Từ du lịch Cái Bè nhìn về 4 xã cù lao

03:09, 06/09/2016

Du lịch Cái Bè những năm gần đây cứ đà phát triển khá đều đặn, với nhiều sản phẩm phong phú và cách làm ăn tương đối bài bản. 

Du lịch Cái Bè những năm gần đây cứ đà phát triển khá đều đặn, với nhiều sản phẩm phong phú và cách làm ăn tương đối bài bản. Từ làng cổ Đông Hòa Hiệp đã đi vào khai thác ổn định, cho đến xóm cù lao Tân Phong giờ đây đã “liền dây” thành làng du lịch liên hoàn cùng những con đường đi bộ len lỏi giữa các vườn cây ăn trái khá hấp dẫn.

Mỗi lần đến Cái Bè, lại thêm nhiều trăn trở về du lịch Vĩnh Long.

Bẵng đi một thời gian, trở lại thăm Cái Bè sẽ thấy một vài cái mới, cái hay trong cách làm du lịch; do đó, mà giờ đây chúng tôi không còn gán cho du lịch Cái Bè cái lợi thế “thiên thời, địa lợi” nữa rồi.

Đi xuồng chèo trên rạch Bà Năm- cù lao Tân Phong.
Đi xuồng chèo trên rạch Bà Năm- cù lao Tân Phong.

Mà sự đi lên của du lịch địa phương, phần chính là do “tư duy” của những người dân, chủ nhà vườn và các doanh nghiệp ở đây.

Nói ngay cái chuyện vào vườn cây “bao bụng”- một sản phẩm du lịch ban đầu thuần chất miền Tây Nam Bộ- nhưng giờ đây đã bị... biến tướng ở các xã cù lao huyện Long Hồ và trở nên “ngao ngán” mỗi khi du khách ghé thăm.

Bởi lẽ, cùng với tiền “vào vườn” 30.000 đ/khách, giờ có thêm nạn “cò” dắt mối nên tăng lên 50.000- 60.000 đ/khách. Khổ nỗi, có những lúc vườn cây thưa thớt trái thì rất là... khó ăn, khó nói với khách phương xa.

Du khách tản bộ, tự do tham quan vườn cây ăn trái.
Du khách tản bộ, tự do tham quan vườn cây ăn trái.

Trong khi đó, nếu du khách ghé tham quan các vườn cây bên Cái Bè thì không lo cái khoản vào cửa này. Như những ngày nghỉ lễ 2/9 vừa qua, với hàng trăm lượt khách mỗi ngày, nếu chủ vườn Chín Thương chỉ cần thu tiền vào vườn thôi cũng đã “bỏ túi” từ 5- 10 triệu đồng rồi.

Từ vườn Chín Thương, chúng tôi lội bộ len lỏi qua rất nhiều nhà vườn khác, nếu thích thì đặt món ăn, không thì “mời anh chị ghé chơi uống trà”.

Chuyện tưởng đơn giản nhưng sẽ rất khó thực hiện nếu không có sự quản lý thống nhất, việc bắt tay với nhau một cách đồng bộ. Xây dựng một sản phẩm tốt đã khó, việc tạo được thiện cảm cho du khách đối với một làng du lịch càng khó hơn nhiều. Nhưng, Cái Bè đã làm được điều này.

Có hơn chục năm làm hướng dẫn du lịch ở Vĩnh Long, từng mở điểm du lịch ở làng cốm kẹo bên cù lao Đông Hòa Hiệp, chị Hiền hiểu rất rõ điều này.

Chị Hiền cho biết, ngay khi mình đưa khách quen vào vườn cũng cảm thấy rất không dễ chịu chút nào, dù là không bị nạn “cò”, tuy nhiên, nếu vì cái lợi nhỏ vài chục ngàn đồng một khách, chúng ta sẽ “góp phần” phá vỡ những sản phẩm miệt vườn vốn đã càng ngày càng kém sức hấp dẫn rồi.

Chính điều này, mà tour từ TP Hồ Chí Minh về miền Tây, đa phần sẽ “đóng tour” Cái Bè- Cái Bè; chỉ những đoàn khách đi tour về Cần Thơ hoặc mở tour lên Châu Đốc (An Giang), mới có thể dừng chân ở Vĩnh Long, đó là đối với các đoàn khách nước ngoài.

Riêng khách nội địa, nếu nói thích thú nhất chính là được vào vườn chôm chôm đang vào chính vụ, bởi vừa đẹp, vừa được thỏa thích hái; do đó, gần đây những vườn chôm chôm “rộ” lên tự do bắt khách, tự do làm giá.

Một số người hướng dẫn du lịch Vĩnh Long cũng rất băn khoăn về điều này, khi mà Cái Bè đang ngày càng đi vào quy củ làm ăn bài bản, thì du lịch Vĩnh Long có một số hiện tượng không hay.

Chỉ tính tiền trái cây khi khách mua về.
Chỉ tính tiền trái cây khi khách mua về.

Ngay chính một số nhà vườn lâu năm ở 4 xã cù lao cũng lo lắng và bức xúc điều này, những người “ăn xổi, ở thì” đã làm tổn hại uy tín, sản phẩm của những nhà vườn chân chính, luôn biết giữ gìn tên tuổi của mình.

Theo nhìn nhận của những người làm du lịch, thì giờ đây đến Cái Bè đâu thiếu sản phẩm gì: từ làng cổ cho đến làng nghề cốm kẹo khá xôm tụ, cùng những vườn cây ăn trái liên hoàn, nhất là những con xẻo nhỏ như rạch Bà Năm đi xuồng chèo khá hấp dẫn du khách.

Như vậy, Vĩnh Long mình phải có những cái gì lạ hơn hoặc ít nhất những sản phẩm tốt hơn, mới mong lôi kéo khách đổ đường thêm 40 phút ngồi đò “qua thăm” chúng ta.

Trong khi đó, Công ty Mekong King (Cái Bè) có đội tàu “cao tốc” sẵn sàng đưa khách vượt sông với vận tốc... khủng. Anh Đức- tài công của Mekong King, đưa chúng tôi đi vòng các cù lao Đông Hòa Hiệp qua đến cù lao Tân Phong, để chứng minh “tốc độ” của chiếc tàu gác máy trị giá 200- 300 triệu đồng.

Anh Đức khoe, vì “ăn nên, làm ra” nên công ty mạnh dạn đầu tư đến 4 chiếc “cao tốc” chạy êm ru không dậy sóng.

Du lịch Cái Bè chưa hẳn là đã “hoàn hảo”, như theo các đồng chí ở Công an huyện Cái Bè phụ trách mảng du lịch nhiều năm nay, thì vẫn còn một số hoạt động trong dịch vụ du lịch cần chấn chỉnh; nhưng phải ghi nhận một số cách làm hay để chúng ta học tập và cùng nhau liên kết khai thác tốt những sản phẩm chung, liền kề nhau.

Một số hướng dẫn du lịch ở Vĩnh Long cũng rất băn khoăn về việc “vé vào cửa” ở các nhà vườn 4 xã cù lao, khi mà Cái Bè đang ngày càng đi vào quy củ làm ăn bài bản, thì du lịch tỉnh nhà có một số hiện tượng không hay. Ngay chính một số nhà vườn lâu năm ở 4 xã cù lao cũng lo lắng và bức xúc nạn “cò vườn”, những người “ăn xổi, ở thì” đã làm tổn hại uy tín, sản phẩm của những nhà vườn chân chính, luôn biết giữ gìn tên tuổi của mình.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh