Bản sắc văn hóa trong du lịch cộng đồng

06:12, 04/12/2016

Dựa vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trên cơ sở quy hoạch, định hướng phát triển của ngành du lịch, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được áp dụng rộng rãi do điều kiện tự nhiên- văn hóa có sẵn. 

Dựa vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trên cơ sở quy hoạch, định hướng phát triển của ngành du lịch, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được áp dụng rộng rãi do điều kiện tự nhiên- văn hóa có sẵn. Du lịch cộng đồng cũng cho thấy ngày càng hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài.

Đạp xe tham quan vườn cây trái.
Đạp xe tham quan vườn cây trái.

Tiềm năng Homestay

Nổi bật của du lịch cộng đồng của tỉnh Vĩnh Long là Homestay (là hình thức ở tại nhà dân khi đi du lịch). Có thể nói, Homestay Vĩnh Long được định hình và phát triển sớm nhất so với các tỉnh ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Đây là loại hình du lịch có ý nghĩa rất lớn, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa giữ gìn nghề truyền thống và nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL.

Hiện nay toàn tỉnh có 25 hộ gia đình kinh doanh loại hình Homestay, với trên 460 giường ngủ, chủ yếu thuộc 4 xã cù lao: An Bình, Bình Hòa Phước, Đồng Phú và Hòa Ninh của huyện Long Hồ.

Đây là loại hình du lịch khách quốc tế rất ưa chuộng, mỗi năm phục vụ ước khoảng 20.000- 25.000 lượt khách, chiếm khoảng 12% lượng khách quốc tế đến Vĩnh Long.

Du khách rất thích thú khi tát mương bắt cá.
Du khách rất thích thú khi tát mương bắt cá.

Chủ điểm du lịch Homestay Ba Lình (xã An Bình) Nguyễn Đức Trọng chia sẻ: Homestay hiện nay rất được du khách ưa chuộng, đặc biệt là khách quốc tế.

Ở đây, có ngày đón trên 100 khách ngủ lại qua đêm, nhiều khi kẹt phòng, khách phải đặt trước. Giá của dịch vụ Homestay cho mỗi người dao động từ 400.000đ trở lại, bao gồm tiền nghỉ 1 đêm, 1 bữa ăn và tham gia các hoạt động sinh hoạt cùng với gia đình.

“Đến với du lịch cộng đồng, du khách không đòi hỏi cao ở cơ sở vật chất phục vụ (phòng nghỉ, ăn uống…), mà đổi lại là làm sao gia đình mình tạo cho họ cảm giác thoải mái, thấy yêu thích cuộc sống thiên nhiên và nét sinh hoạt đặc sắc bản địa nơi họ đến.

Do lượng khách ngày càng đông nên tôi xây dựng thêm 2 dãy phòng bằng tre, trúc, cây lá đơn sơ… để phục vụ nhu cầu của khách”- anh Trọng cho biết.

Ông Trần Minh Triết- Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long- người rất tâm huyết với loại hình du lịch Homestay và là người có công rất lớn trong việc đưa loại hình du lịch này về với đất Vĩnh Long trong những năm 1980 của thế kỷ trước- cho biết: Homestay là khách du lịch đến ở nhà dân.

Tâm lý du khách đến với loại hình du lịch này là mong muốn tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm cuộc sống, nét sinh hoạt hộ gia đình.

Do đó, họ chỉ muốn được tận mắt chứng kiến, tự tay tham gia vào các hoạt động sinh hoạt đơn giản, thực tế với cuộc sống thường ngày cùng với gia chủ…

Phát huy thế mạnh văn hóa địa phương

Đến với Homstay, du khách được tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá về cuộc sống, nét văn hóa vùng đất mới của cư dân bản địa, thông qua các hoạt động sinh hoạt “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với hộ gia đình như: tát mương bắt cá, nấu ăn, làm bánh, đạp xe đạp, nghe đờn ca tài tử, chèo xuồng, thu hoạch trái cây, rau củ, làm cỏ vườn, trồng cây…

Thời gian qua, thông qua loại hình du lịch này đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội không nhỏ cho địa phương: đường sá, cảnh quan môi trường xanh, sạch sẽ, thu nhập nâng lên, cổng rào, nhà cửa được tu bổ, khang trang.

Có thể nói, loại hình du lịch cộng đồng đã mang lại một làn gió mới, làm thay đổi diện mạo cuộc sống của người dân vùng nông thôn, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.

Loại hình đờn ca tài tử là nét văn hóa đặc trưng của người Nam Bộ.
Loại hình đờn ca tài tử là nét văn hóa đặc trưng của người Nam Bộ.

Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất là làm sao để giữ cho được du khách khi rất nhiều nơi, nhiều chỗ cũng làm Homestay giống như Vĩnh Long.

Theo ông Trần Minh Triết, điểm mạnh của Homestay chính là nét văn hóa, sinh hoạt đặc trưng của hộ gia đình, của người dân miền Tây Nam Bộ. Vì vậy, cần phải nhìn thấy được nét văn hóa độc đáo riêng của mình để tìm và giữ chân du khách.

Chị Trần Hoàng Anh (thị trấn Long Hồ) chia sẻ, nếu có dịp trải nghiệm du lịch miệt vườn, du khách sẽ rất thích thú với nhiều loại hình dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, ở Vĩnh Long, Cần Thơ hay ở bất kỳ tỉnh nào ở miền Tây cũng gần giống nhau.

Vậy tại sao mình không tận dụng cái có sẵn để phát huy nó. Ví dụ tát mương bắt cá, bản chất của tát mương là đắp bờ rồi tát, mới mò từng con cá đang ẩn náu dưới lớp bùn. Có khá nhiều điểm cho tát mương nhưng thật sự chưa giống với nét văn hóa của mình…

Một số ý kiến cho rằng, cần tận dụng nét đẹp văn hóa, nét sinh hoạt của gia đình tức là gìn giữ cái cũ, cái gốc từ xưa đến giờ, tạo một không gian Nam Bộ, đặc trưng miệt vườn thuần túy.

Ngoài ra, ít nhất hộ gia đình cần trang bị cho mình chút ngoại ngữ để có thể trò chuyện, hướng dẫn du khách, tạo không khí gần gũi, thân thiện.

Ông Trần Minh Triết cũng chia sẻ, để phát triển sản phẩm du lịch Homestay phù hợp với xu thế hiện nay, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của du khách, người dân tham gia làm du lịch cần phải giữ gìn nét văn hóa truyền thống gia đình, địa phương, dân tộc mình,…

Ông Trần Minh Triết- Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long

Ngoài việc gìn giữ nét đẹp văn hóa, truyền thống thì Nhà nước cần hỗ trợ về cơ sở vật chất (bến tàu, đường giao thông…); đa dạng, đẩy mạnh công tác quảng bá- xúc tiến du lịch thông qua các hoạt động tham gia các hội chợ, triển lãm, tờ bướm, Website… nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng (Homestay) đặc trưng của tỉnh đến du khách trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN- HỮU HÀ

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh