Đặc trưng du lịch Vĩnh Long là gắn với sông nước, do đó, hầu hết các tour đều thông qua tàu du lịch vận chuyển khách
Đặc trưng du lịch Vĩnh Long là gắn với sông nước, do đó, hầu hết các tour đều thông qua tàu du lịch vận chuyển khách. Do đó, an toàn sông nước phải luôn được đặt lên hàng đầu; đặc biệt, thời tiết đang vào mùa mưa lũ, cần thực hiện nghiêm các quy định an toàn giao thông đường thủy, đẩy mạnh công tác thanh tra, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho du khách.
Áo phao được trang bị trên tàu để đảm bảo an toàn cho du khách. |
Du lịch vùng sông nước
Hiện nay, toàn tỉnh có 40 điểm tham quan du lịch, đa số ở 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ. Ngoài ra, một số điểm vườn rải rác trên các cù lao: Lục Sĩ Thành (Trà Ôn), Thanh Bình, Quới Thiện (Vũng Liêm) và các tuyến vườn dọc sông Măng Thít hoặc qua địa bàn huyện Tam Bình.
Theo ông Trần Thiện Ngoan- Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH, TT và DL Vĩnh Long): “Hiện tỉnh có hơn 100 tàu vận chuyển khách du lịch từ 9- 50 chỗ.
Nhiều nhất là Công ty Du lịch Mê Kông Travel 30 chiếc, Công ty CP Du lịch Cửu Long 25 chiếc, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Vĩnh Long, Khu du lịch Vinh Sang gần 10 chiếc”.
Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho du khách, ngành VH, TT và DL thường xuyên tuyên truyền các điều kiện, quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa như: phải trang bị đầy đủ các dụng cụ cứu sinh, có chứng chỉ chuyên môn phù hợp, phải được bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn giao thông đường thủy, huấn luyện về cứu sinh, cứu hỏa, cứu đắm và sơ cứu y tế; có chứng chỉ bơi lội… cho chủ doanh nghiệp, thuyền viên, người lái tàu, hướng dẫn viên phục vụ trên tàu chở khách du lịch biết, hiểu để thực hiện.
Cuối năm 2015, Sở VH, TT và DL đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và người trực tiếp tham gia vận chuyển khách du lịch bằng ôtô, tàu thủy.
Các học viên đã tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích, trong đó có kỹ năng sơ- cấp cứu khi xảy ra sự cố đối với du khách và những quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải du lịch… Từ đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, góp phần đảm bảo an toàn cho du khách trong suốt quá trình
vận chuyển.
Vĩnh Long có 3 bãi tắm du lịch ở điểm du lịch An Bình, Khu du lịch Vinh Sang và Khu du lịch Mê Kông Đồng Phú (Long Hồ).
Được biết, các bãi tắm này đều bố trí nhân viên túc trực để hướng dẫn du khách tắm và cứu hộ khi xảy ra sự cố.
“Đối với bãi tắm tại điểm du lịch An Bình, Công ty CP Du lịch Cửu Long lúc nào cũng cử 2 nhân viên đã qua tập huấn về đuối nước để ứng cứu kịp thời, đảm bảo an toàn cho du khách tắm tại đây”- ông Lê Chí Cường- Phó Chánh Văn phòng Công ty CP Du lịch Cửu Long cho biết.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách
Mặc dù vậy, trong quá trình hoạt động, các phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch vẫn còn một vài tồn tại như: việc hướng dẫn cho du khách mặc áo phao trong suốt quá trình vận chuyển còn hạn chế, một số tàu du lịch do các cá nhân, hộ gia đình tự khai thác đôi khi vẫn còn tình trạng chở quá số người quy định, việc thiếu chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ bơi lội, chưa qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn giao thông đường thủy, huấn luyện về cứu sinh, cứu hỏa, cứu đắm và sơ cứu y tế là điều không tránh khỏi.
Khắc phục những hạn chế trên và rút kinh nghiệm từ vụ lật tàu du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn (Đà Nẵng) vào tối 4/6/2016, ông Nguyễn Thanh An- Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL Vĩnh Long đã chỉ đạo Thanh tra sở và Phòng Nghiệp vụ du lịch phối hợp xây dựng kế hoạch để kiểm tra các quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa đối với các tàu du lịch trên phạm vi toàn tỉnh.
Theo đó, trong thời gian tới ngành VH, TT và DL sẽ phối hợp với Thanh tra Giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải và Cảnh sát giao thông đường thủy thuộc Công an tỉnh kiểm tra tất cả các phương tiện vận chuyển khách du lịch trong tỉnh.
Chủ yếu là việc trang bị dụng cụ cứu sinh, bằng lái tàu, các loại chứng chỉ chuyên môn đối với thuyền viên, số lượng khách chở trên tàu so với đăng ký ban đầu, chế độ đăng kiểm, trang bị kèn báo hiệu, phương tiện xử lý rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường,…
Ông Trần Thiện Ngoan cho biết: Trong đợt kiểm tra này, bên cạnh việc thực hiện công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch, ngành cũng phối hợp các ngành liên quan xử lý nghiêm những trường hợp doanh nghiệp, chủ phương tiện vi phạm về đảm bảo an toàn cho khách du lịch bằng
đường thủy.
Đồng thời, sau đợt kiểm tra, ngành sẽ xây dựng kế hoạch tiếp tục mở lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ lái tàu và nhân viên phục vụ trên tàu nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, các kỹ năng cứu hộ, góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách đến tham quan, du lịch Vĩnh Long trong mùa mưa lũ.
Hiện tỉnh có hơn 100 tàu vận chuyển khách du lịch từ 9 đến 50 chỗ. Nhiều nhất là Công ty Du lịch Mê Kông Travel 30 chiếc, Công ty CP Du lịch Cửu Long 25 chiếc, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Vĩnh Long, Khu du lịch Vinh Sang gần 10 chiếc. Đáng lo ngại là một số tàu hoạt động tự do, bắt khách lẻ và tự tổ chức tour. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin