Những chuyện kể về hiện vật trong nhà Công tử Bạc Liêu

08:05, 31/05/2016

Khi nói về "Công tử Bạc Liêu" chúng ta thường nghĩ đến chàng trai phong lưu con nhà giàu "nứt khố đổ vách" gắn với những giai thoại vung tiền ăn chơi không chút đắn đo, sống không biết ngày mai…

Khi nói về “Công tử Bạc Liêu” chúng ta thường nghĩ đến chàng trai phong lưu con nhà giàu “nứt khố đổ vách” gắn với những giai thoại vung tiền ăn chơi không chút đắn đo, sống không biết ngày mai…

Và nếu có dịp tham quan ngôi “Nhà Lớn”, chắc hẳn ai cũng phải “ngả mũ” bởi những hiện vật vô giá được bày biện trong nhà…

Chân dung Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu)
Chân dung Trần Trinh Huy (Công tử Bạc Liêu)

Dinh thự của Công tử Bạc Liêu (tên thật: Trần Trinh Huy) nằm trong quần thể di tích kiến trúc của dòng họ ông Hội đồng Trạch (Trần Trinh Trạch) toạ lạc tại số 13 đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1919 (đến nay gần tròn 100 năm), do kĩ sư người Pháp thiết kế, với hầu hết vật liệu xây dựng đều được đặt mua tại Paris (Pháp).

Cho nên tuy mới đầu thế kỷ 20, nhưng ngôi nhà hai tầng lầu này đã mang lối kiến trúc Tây Âu hiện đại và sang trọng. Nó vươn lên một cách bề thế làm chìm khuất cả dãy phố nhìn ra sông Bạc Liêu, cho nên người ta gọi là: “Nhà Lớn”. 

Gần 100 năm đã qua đi với bao biến thiên thăng trầm, nhất là giai đoạn chiến tranh Việt – Pháp - Nhật (1940 - 1954), ngôi nhà và các vật dụng đã bị xuống cấp, thất lạc rất nhiều…

Bàn xoay

Qua một số tư liệu, chúng tôi được biết ngoài “Nhà Lớn” (trung tâm 1), ông Hội đồng Trạch còn xây dựng ở Bàu Sàng (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) một ngôi nhà gọi là “Nhà Lầu” (trung tâm 2). Bàu Sàng từng là nơi Công tử Bạc Liêu tổ chức cuộc thi “Hoa hậu” đầu tiên ở Việt Nam (dù chỉ ở cấp sở điền).

Những năm 1945, do chiến tranh, gia đình Trần Trinh Huy đã chở nhiều đồ dùng quý giá từ Nhà Lớn (Khách sạn Công tử Bạc Liêu ngày nay) về cất giữ trong Nhà Lầu. Sau đó, lợi dụng tình hình rối ren, Nhà Lầu bị tá điền cướp nhiều tài sản rồi bị đốt trụi…

Bước vào cửa chính tầng trệt, đập vào mắt du khách là chiếc xe Citroen có bảng hiệu “NBK 018” đặt trên bệ phủ thảm đỏ. Nghe nói chiếc xe này đã được Công tử Bạc Liêu “độ” lại để đi thăm các sở điền.

Tầng trệt gồm 2 phòng ngủ, hai đại sảnh khá rộng và sang trọng cùng với cầu thang dẫn lên lầu.

Chính giữa phòng khách là bộ trường kỷ “Ngũ sơn” (phần lưng tựa hình năm ngọn núi), trên tường được trang trí bộ tranh “Tứ bình” (mai, lan, cúc trúc) chạm gỗ, chung quanh là những chiếc tủ trưng bày đồ vật quý hiếm, chiếc đồng hồ quả lắc chân đứng bằng gỗ cao hơn 2m, chiếc máy hát (pick-up) loa hoa kèn…

Đặc biệt có những đồ vật khá hiện đại như tivi đen trắng, máy nghe nhạc Akai (dễ hiểu bởi Công tử Bạc Liêu sống tới năm 1973, lúc đó đã có những máy móc này). Dưới chân chiếc tivi còn có tượng 2 con tê giác bằng đồng khá lớn, đã lên màu ten xanh, chắc chắn rất quý hiếm...

Theo chúng tôi nhận xét, giá trị nhất trong các vật dụng hiện được trưng bày trong “Nhà Lớn” chính là những hiện vật bằng gỗ (bàn ghế, tủ, giường, sạp…) bởi tất cả đều được khảm xà cử một cách rất tinh xảo, không hề trùng lặp họa tiết.

Ngoài bộ trường kỷ “Ngũ sơn” kể trên còn có bộ bàn xoay “Tam lân” (bàn tròn mặt bằng đá, chân quỳ tam giác có chạm 3 con lân), bộ “Tượng bành” (có hình chiếc bành đặt trên lưng voi), sạp “Tam thành” (3 vách) là nơi ngủ của Trần Trinh Khương, em trai của Công tử Bạc Liêu), giường ngủ của ông bà Hội đồng Trạch, giường cho khách hút thuốc phiện, bàn đánh bài… đều là những vật dụng rất có giá trị. 

Ông Nguyễn Minh Hùng (số nhà 91, đường Trần Huỳnh, TP.Bạc Liêu) cho biết, lúc còn đi học, ông rất mê đồ cổ. Ông được cha giao lại những món đồ xưa tìm kiếm trong dân gian làm của…

Khi lớn lên, ông Hùng tiếp tục sưu tầm đồ xưa, ông tìm gặp và mua lại trong những người tá điền, người thân của gia đình Công tử Bạc Liêu nhiều món đồ quý mà ông Trần Trinh Huy từng sử dụng lúc còn sống tại Bạc Liêu như:

5 chiếc giường ngủ, 5 bộ trường kỷ bằng gỗ cây huỳnh đàn (sưa) khảm xà cừ, sạp lót bằng đá Vân Nam Trung Quốc, mỗi chiếc có giá gần 10 tỷ đồng Việt Nam, 1 bộ kỷ trà, 1 bộ ống hút thuốc lá bằng gỗ chạm khắc tinh xảo, 1 khay đựng bánh mứt đều bằng gỗ cây sưa, khảm xà cừ, vòng đeo tay của vợ công tử làm bằng đá từ dung nham núi lửa, trâm cài tóc bằng ngà voi, cây đàn tranh…

Sập Tam Thành
Sập Tam Thành

Đặc biệt trong các hiện vật bằng gỗ khảm xà cừ nay, nổi trội hơn hết là cặp giường ngủ “nóng, lạnh” của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Cặp hiện vật này đã “vật hồi cố chủ” từ chùa Khmer Sà-Lôn (tức chùa Chén Kiểu ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng - cách Bạc Liêu 50 km).

Theo đó, vào năm 1948 vị trụ trì chùa đã mua được 2 chiếc giường nóng và lạnh. Hai chiếc giường này trước kia đặt ở Nhà Lầu (Bàu Sàng, Vĩnh Lợi), bị tá điền lấy bán cho chùa.

Mỗi chiếc giường dài 2,5 m, rộng 2 m, được đóng bằng gỗ sưa (huỳnh đàn), xung quanh được khắc cẩn xà cừ với nhiều hoa văn tinh xảo. Mỗi chiếc giường cổ này cẩn đến 30 kg ốc xà cừ… Với giá thị trường hiện khoảng 200 triệu đồng/kg ốc xà cừ, thì riêng phần ốc xà cừ đã đến 6 tỷ đồng. Như vậy, giá trị thực của mỗi chiếc giường có thể trên dưới 10 tỷ đồng…

Theo quan sát của chúng tôi, phần mặt của chiếc giường nóng gồm 3 miếng gỗ giáng hương ghép lại được dùng để ngủ vào mùa mưa lạnh; còn chiếc giường lạnh thì có lót những miếng đá lớn dùng để ngủ vào mùa hè nóng nực cho mát….


Ngoài ra còn phải kể đến tấm phản dài 3m, rộng hơn 2m và dày đến 0,2m bằng danh mộc nguyên khối (1 tấm không ghép) và bộ bàn ghế Louis gồm 1 bàn cao (chính), 2 bàn thấp (phụ) và 6 chiếc ghế chạm khắc giống hình cánh dơi (dưới mỗi sản phẩm đều có khắc niên hiệu 1919)…

Trên mặt những chiếc bàn không bao giờ để trống, mà được đặt lên đó những vật dụng (thường là cổ vật) khác. Đó là chiếc bình gốm uống rượu “Cá hóa rồng”, bộ ấm trà men ngọc viền nhủ vàng, chiếc lư bằng bạc…

Rải rác đây đó là những chiếc độc bình bằng sứ, những chiếc chóe gốm Cây Mai (Sài Gòn), gốm Lái Thiêu (Bình Dương)… Đặc biệt có một đĩa sứ men lam khổng lồ vẽ dãy núi, rừng tùng, thác nước… đĩa sứ này để dùng đựng chiếc bánh in khổng lồ trong lễ cúng mùa (mỗi lần cúng, “Nhà Lớn” làm 3 chiếc bánh in to như vậy).

Trên trần của mỗi phòng trong nhà là những chùm đèn pha lê, thỉnh thoảng điểm xuyết nhưng chiếc đèn măng-sông (manchon) vang bóng một thời. Trên mỗi cột nhà cũng được trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt…

Bộ bàn ghế Louis
Bộ bàn ghế Louis

Ở tầng trệt, có một phòng dành cho ông Trần Trinh Đức là con trai út của Công tử Bạc Liêu ngồi bán sách như một nhân chứng sống cho một thời huy hoàng của dòng họ Trần Trinh…

Ông Đức năm nay 70 tuổi, là con của ông Trần Trinh Huy với người vợ quê Mỹ Tho (Tiền Giang) là bà Nguyễn Thị Hai. Sau khi cha mất, ông Đức được chia tài sản nhưng vì nhiều lý do nên ngã bệnh. Sau đó, ông nhiều năm phiêu bạt tận Campuchia, rồi lên Sài Gòn sống bằng nghề chạy xe ôm.

7 năm trước ông Đức đưa vợ con về lại Bạc Liêu và vẫn mưu sinh bằng chiếc xe máy. Mồng 4 Tết Giáp Ngọ vừa qua, ông Đức được nhận vào làm việc tại chính dinh thự của cha mình.

Các mạnh thường quân và chính quyền địa phương cũng quan tâm, tạo điều kiện cho ông Đức có nhà ở ổn định trong một khu dân cư tại TP Bạc Liêu.

Theo tamnhin.net

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh