Là một cồn nổi được ôm ấp bởi sông Hậu hiền hòa, cách TP Cần Thơ chỉ một chuyến đò đôi ba chục phút, nhưng Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) gần như còn hoang sơ và biệt lập.
Là một cồn nổi được ôm ấp bởi sông Hậu hiền hòa, cách TP Cần Thơ chỉ một chuyến đò đôi ba chục phút, nhưng Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) gần như còn hoang sơ và biệt lập.
Du khách thích thú khi được trải nghiệm cuộc sống của bà con nơi đây. |
Trái ngược hoàn toàn với không khí náo nhiệt, ồn ào của vùng đô thị sầm uất bậc nhất miền Tây, không gian ở đây hoàn toàn tĩnh lặng, êm đềm như một chốn thôn quê, bình dị.
Chỉ cách đây vài năm, cồn Sơn còn được mệnh danh là cồn “5 không” (không điện, không đường, không nước, không trường học và không có trạm y tế).
Tuy nhiên từ năm 2014, cồn Sơn mới có điện, nước sạch, và hiện tại, tuyến đường đan trên cồn cũng được xây dựng, dù nhỏ, nhưng nó cũng đảm bảo để người dân đi lại thuận tiện trong 2 mùa mưa, nắng.
Với diện tích khiêm tốn chỉ khoảng 70ha, cồn Sơn hiện có khoảng vài chục hộ dân đang sinh sống. Chính vì điều kiện sống còn chân quê, giản đơn đã tạo cho mô hình du lịch vườn ở cồn Sơn một sức thu hút đặc biệt đối với du khách gần xa khi muốn trải nghiệm nét sinh hoạt đậm đà bản sắc Nam Bộ.
Ở đây, hiện có trên 10 hộ đã liên kết để làm du lịch, cho du khách một trải nghiệm tuyệt vời.
Hồng Diễm- cô bé hướng dẫn viên vốn là người dân bản địa, nở nụ cười tươi rói rồi cất cái giọng ngọt lịm của cô gái miền Tây vừa tròn đôi mươi tuổi chào đón chúng tôi.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến trên cồn Sơn là nhà của anh Tín. Tại đây, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi được tận mắt chứng kiến cảnh những con cá lóc há miệng thật to rồi bay vù lên khỏi mặt nước chừng 4 tấc để tranh nhau đớp thức ăn.
Nhà anh Tín có khoảng chục vèo cá lóc bay như thế. Song điều làm chúng tôi hiếu kỳ hơn hết phải kể đến việc nhiều anh em trong đoàn cũng thi nhau thả thứ ăn cho cá theo sự hướng dẫn của anh Tín, tuy nhiên, cá không bay lên nhiều và đều được như anh.
Hay việc những cái vèo cá tuy nằm liền kề nhau nhưng chỉ có mỗi vèo được thả thức ăn là cá mới chịu bay lên thôi.
Quá nhiều câu hỏi và tranh luận được đặt ra khi chúng tôi rời khỏi nhà anh Tín để di chuyển đến địa điểm tiếp theo. Hồng Diễm cười khúc khích bảo “ai đến đây cũng hỏi như mấy anh chị.
Chú Tín thường bảo với em do chú nuôi chúng từ nhỏ nên hiểu được tính nết mà tập luyện dần mới được vậy đó chứ”.
Chúng tôi cứ thế chuyện trò, rồi thong dong bước đi trên con đường quê thanh bình giữa hai hàng cau xanh rì soi mình nơi bóng nước. Thời gian như lắng đọng lại.
Hôm đó, nhà cô Bảy Muôn đông vui quá vì từ sáng bà con hàng xóm đã tề tựu đông đủ chuẩn bị nguyên liệu làm bánh thết đãi khách. Còn chúng tôi thì cứ mãi tò mò và trông chờ thưởng thức mấy món bánh dân gian thơm lừng được làm từ đôi tay khéo léo của các cô, các chị.
Nào là bánh bèo, bánh tráng ướt, bánh ít trần, bánh bò, bánh chuối, bánh tằm xe tay, bánh sùng, bánh in… Những món bánh gắn liền với tuổi thơ của bao lớp người con miệt miền Tây sông nước đều được “hội ngộ” xứ cồn này.
Theo cô Bảy, “mấy món bánh dân gian này có nguồn gốc và xuất xứ rất chân quê, nó có được từ khi lớp tổ tiên đầu tiên đặt chân lên khai phá cồn nổi giữa lòng sông Hậu này.
Nên việc truyền dạy cho con cháu biết cách làm bánh cũng là cách để lưu giữ nét truyền thống văn hóa xa xưa của ông bà để lại”.
Điều đó đã phần nào lý giải vì sao mà từ cánh phụ nữ cho đến đàn ông trên cồn Sơn đều có thể làm thạo một hay tất cả các loại bánh dân gian.
Đang tất bật với không khí làm bánh trong nhà, chúng tôi đã nghe tiếng cô Kim Phước í ới gọi ngoài sân. Qua nhà hàng xóm chơi, cô Phước mang theo món bánh kẹp nóng hổi vừa ra lò, kèm theo miếng mít chín cây thơm phức để làm quà.
Cô Phước bảo: “Hồi xưa, ở đây mà muốn đi chợ là cả vấn đề, bánh trái cũng không ai bán mà tới giờ vẫn vậy, muốn mua cái gì là phải qua tới Cần Thơ.
Bởi vậy, ở đây hồi nào giờ toàn tự làm bánh để ăn, rồi cho vòng vòng xóm cùng dùng lấy thảo. Bà con hàng xóm riết rồi thân thiết như anh em một nhà, “tối lửa tắt đèn có nhau””.
Vừa thưởng thức hết mấy cái bánh kẹp cô Phước mang sang, chúng tôi lại được cô Bảy trao tay đĩa bánh ngũ quả vừa nặn xong. “Bánh này tết cô mới làm trước để cúng ông bà, sau là để đãi khách.
Ngày xưa mẹ cô hay làm, cô nhìn riết rồi biết luôn. Bánh này được làm từ bột mì do chính cô làm ra luôn đó. Còn dứa, nghệ, gấc là trồng sau vườn”- cô Bảy vui vẻ bảo.
Dĩa bánh thơm phức được bày trí chỉn chu, bắt mắt trông như một tác phẩm nghệ thuật- tác phẩm ấy được làm ra từ sự nâng niu, từ tình yêu thương của con người dành cho một loại hình văn hóa mang tên ẩm thực.
Những loại bánh mà người dân trên cồn làm ra, và chúng tôi có cái may mắn được thưởng thức, sự cảm nhận không đơn thuần chỉ là ăn và no, mà đó còn là sự trở lại của quá khứ, của tuổi thơ với những món bánh dân gian quê nhà được làm ra từ bàn tay mẹ mình, chị mình.
Tuổi thơ của chúng tôi sống lại qua tiếng xào xạc của củi, của mùi khói hun trên bếp lửa, của hương vị nồng đượm thiết tha có sẵn trong vườn ngoài ngõ: bột mì, bột khoai, bột gạo, dừa khô, chuối, đậu, lá dứa, trái gấc,…
Rời nhà cô Bảy Muôn, chúng tôi dạo bước trên con đường đan nhỏ, len lỏi dưới rặng bưởi, rặng cam say trái. Do cồn nổi, đất phù sa sông Hậu dạt dào nên cây trái xanh tốt quanh năm.
Lạc bước vào nhà vườn bưởi Thành Tâm, chúng tôi như đang đứng giữa một khu vườn cây trái đặc chất Nam Bộ. Những cây bưởi xanh mướt, trĩu quả, quả to quả nhỏ chi chít nhìn cực kỳ thích. Ngoài ra, còn một số loại cây khác như mận hồng đào, chôm chôm, nhìn vào là mê tít mắt.
Mới đó trời đã ngã xế chiều, chúng tôi buộc phải nói lời chào cồn Sơn, chào Hồng Diễm- cô hướng dẫn viên với vóc người nhỏ nhắn cùng nụ cười đôn hậu mà trong lòng cứ thấy xốn xang.
Hẹn một ngày không xa chúng ta lại có dịp về thăm cồn Sơn, để được hòa mình vào cuộc sống điền viên với những người nông dân chân chất, hiền lành, cũng như thưởng thức những món bánh dân gian nứt tiếng xa gần.
Bài, ảnh : TRẦN NGỌC
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin