Tạo hóa đã ban cho mảnh đất cuối trời nam một sức sống mãnh liệt, một tính cách hào sảng, phóng khoáng với trời biển bao la.
Tạo hóa đã ban cho mảnh đất cuối trời nam một sức sống mãnh liệt, một tính cách hào sảng, phóng khoáng với trời biển bao la.
Cùng với đó là sự đan xen giữa hệ sinh thái mặn, ngọt và lợ, đã đem đến cho Đất Mũi Cà Mau sản vật đa dạng, phong phú. Do đó, Cà Mau được xem là xứ sở của những đặc sản mà khó nơi nào có được.
Võ lãi là phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa,….rất đỗi thân thương của người Cà Mau từ trước đến nay. |
“Cà Mau đường đi không khó…”
Nhà văn Sơn Nam từng viết: “Cà Mau là nơi những con sông hội tụ”. Có lẽ đúng thế khi mà cho tới tận thế kỷ 21 này, lộ giao thông đã phủ khắp mọi miền, thì Cà Mau vẫn còn băng băng vượt sông bằng những chiếc võ lãi như một phương tiện quen thuộc, thuận lợi, cơ động nhất.
Cà Mau có một hệ thống sông bao phủ khắp địa bàn tỉnh. Từ những con sông lớn như Bảy Háp, sông Ông Đốc, sông Trẹm, sông U Minh, sông Gành Hào, đến những con sông nhỏ mà mạng lưới phủ như mạng nhện. Nhiều dòng sông đã được đi vào văn chương, vào lời ca tiếng hát không khỏi làm say đắm lòng người “xuôi mái chèo sông Ông Đốc, đêm trắng trời tới chợ Cà Mau…”.
Mặt dù hiện tại, lộ giao thông đã phủ khắp địa bàn, nhưng hầu như nhà nào cũng có và còn một chiếc võ lãi làm phương tiện đi lại. Thậm chí, ở Cà Mau còn có cả loại hình taxi võ lãi, một hình ảnh độc đáo hiếm nơi nào có được.
Bà Tư năm nay đã ngoài 60 tuổi, miệng móm mém nhai trầu vui vẻ bảo: “Ở cái xứ này võ lãi đông như xe ở thành thị”.
Hồi xưa ở đây làm gì có đường xá đâu, ai nghèo thì có chiếc xuồng ba lá, ai khá thì có chiếu ghe tam bản, sau này có võ lãi gỗ, rồi võ lãi làm bằng chất liệu composite chạy xé nước, chân vịt cắt xéo góc để nước bắn lên cao trong rất ấn tượng. Võ lãi là phương tiện cơ động và thân thiện nhất, thậm chí ở đây, “người ta đi rước dâu, đưa dâu cũng bằng võ lãi nữa là”.
“Chợ trên sông như lòng cô gái trẻ” (Sơn Nam)
Được về quê anh ở miệt Cái Nước, nơi mà nhạc sĩ Thanh Sơn có nhắc tới: “Về Cái Nước, Đầm Dơi, nghe ai ru câu ơ hời,…”. Có lẽ ở đoạn nhạc này, Thanh Sơn không chỉ liệt kê được những địa danh, mà quan trọng hơn, ông còn nói đúng tính cách cũng như đặt trưng của con người nơi đây, nó gắn liền với văn hóa cũng rất đặc trưng: chợ nổi.
Anh kể tôi nghe cái chợ nổi nhỏ nhắn quê anh, chợ nổi Cái Nước. Không biết cái chợ ấy có từ khi nào, nghe mấy cụ cao niên nói là có trước năm 1975. Nhưng lúc trước chợ lèo tèo lắm, đa phần dân thương hồ là giang hồ tứ chiếng. Cho nên, chính quyền chế độ cũ kiểm tra gắt gao, làm khó trăm bề. Đến khi thống nhất đất nước, chợ bắt đầu phát triển. Như đã nói ở trên, do đặc điểm là sông nước nên chợ trên sông cũng là điều tất yếu.
Anh bảo khoảng những năm 1990, lúc đó anh còn nhỏ, mỗi sáng độ 3 giờ, anh phải thức dậy phụ chị bưng mấy “mẹt” rau, mấy thùng cá đồng xuống xuồng để chị chở đến chợ nổi Cái Nước bán cho bạn hàng, để đến mờ sáng họ còn kịp túa đi các hướng. Anh cũng theo chị giờ đó, vì nếu không, anh phải đi bộ một đoạn đường đất gần 5 cây số với hàng chục chiếc cầu khỉ.
Gắn bó bất đắt dĩ hàng chục năm với chợ nổi, anh hiểu được cuộc sống của khá nhiều phận người.
"Cái nghề thương hồ nổi nênh như con nước, cơ cực lắm bây ơi" - bác Hai Thọ vừa nói vừa nhấp ngụm trà. Nhiều lần bác muốn bỏ chợ lên bờ, nhưng "lên bờ hổng quen bây ơi, ngủ hổng có đông đưa như ở dưới ghe". Cái lý mà bác Hai gắn bó với chợ nổi nghe cũng ngộ. Nhưng tôi hiểu, sâu thẩm trong lòng, người đàn ông ngoài năm mươi ấy có bao lưu luyến với chợ nổi quê nghèo.
Cái chợ nổi ở quê gắn bó với bao kíp người, chuyện buồn có mà chuyện vui cũng chẳng ít. Vui nhất là các cặp đôi cưới nhau. Lúc đó, các ghe hàng kế cận, kè ghe sát lại để lấy mặt bằng tổ chức đám. Bàn tiệc ngồi bệt, mỗi khi có chiếc tàu nào chạy ngang, sóng cứ chồng chành. Vậy mà vui đáo để.
Chợ nổi là nhu cầu tất yếu và gắn liền bao với bao thế hệ của người dân nơi đây. |
Qua miền đặc sản
Khi bạn đến chơi, bao giờ cũng thế, người Cà Mau sẽ dành tất cả những món ngon nhất để thết đãi.
Buổi sáng, được theo chân người dân nơi đây đi đổ lú, câu cua trên vuông thì không có gì bằng. Những con tôm cứ nhảy tanh tách mặc cho những giọt nước cứ văng lên tung tóe, cua thì con nào con nấy mập ú, thịt chắt nịt, gạch đỏ au. “Bữa nay, chế đãi bây món tôm kho tàu ăn kèm với cơm trắng.
Còn cua gạch thì luộc chấm muối tiêu chanh ăn chơi. Cua gạch luộc thì mới thấy hết vị ngon của từng miếng gạch chắt nịt, béo ngậy”- chế Lan Hương bảo thế. Ngoài luộc, cua, tôm còn được chế biến thành các món chiên, xào, lẩu,…ngon “bá cháy”.
Trên những con sông Cà Mau không khó để bắt gặp hình ảnh của những chiếc lú được đặt dưới sông, chạy dài theo hàng đước xanh um xa mút mắt. Vốn nổi tiếng là vùng nhiều tôm, lắm cá,…nên bắt được các loại thủy sản ăn không hết đem đi bán, rồi làm mắm cũng là chuyện thường.
Những hôm nắng trong, trước sân nhà ai cũng để hủ mắm, mẻ khô “để phơi cho đặng nắng”. Khô, mắm ngoài việc để dành ăn dần, bán đi các tỉnh còn để làm quà biếu cho khách. Âu đó cũng là tấm lòng thơm thảo của “dân Cà Mau chịu chơi, mà hiếu khách”.
Thiên nhiên rất hào sản khi ban tặng cho vùng đất cuối trời nam những món ăn trứ danh các vùng miền.
|
Bên cạnh các loại thủy sản, Cà Mau còn có đặc sản là ba khía. Loại ba khía ăn quả mắm đen tháng 10 có gạch son, thịt thơm và chắc hơn ba khía ở các nơi khác. Ba khía tươi được chế biến với thực đơn khá phong phú: ba khía rang muối, rang me, hấp bia,...
Nhưng từ trong dân gian, không biết tự bao giờ, mỗi lần nhắc đến con ba khía muối, thì cũng không thể thiếu một món ăn, cũng thuộc hàng đặc sản ở Cà Mau, đó là dưa bồn bồn. Dưa bồn bồn mà ăn với ba khía Rạch Gốc thì ăn hoài cũng chẳng biết no.
Thật không ngoa khi nói rằng, ở Cà Mau cái gì cũng là đặc sản. Nhưng bạn phải hiểu và cảm nhận một điều rằng, khi bạn cùng người Cà Mau thưởng thức một món ăn, cái quan trọng không phải là ăn gì, mà chính là cái tình của người dân bản địa. Có được điều đó, cũng là do từ bao đời nay, người Cà Mau rất yêu vị mặn của quê mình.
Bài, ảnh: Trần Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin