Th.S Nguyễn Hữu Giềng- Trưởng Ban quản lý (BQL) Khu Di tích văn hóa Óc Eo- Ba Thê cho biết, đây là Khu Di tích quốc gia đặc biệt, được sự quan tâm từ Trung ương cũng như UBND tỉnh An Giang.
Th.S Nguyễn Hữu Giềng- Trưởng Ban quản lý (BQL) Khu Di tích văn hóa Óc Eo- Ba Thê cho biết, đây là Khu Di tích quốc gia đặc biệt, được sự quan tâm từ Trung ương cũng như UBND tỉnh An Giang.
Do đó, so với tiến độ khảo cổ, khai quật trong mấy chục năm qua, thì riêng vài năm nay được tập trung rất nhiều và sớm hoàn thành hồ sơ trình UNESCO, công nhận Khu Di tích văn hóa Óc Eo- Ba Thê ở An Giang là di sản văn hóa của nhân loại.
Hệ thống đường nước cổ trong di tích Nam Linh Sơn. |
Chạy nước rút
Theo Th.S Nguyễn Hữu Giềng, để hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở Di tích Óc Eo, trong những năm qua UBND tỉnh An Giang đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng; giúp cho công tác quy hoạch tổng thể và chi tiết không gian khu di tích đã có được những kết quả đáng kể.
Đặc biệt, trong 2 năm nay, BQL đã tiến hành khoanh vùng, tuyên truyền vận động người dân hiến tặng di vật đạt số lượng lớn, với trên 2.000 hiện vật thu nhận tại khu vực Óc Eo- Ba Thê, đã được phân theo 82 loại hình.
Tuy nhiên, đây cũng là kết quả khá khiêm tốn so với thực tế những di vật còn lẫn trong vùng đất thuộc sở hữu của người dân. Trong khi đó, trong mấy chục năm nay chúng ta chỉ mới có 2 cuộc khai quật lớn để phát hiện ra 2 di chỉ quan trọng, đó là khu Gò Cây Thị và khu đền Nam Linh Sơn.
Do đó, sắp tới đây các đoàn khảo cổ, chuyên gia của Trung ương sẽ vào thực hiện những đợt khảo sát lớn ở 8 điểm trên địa bàn An Giang. Th.S Nguyễn Hữu Giềng cho rằng, BQL có mong muốn từ những kết quả khảo sát mới sẽ làm dày thêm những hiện vật và cứ liệu khoa học, để có thể đề xuất nâng cấp nhà trưng bày của khu di tích hiện nay trở thành Bảo tàng Văn hóa Óc Eo Nam Bộ.
Cách đây 5 tháng, trong lần đến thăm Linh Sơn Cổ tự, chúng tôi được biết những dòng chữ khắc trong một tấm bia đá cổ vẫn chưa có người dịch được.
Thật ngạc nhiên, lần này trở lại cùng anh Nguyễn Văn Điệp là cử nhân khảo cổ của khu di tích, thì được biết nội dung đã được một giáo sư người Ấn Độ dịch ra trọn vẹn.
Ngôn ngữ được cho là có nguồn gốc gần gũi với tiếng Phạn cổ, đoán là chữ viết riêng của người Phù Nam xưa; một phần khó giải mã có lẽ là do tấm bia đã bị đặt ngược từ khi phát hiện đến nay. Kết quả này đã góp phần khẳng định chắc chắn nội dung, ý nghĩa của việc xây dựng đền Nam Linh Sơn và chúng ta đã biết được chính xác niên đại xây dựng công trình quan trọng này.
Được biết, nhằm phát huy giá trị đặc biệt của di tích và đưa di tích thực sự trở thành nguồn lợi nhân văn, UBND tỉnh An Giang kết hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, lập đề án xây dựng hồ sơ “Khu Di tích văn hóa Óc Eo ở An Giang” trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.
Linh Sơn Cổ tự được xem là trung tâm của di tích Óc Eo- Ba Thê ở An Giang. |
Định hướng phát huy và bảo tồn di tích
Qua những di vật, di chỉ được phát hiện cho đến nay, có thể khẳng định không gian văn hóa Óc Eo ở Việt Nam bao trùm lên hầu hết các tỉnh ĐBSCL, cho đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ kéo dài lên đến tận vùng Nam Cát Tiên.
Óc Eo là một nền văn hóa lớn, phạm vi rộng, độ phức tạp cao trên cả phương diện nghiên cứu lịch sử và khảo cổ, cũng như trên phương diện bảo tồn, phát huy.
Nhưng theo GS.TS Lưu Trần Tiêu- Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, tình trạng ở các tỉnh hiện nay chưa hình thành đội ngũ chuyên gia chuyên nghiên cứu về văn hóa Óc Eo, nên thường bị động, lúng túng trong hoạt động thực tiễn quản lý, bảo tồn, bảo vệ di tích.
Đồng thời, chưa có sự phối hợp liên ngành, huy động được nhiều chuyên gia trên các lĩnh vực khác nhau cùng tham gia nghiên cứu. Trong khi, một trong những giá trị đặc sắc nhất của nền văn hóa này là vấn đề quy hoạch đô thị cổ thích nghi với điều kiện môi trường vùng ĐBSCL.
Theo các nhà khoa học, đó là vết tích các kinh đào, đường nước, hình thức nhà sàn cư trú trong môi trường sông nước, các xưởng thợ thủ công, nơi buôn bán, bến thuyền,... đã làm Óc Eo trở thành cảng thị trung tâm của Đông Nam Á thời đó.
Mà những dấu tích này thể hiện rõ nét, tập trung dày đặc ở khu vực Óc Eo- Ba Thê; cho nên, ngay từ những đợt khai quật đầu tiên từ những năm 1944, Luois Malleret, đã đưa ra nhận xét khu vự Óc Eo là “một đô thị rộng lớn, một thị cảng phồn vinh, một trung tâm kinh tế sống động”.
Cử nhân khảo cổ Nguyễn Văn Điệp thuyết minh về nội dung trên bia đá cổ vừa được giải mã. |
Th.S Nguyễn Hữu Giềng cho rằng, văn hóa Óc Eo là một nền văn hóa rực rỡ, huy hoàng cách đây gần 20 thế kỷ, tại ĐBSCL.
Di sản này thuộc thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn- An Giang) ngày nay, dù chưa đến 1.500ha diện tích tự nhiên, nhưng nơi đây còn chất chứa trong lòng đất chưa khai quật lộ thiên một hệ thống di tích dày đặc với số lượng hiện vật lớn, phong phú, minh chứng cho một quá khứ phát triển phồn thịnh và suy vong của một vương quốc cổ ở ĐBSCL.
Do đó, việc bảo tồn và phát huy di tích quốc gia đặc biệt này trong giai đoạn hiện nay là vừa khẳng định để UNESCO công nhận đây là di sản văn hóa vật chất của nhân loại, vừa là điểm đến hấp dẫn của các nhà nghiên cứu khoa học, cũng như phát triển du lịch lịch sử văn hóa độc đáo ở Nam Bộ.
|
Loại hình di tích của văn hóa Óc Eo khá phong phú, bao gồm: di tích cư trú, kiến trúc tôn giáo (Hindu giáo và Phật giáo), mộ táng (hỏa táng, mộ huyệt hình vuông, hình chữ nhật và hình phễu), đặc biệt là các dấu tích của đường nước cổ... Đây là loại hình di tích rất độc đáo chỉ riêng có ở nền văn hóa Óc Eo. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin