấy rõ, vấn đề là phải làm gì và làm như thế nào để khai thác hiệu quả tài nguyên đó.

Ông Đặng Quốc Chính- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Lâm Đồng- đã đặt ra vấn đề về vai trò kiến tạo của Nhà nước đối với du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên.

Du lịch “đường hầm đất sét” ở Đà Lạt.
Du lịch “đường hầm đất sét” ở Đà Lạt.

Du lịch cộng đồng đã được bàn đến rất nhiều, cũng đã được triển khai ở nhiều nơi, nhiều vùng và đã có những thành công nhất định.

Nhìn sâu vào bản chất du lịch cộng đồng là mang tính nhân văn, nhân đạo cao, được đầu tư ít nhằm giữ nguyên hiện trạng đời sống văn hóa bản địa, đồng thời sẻ chia lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân.

Làm tốt du lịch cộng đồng chính là tạo thêm nhiều việc làm, của cải cho xã hội một cách bền vững. Ông Đặng Quốc Chính đặt vấn đề: ngoài chuyện “kiếm tiền” cho cộng đồng, thì làm sao vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc, của núi rừng Tây Nguyên?

Ông Đặng Quốc Chính đề nghị 3 nhóm giải pháp đối với Nhà nước, nhằm giúp cho du lịch cộng đồng phát triển hài hòa, bền vững.

Trong đó, trước hết quan tâm công tác quy hoạch, mà nội dung thứ nhất là giúp cho địa phương, dân tộc, bản làng giữ được bản sắc, không xâm hại tàn phá môi trường văn hóa và thiên nhiên.

Đồng thời phù hợp, cân đối giữa cung và cầu, mà chuyện này thì người dân không thể nắm được; do đó Nhà nước phải có định hướng, điều chỉnh sự phát triển không để ồ ạt, tràn lan dẫn đến thiệt hại trước hết là cho người dân, rồi đến doanh nghiệp.

Đầu tư du lịch cộng đồng của người dân không lớn, nhưng đối với hộ gia đình đôi khi là món nợ không thể trả nổi- nếu tham gia du lịch cộng đồng không hiệu quả.

Nội dung thứ ba là phải phù hợp với tổng thể kinh tế, hạ tầng của địa phương, khu vực đó. Tránh trường hợp cụ thể như đầu tư một sản phẩm ở bản làng nhưng đường sá trắc trở khó khăn, hạ tầng còn yếu kém dẫn đến tình trạng làm hỏng sản phẩm du lịch.

Nhóm giải pháp thứ hai là vai trò hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, cộng đồng. Chúng ta hay có câu nói “Cho cần câu, không cho con cá”- ở đây Nhà nước chỉ nên hỗ trợ “một phần của cần câu” bởi tiềm lực Nhà nước có hạn, còn lại là “chỉ cách câu” trong trường hợp người dân toàn là những nông dân, họ sống bám vào núi rừng, thì làm sao hỗ trợ họ về mặt nghiệp vụ, tiếp những đối tượng khách rất đa dạng, có thể là những người khách đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, có thể là đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Vậy thì làm sao những nông dân sống nơi bản làng, rừng núi có thể thích ứng với sự khác biệt văn hóa, mà có thể làm hài lòng nhiều đối tượng du khách.

Đó là vấn đề lớn. Tuy nhiên, vấn đề này thì các doanh nghiệp lớn như những con chim đầu đàn cần phải có trách nhiệm chia sẻ với Nhà nước, trong công tác hỗ trợ huấn luyện, đào tạo ngắn, trung hạn và thường xuyên để cập nhật kiến thức cho người dân trong suốt quá trình họ tham gia du lịch cộng đồng.

Cái hỗ trợ thứ ba là về công tác truyền thông quảng bá. Chuyện này cũng giống như công tác quy hoạch, khi mà người dân đa phần làm theo hàng xóm, họ như “người đi trong sương mờ” hoàn toàn không nắm được cái tổng thể, cái vĩ mô, cũng như nắm bắt tường tận những thông tin cần thiết.

Cho nên, Nhà nước phải có nhiệm vụ định hướng, cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm của địa phương.

Nhóm giải pháp thứ ba trong vai trò kiến tạo của Nhà nước, chính là kiểm soát được cái vi mô. Thông thường sự phát triển của du lịch cộng đồng đến một tầm mức nào đó sẽ phát sinh sự cạnh tranh không lành mạnh.

Vấn đề này không chỉ phá hoại về mặt sản phẩm du lịch mà nó có nguy cơ phá hoại bản sắc, cái riêng độc đáo của cộng đồng.

Đồng thời, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm, phải nắm rõ và phản ứng nhanh những trường hợp “chặt chém” hoặc có thể ngược lại là hạ giá để lôi kéo du khách. Cả 2 trường hợp này đều gây ảnh hưởng tệ hại đến sản phẩm địa phương.

Một vấn đề nữa, thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước đó là phải kiểm soát để cân đối hài hòa lợi ích của người dân với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Khi người dân trót đầu tư tham gia vào du lịch cộng đồng thì trong thế “không còn đường lùi”.

Lúc này, nếu các doanh nghiệp lớn vốn lớn mạnh về tiềm lực, tri thức sẽ rất dễ lấn át, bắt chẹt những người dân vốn yếu thế. Trong chuyện này, chỉ có Nhà nước mới có thể can thiệp, điều chỉnh được thôi.

Nội dung cuối cùng và cũng rất quan trọng, ông Đặng Quốc Chính đề nghị vai trò kiến tạo Nhà nước là bảo vệ môi trường, bản sắc bản địa. Khi những du khách đến tham quan văn hóa dân tộc thì họ cũng mang vào bản làng những văn hóa, văn minh của họ. Nếu nhìn góc độ tiến bộ xã hội thì đó là văn minh, nhưng góc độ văn hóa nó có nguy cơ làm phai nhạt, tàn phá bản sắc văn hóa của địa phương.

Những kiến nghị về vai trò kiến tạo của Nhà nước đối với du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên cũng là vấn đề chung của nhiều địa phương, những vấn đề thiết thực, xác đáng nhằm phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững.

 

Về nội dung chia sẻ lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân, khi vào tham quan Buôn Đôn, chúng tôi thấy rất rõ. Như trường hợp anh Nguyễn Văn Sơn. Anh cho biết, anh có con voi nhà xin tham gia tour cỡi voi, trong khi công ty du lịch thu khách 200.000đ (cỡi voi đi về đoạn đường 400m), thì anh Sơn chỉ được nhận 20.000đ. Ngược lại để đối phó, nhiều nài cho voi đi không đủ đoạn đường quy định, vì sợ... “voi mệt”. Vô tình đã làm mất đi cái hay của một tour đặc trưng này.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh