Tết Chol Chnam Thmay đầm ấm, tươi vui

04:04, 14/04/2017

Tết Chol Chnam Thmay ở vùng đồng bào dân tộc Khmer của Vĩnh Long luôn rộn rã sắc màu, đậm đà bản sắc. Đường quê được đầu tư xây dựng, những căn nhà tường khang trang. Những ngày này, bà con tất bật gói bánh tét, dọn dẹp nhà cửa và phấn khởi đón cái tết "chịu tuổi".

Tết Chol Chnam Thmay ở vùng đồng bào dân tộc Khmer của Vĩnh Long luôn rộn rã sắc màu, đậm đà bản sắc. Đường quê được đầu tư xây dựng, những căn nhà tường khang trang. Những ngày này, bà con tất bật gói bánh tét, dọn dẹp nhà cửa và phấn khởi đón cái tết “chịu tuổi”.

Tất cả cho thấy đồng bào dân tộc Khmer tận hưởng thêm một cái Tết Chol Chnam Thmay sung túc và đầm ấm.

Nhiều hộ nghèo Khmer được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, lo làm ăn vượt khó thoát nghèo.
Nhiều hộ nghèo Khmer được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, lo làm ăn vượt khó thoát nghèo.

Tết ấm ở xã nông thôn mới

Trong cái nắng tháng 4 oi bức, chúng tôi về xã Đông Thành (TX Bình Minh) khi còn vài ngày nữa là đến Tết Chol Chnam Thmay. Đông Thành vừa được công nhận xã nông thôn mới, với sự đầu tư rất lớn từ cấp trên cũng như sự nỗ lực rất nhiều của chính quyền địa phương và người dân.

Xã Đông Thành có gần 23% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Chú Thạch Phol- Phó Ban Trị sự chùa Tòa Sen- cho biết đời sống của đồng bào dân tộc đã khá hơn trước nhiều. 

Trong dịp tết này, các hộ gia đình chính sách, cán bộ và hộ nghèo, hộ cận nghèo Khmer được quan tâm thăm hỏi và tặng quà từ phía tỉnh cho đến huyện, xã, góp phần cho không khí Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay thêm vui.

”Thời gian gần đây, dù giá cả có biến động nhưng bò vẫn được gia đình chú cũng như trong xóm tăng đàn. Bởi ngoài việc lấy công làm lời, không tốn chi phí thức ăn như các vật nuôi khác thì phân bò còn được nhiều người trồng cam, bưởi đến tận nhà đặt hàng không đủ bán, giá 25.000 đ/bao”- chú Thạch Phol nói.

Còn ông Thạch Duôl phấn khởi: “Bây giờ nước sạch mỗi nhà đều có, điện cũng có. Đường lộ tráng nhựa, xe chạy êm ru, nhà nào cũng có xe máy hết trơn. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, thành ra mình phát huy tinh thần, thấy người nào mần ăn làm giàu thì học theo”.

Nhờ sự hỗ trợ cộng với ý thức vươn lên, chị Thạch Thị Ly đã có đàn bò 5 con, cuộc sống cũng ổn định hơn.
Nhờ sự hỗ trợ cộng với ý thức vươn lên, chị Thạch Thị Ly đã có đàn bò 5 con, cuộc sống cũng ổn định hơn.

Trong căn nhà tình thương sơn màu xanh, em Thạch Thái (13 tuổi bị bệnh bại não) nằm trước hành lang, đôi mắt sáng đẹp như biết cười mừng khi có khách tới nhà. Chị Thạch Thị Ly- mẹ Thái- lui cui giặt giũ, đon đả mời chúng tôi vào nhà.

Chị nói: "2 bữa nữa con trai lớn mần ở TP Hồ Chí Minh về nhà ăn tết. Tranh thủ mần mới kịp, sáng tui bán rau ở chợ Hóa Thành 1, trưa về cơm nước, lo cho con rồi cắt cỏ cho bò. Tết tới phải lo dọn dẹp nhà cửa nữa”.

Người mẹ lam lũ một mình nuôi 2 con, giờ đây có thể nhẹ gánh khi chương trình nhân đạo "Chuyến xe nhân ái" và "Khởi đầu cơ nghiệp" của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ chị căn nhà, 2 con bò làm giống và những vật dụng gia đình cần thiết. Căn nhà lá xác xơ được thay bằng căn nhà tường xanh mát. Đàn bò 5 con béo tốt nhởn nhơ nhơi cỏ trong chuồng.

Nắm tay con, chị nói: "Con bệnh từ lúc 6 tháng, chồng cũng bỏ đi luôn. 13 tuổi, con chỉ biết nằm đó, ú ớ thôi, ăn uống, vệ sinh gì mẹ cũng mần giúp. Trước có thằng lớn phụ, nay con đi làm xa nên tui làm hết việc trong ngoài. Nhờ Nhà nước, Đài Truyền hình hỗ trợ nên mẹ con tui mới được vậy. Có đủ đầy hết, mẹ con tui hổng ráng mần nữa thì phụ lòng lắm".

Theo Chủ tịch UBND xã Đông Thành Nguyễn Hoàng Chương: Để giúp cho người dân vươn lên thoát nghèo, địa phương đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, vận động cất nhà đại đoàn kết cho hộ Khmer nghèo, hỗ trợ vay vốn từ các chương trình ưu đãi. Ngoài chăn nuôi bò, heo, người lao động đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt trên 34 triệu đồng/người/năm. Nhờ vậy, đời sống hộ đồng bào Khmer ổn định, nhiều hộ còn tham gia hiến đất, hiến công để làm đường giao thông nông thôn, góp phần cùng địa phương xây dựng xã nông thôn mới.

Trên con đường nhựa phẳng lỳ liên xã Đông Thành (TX Bình Minh) và xã Ngãi Tứ (Tam Bình), xe tải nhỏ, xe máy chạy bon bon. Chú Thạch Chanh (ấp Hóa Thành 1) phấn khởi:

"Đường này trước kia tới nước lớn là ngập, đi bộ còn ì ạch nữa huống gì chạy xe. Tụi nhỏ lội đi học cực lắm. Nhà nước vận động hiến đất làm đường, tui hiến gần 500m2 đất vườn. Gần đây, có 8 hộ dân tộc tình nguyện hiến đất. Có đường, đời sống lên liền. Xe cộ tấp nập, mua lúa, mua bán tại vườn, tại ruộng, khỏe gì đâu".

Nhiều hộ đồng bào Khmer hiến đất làm con đường nhựa liên xã Đông Thành (TX Bình Minh) và xã Ngãi Tứ (Tam Bình).
Nhiều hộ đồng bào Khmer hiến đất làm con đường nhựa liên xã Đông Thành (TX Bình Minh) và xã Ngãi Tứ (Tam Bình).

Đời sống đồng bào từng bước vươn lên

Chăm lo phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc Khmer là chủ trương đúng đắn luôn được các cấp ủy Đảng, địa phương đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt.

Qua đó, giúp cho đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước xây dựng bộ mặt nông thôn trong tỉnh và vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ngày thêm đổi mới, phát triển.

Cùng với sự vận động của chính quyền địa phương, các vị sư cả, thời gian qua, đồng bào dân tộc Khmer đã biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thêm thu nhập.

Trong đó, trồng lúa kết hợp với màu, tận dụng bờ kinh trồng các loại màu ngắn ngày kết hợp với chăn nuôi bò đã làm tăng thêm thu nhập và trở thành mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở các xã, đặc biệt là đối với những gia đình dân tộc Khmer ít đất sản xuất.

Gia đình ông Thạch Trung Ngọc (ấp Ngãi Lộ B, xã Trà Côn- Trà Ôn) đang chuẩn bị gói bánh tét và làm vài món kho thịt rệu, khổ qua dồn thịt để vừa dâng cúng vừa vui tết cùng gia đình.

Căn nhà 167 được Nhà nước hỗ trợ cộng thêm vay ưu đãi đã giúp gia đình nhỏ 4 người của ông an cư, lập nghiệp. Trước gia cảnh khó khăn, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng, ông nuôi bò và 1 công ruộng luân canh lúa- màu.

Hiện, ông đang trồng ớt chỉ thiên và ớt sừng vàng, qua tết này sẽ thu hoạch. Ông hồ hởi khoe: "Mới xuất chuồng con bò được 17 triệu đồng nên tết này ăn sung túc. Vợ chồng tui còn tranh thủ ai kêu gì mần đó để lo cho 2 con gái ăn học. Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều rồi, giờ đây người Khmer tụi tui đều ý thức cố mần để đừng rơi vô cảnh nghèo nữa".

Ông Thạch Việt- Trưởng ấp kiêm Bí thư Chi bộ ấp Ngãi Lộ A cho biết: "Ở ấp Ngãi Lộ A có 94 hộ Khmer nghèo được nhận nhà mới và từ nay đến hết năm 2017 sẽ có thêm 98 hộ được nhận nhà.

Xưa ăn rồi mới tính, giờ thì tính rồi mới ăn. Ý thức vươn lên làm ăn thoát nghèo của người Khmer giờ rất cao, việc cho con em đi học được quan tâm". Đây được xem là một bước chuyển đáng kể của người đồng bào dân tộc Khmer trong việc giảm nghèo bền vững. 

Những ngày này, hơn 22.000 bà con Khmer Vĩnh Long đang rộn rã đón chào Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Các đoàn chúc tết của BCĐ Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện- thị trong tỉnh đã đến thăm hỏi, tặng quà, chúc tết tại các chùa, các cơ quan, đơn vị và các gia đình tiêu biểu, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền địa phương đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer.

 

Theo ông Thạch Dương- Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vùng đồng bào Khmer trong tỉnh đã có sự đổi thay đáng kể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là về hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu.

 

Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc trong tỉnh có sự chuyển biến quan trọng; hệ thống công trình hạ tầng tiếp tục được xây dựng góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới; công tác giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ. Qua đó, tạo được sự chuyển biến tích cực và đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống.

 

  • ™Bài, ảnh: QUYÊN ANH
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh