'Nghi án' bảo kê khách Trung Quốc đến Nha Trang

11:06, 09/06/2016

UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo xác minh thông tin việc tố cáo doanh nghiệp ở tỉnh đòi "bảo kê" đưa khách Trung Quốc đến Nha Trang.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo xác minh thông tin việc tố cáo doanh nghiệp ở tỉnh đòi “bảo kê” đưa khách Trung Quốc đến Nha Trang.

Du khách TQ đông nghẹt tại một điểm du lịch ở Nha Trang. Ảnh: TẤN LỘC
Du khách TQ đông nghẹt tại một điểm du lịch ở Nha Trang. Ảnh: TẤN LỘC

Ngày 8/6, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xử lý việc một công ty lữ hành quốc tế của Trung Quốc (TQ) tố cáo Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Silent Bay (gọi tắt là Công ty Silent Bay) ở Nha Trang, Khánh Hòa đòi tiền bảo kê trong việc đưa du khách TQ đến Nha Trang.

Công ty Silent Bay do ông Trương Đăng Vũ Thụy làm giám đốc. Ông Thụy là con của ông Trương Đăng Tuyến, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa, đã nghỉ hưu từ tháng 4-2016.

Từ lá đơn tố cáo đòi tiền bảo kê

Sự việc hé lộ từ “đơn xin hỗ trợ” bằng tiếng Hoa và tiếng Anh, do ông Wang Tao, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Chengdu (TQ), ký gửi Bộ Công an, UBND tỉnh Khánh Hòa nhờ can thiệp. Theo đơn, năm 2016, Công ty Chengdu có kế hoạch đưa 300.000 khách đến Nha Trang.

Ngày 18/12/2015, Công ty Chengdu ký hợp đồng hợp tác để Công ty Silent Bay cung cấp đầy đủ các dịch vụ lữ hành quốc tế, đảm bảo các thủ tục tạm trú hợp pháp, an toàn ở Nha Trang cho tất cả nhân viên của Chengdu. Công ty Chengdu trả cho Công ty Silent Bay 500.000 USD/năm, đã trả trước 100.000 USD và phần còn lại trả tiếp mỗi tháng.

“Ngày 4/2/2016, ông Nguyen Duc Tan xưng là đại diện phía Silent Bay, mời ông Yang Zhiming là giám đốc một công ty thuộc Chengdu dự một cuộc họp, yêu cầu trả thêm 500.000 USD là phí bảo kê.

Trong suốt cuộc họp, ông Tan nói rằng ông Yang phải hợp tác, nếu không ông Yang sẽ không được kinh doanh du lịch và còn bị trục xuất ra khỏi Nha Trang. Ông Nguyen Duc Tan nhấn mạnh rằng chúng tôi phải trả phí bảo kê, còn không thì tất cả đội ngũ người TQ phải quay về nước” - đơn viết.

PV liên lạc để làm rõ thông tin trên song ông Trương Đăng Vũ Thụy từ chối trả lời với lý do bận việc. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tân (người được đề cập trong đơn trên) nói ông không phải là đại diện của Công ty Silent Bay.

“Tôi có nhiều công ty lắm. Tôi chỉ biết Silent Bay do ông Thụy làm giám đốc. Tôi không biết ông Wang Tao là ai và tôi đang viết đơn gửi công an, cơ quan chức năng kiện lại ông Wang Tao” - ông Tân nói.

Hơn 90 hướng dẫn viên TQ hoạt động chui?

Cũng theo trình bày của ông Wang Tao, để chuẩn bị cho lượng lớn khách du lịch TQ đến Nha Trang, Công ty Chengdu đã đầu tư 3 triệu USD mua nhiều phòng khách sạn, xe buýt du lịch.

Ngoài ra, do không đủ hướng dẫn viên du lịch TQ, công ty cử hơn 90 hướng dẫn viên du lịch và đội ngũ nhân viên tiếp tân đến Nha Trang. “Việc này là để đảm bảo chất lượng tiếp nhận, dịch vụ và đào tạo hướng dẫn viên, nhân viên Việt Nam cùng lúc. Các lãnh đạo chính quyền địa phương đều hiểu tình trạng này” - ông Wang Tao viết.

Bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết Sở không thể nắm hết chuyện hợp tác kinh doanh du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các công ty lữ hành TQ. Tuy nhiên, bà Trúc khẳng định đến nay chưa có doanh nghiệp nào đăng ký với số lượng lao động như vậy làm việc tại Khánh Hòa. Nếu thông tin trên đúng thì đây là những hướng dẫn viên du lịch người TQ hoạt động chui tại Nha Trang.

“Bên Sở LĐ-TB&XH nói cũng không cấp phép số lao động này. Tôi sẽ kiểm tra ngay thông tin về số hướng dẫn viên đó” - bà Trúc nói.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa xác nhận có tình trạng hướng dẫn viên du lịch người TQ hoạt động chui tại tỉnh.

“Số lượng khách TQ đến Nha Trang tăng rất cao trong thời gian ngắn nhưng đội ngũ hướng dẫn viên tiếng Trung quá ít. Ngoài ra, các doanh nghiệp hợp tác với các công ty lữ hành TQ cũng không có hướng dẫn viên tiếng Trung nên chấp nhận, thậm chí tiếp tay để họ đưa người qua làm việc luôn nhưng không đăng ký với cơ quan thẩm quyền. Điều này là trái quy định pháp luật. Đây cũng là vấn đề nổi cộm UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chức năng chấn chỉnh, khắc phục” - vị lãnh đạo này nói.

“Làm dịch vụ nên phải có phí”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trương Đăng Tuyến, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Khánh Hòa, đã nghỉ hưu từ tháng 4/2016, cho biết ông có biết lá đơn tố cáo trên và đã chuyển, đề nghị cơ quan công an làm rõ. “Đơn này là do một doanh nghiệp khác hợp tác làm ăn với doanh nghiệp TQ không được rồi tìm cách phá” - ông Tuyến nói.

Về việc đòi phí bảo kê, ông Tuyến nói: “Họ nói tầm bậy. Đó là hợp đồng cung cấp dịch vụ, hợp tác làm ăn, lỗ thì chịu, lời cùng chia. Ở đây mình làm dịch vụ, lo khách sạn, ăn ở, đi lại thì phải có khoản phí đó chứ họ xù thì sao. Họ qua du lịch chứ có qua đâm chém đâu mà bảo kê! Sắp tới tôi sẽ trực tiếp làm việc để làm rõ chuyện này”.

Trả lời câu hỏi “Khi làm giám đốc Sở VH-TT&DL, ông có biết những hoạt động của Công ty Silent Bay (do vợ ông đứng tên thành lập, hiện nay con ông làm giám đốc - NV) trong việc hợp tác với các công ty lữ hành TQ”, ông Tuyến nói: “Đó là hợp tác công khai, luật pháp không cấm và Công ty Silent Bay đều có báo cáo cho Sở VH-TT&DL, không báo cáo UBND tỉnh”.

Trả lời Người Lao Động, ông Trương Đăng Vũ Thụy cho hay Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã vào cuộc làm rõ vụ việc. Ông Thụy nói: “Tôi mỏi mệt về chuyện này lắm rồi. Tổng cục An ninh mời tôi làm việc rồi. Tôi đã cung cấp giấy tờ cho họ. Có nghĩa là cái này đang trong quá trình điều tra và tôi đã giải trình rất nhiều lần”.

 

Theo PLO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh