Khách ngoại chê du lịch TP HCM

06:04, 13/04/2016

Những góp ý thẳng thắn dưới đây chưa phải là cái nhìn toàn diện về du lịch TP HCM nhưng "thuốc đắng dã tật" sẽ giúp TP sửa đổi.

Những góp ý thẳng thắn dưới đây chưa phải là cái nhìn toàn diện về du lịch TP HCM nhưng “thuốc đắng dã tật” sẽ giúp TP sửa đổi.

Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “Du lịch TP HCM thua sút” (ngày 10/4), nhiều bạn đọc cho rằng lâu nay TP mải “kiêu căng” với vị trí đứng đầu cả nước nên khi nhìn lại thì không bằng ai, tour ngày càng kém, không có gì thu hút...

“Báo Người Lao Động hãy làm một cuộc phỏng vấn “bỏ túi” đối với một số du khách thì sẽ biết ngay vì sao du lịch TP sa sút. Nhìn thẳng vào sự thật để có giải pháp khắc phục và phát triển”.

Từ lời gợi ý này, chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của du khách thuộc nhiều quốc tịch đang du lịch tại TP HCM.

Ông MEHDI (quốc tịch Iran):

Thiếu đặc trưng

Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam. Tôi muốn đi du lịch Việt Nam để khám phá về văn hóa của người Việt nhưng khi đến

TP HCM, tham quan nhiều nơi, tôi không tìm thấy được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Việt Nam.

Đa số thức ăn không hợp vệ sinh, giá bán cho khách nước ngoài cao hơn rất nhiều so với người dân địa phương. Tôi phải trả tới 4 USD cho một ly cà phê nhỏ và chất lượng rất tệ. Nhiều nhân viên không rành ngoại ngữ, thái độ phục vụ không tốt.

Du khách tham quan nhà thờ Đức Bà (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều
Du khách tham quan nhà thờ Đức Bà (TP HCM)Ảnh: Hoàng Triều

Anh JEFF (quốc tịch Úc):

Ô nhiễm, buồn chán

Tôi thấy không khí TP HCM ô nhiễm nặng, rác thải khắp nơi. Dường như người dân địa phương không có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Nhiều người dắt chó đi vệ sinh tại công viên. TP thiếu nhiều không gian xanh.

Thủ tục hành chính rườm rà. Khách du lịch phải xếp hàng dài để đóng dấu hộ chiếu. Vì sao 200 người phải chờ đợi 1 người để được hoàn thành thủ tục hành chính mà không phải là 6-7 người làm việc này?

Tôi cũng không hài lòng khi nhiều người chèo kéo khách du lịch mua hàng hóa, sử dụng các dịch vụ và họ thường lấy giá cao hơn so với mức giá bình thường.

TP HCM chỉ là một điểm đáp để sau đó tôi tiếp tục hành trình khám phá vùng đất mới bởi ở đây ngoài viện bảo tàng, công viên, nhà thờ Đức Bà, tôi chẳng còn biết đi đâu cả. Buổi tối, chỉ có thể ra đường Bùi Viện uống bia rồi về khách sạn ngủ. Trước đó, tôi đã có một khoảng thời gian khá thú vị để khám phá văn hóa đặc sắc ở miền Tây.

Ông ARNE (quốc tịch Na Uy):

Giao thông rất kinh khủng

Tình trạng giao thông ở TP HCM vô cùng kinh khủng, người ta tham gia giao thông không theo bất cứ luật lệ nào. Xe máy quá nhiều, chen chúc, bóp còi inh ỏi, thản nhiên lưu thông trên vỉa hè; người đi bộ không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông. Tôi rất khiếp sợ khi chứng kiến một vụ tai nạn giao thông ngay trên đường phố. Từng đi du lịch ở Thái Lan, ở đó xe cộ rất đông nhưng làn đường được phân định rõ ràng, có những con đường đi bộ riêng biệt. Tôi cảm thấy thoải mái và an toàn hơn rất nhiều.

Thêm nữa, ở TP HCM rất ồn ào, người dân có thể mở nhạc to, làm ồn nơi công cộng, không tôn trọng người khác. Điều này khiến tôi cảm thấy mệt mỏi và không thoải mái. Tiền ở khách sạn tại TP HCM cũng cao hơn rất nhiều so với những nơi khác. Đến Việt Nam, tôi thích đi du lịch Vũng Tàu hơn.

Ông GREGORY (người Pháp, quốc tịch Úc):

Sợ hàng rong, xin tiền

Một trong những phiền phức lớn nhất khi tôi đến TP HCM là nạn chèo kéo để bán hàng hóa hoặc các dịch vụ. Tôi vào chợ Bến Thành, bị nài nỉ mua hàng rất khủng khiếp trong khi hàng ở đó giá đắt gấp nhiều lần. Những người bán hàng rong không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thái độ phục vụ không tốt. Tôi và những người bạn còn thường xuyên bị những người đánh giày mời mọc dù không có nhu cầu. Nhiều người ăn xin nài nỉ xin tiền và tỏ thái độ khó chịu khi chúng tôi không cho.

Ông MiKe (quốc tịch New Zealand):

Quá hoang mang

Tôi đến TP HCM được 10 ngày và đã trải qua rất nhiều chuyện. Đi taxi thì bị “chém”, ra công viên thì có người đến lân la trò chuyện rồi lấy ví. Một thanh niên hỏi tôi đánh giày, giá đã được thỏa thuận 20.000 đồng nhưng khi xong, tôi phải trả số tiền 250.000 đồng vì một số lý do gì đó… Tôi không đồng ý, anh ta lấy dao ra tự cứa vào tay mình, dọa nếu không trả tiền, anh ta sẽ tự sát.

Khi chọn đi du lịch ở TP HCM, tôi dành nhiều tình cảm với đất nước và con người Việt Nam. Tuy nhiên, những sự việc đã xảy ra để lại trong lòng tôi chỉ là sự hoang mang, lo sợ.

Các chuyên gia du lịch lên tiếng

Cần một cuộc “lột xác” để du lịch trở thành ngành mũi nhọn xứng tầm, thu hút du khách nội địa, quốc tế.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, những người tâm huyết với ngành du lịch TP HCM thẳng thắn cho rằng ngành du lịch TP chưa xứng tầm, không có nhiều đột phá, tỉ lệ đóng góp của du lịch TP về lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng giảm dần...

Không có sản phẩm mới

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐTV Lửa Việt Tours, cho rằng TP HCM cần nhìn để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực chứ không phải so kè với những địa phương khác trong nước. Muốn vậy, cần một cuộc cách mạng, thẳng thắn nhìn lại nếu không, du lịch TP vẫn tăng trưởng nhưng là những bước đi rất chậm…

“Trước đây cứ 10 khách quốc tế đến Việt Nam thì tới 7 du khách sẽ ghé TP HCM. Nay, theo số liệu mới nhất của Sở Du lịch TP trong quý I/2016, tỉ lệ đóng góp về thu hút khách quốc tế của TP chỉ còn khoảng 40%.

Vì sao du khách tới TP sụt giảm? Có rất nhiều nguyên nhân nhưng cần phải thẳng thắn nhìn lại, xem lỗi ở đâu để thay đổi. Có nhiều ý kiến nói phải miễn visa nhiều nước để thu hút du khách nhưng miễn visa xong mà sản phẩm không mới, không có gì giữ chân, du khách cũng chỉ đến một lần không trở lại. Một doanh nghiệp (DN) lữ hành cứ khoảng 3 tháng phải tìm kiếm, thiết kế sản phẩm tour mới để giới thiệu, quảng bá cho du khách. Trong khi TP HCM cả chục năm qua không có sản phẩm nào mới” - ông Mỹ nói.

Theo nhiều DN lữ hành, lâu nay TP là điểm trung chuyển, không phải điểm du lịch để giữ chân, thu hút du khách. TP có biển Cần Giờ nhưng chưa khai thác hết lợi thế, sản phẩm nghèo nàn, an ninh và an toàn vệ sinh thực phẩm lại đang làm nản lòng du khách.

Còn theo vị chủ tịch hội đồng quản trị một công ty lữ hành tại TP, những địa phương khác tập trung vào điểm nhấn như du lịch biển, du lịch mua sắm, du lịch nghỉ dưỡng..., trong khi du lịch TP chưa chọn hoặc đầu tư vào điểm nhấn nào đặc biệt. Ngay ẩm thực vốn nổi tiếng đa dạng và hấp dẫn nhưng chưa có quy hoạch những con phố riêng hay sự tham gia bài bản của DN để đem lại an tâm cho du khách.

Lay lắt tour kênh Nhiêu Lộc

Cuối năm ngoái, khi tour du lịch chèo thuyền dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn chính thức đưa vào khai thác, nhiều người làm du lịch đã rất kỳ vọng. “Nay thì nản quá, khó khăn chất chồng, nhiệt huyết mất dần. Không phải ai có tấm lòng muốn phát triển sản phẩm du lịch mới cũng dễ…” - ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn, chia sẻ.

Theo ông Anh, ngày 2-9-2015, tour Nhiêu Lộc bắt đầu đón khách nhưng từ đó đến nay, công ty liên tục gặp khó khăn do khi thì giấy phép hết hạn, lúc phải dừng đón khách vì thiếu các công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu tối thiểu của du khách từ nhà vệ sinh, giải khát, quầy lưu niệm, điểm giữ xe…

Từ đầu năm 2016 đến nay, hoạt động bước đầu ổn định nhưng khó khăn lại phát sinh. Rác dọc bờ kè đổ xuống kênh, rác từ sông Sài Gòn đổ vào.

Đau đầu nhất là khi thuyền đi ngang qua kênh, nhiều người dân đứng trên bờ vô tư “xả bậy” xuống lòng kênh, trước mặt du khách. Đề xuất xin đầu tư 2 xe điện chạy quanh kênh Nhiêu Lộc để đưa đón khách cũng chưa được thông qua nên càng đông khách, công ty càng tốn tiền taxi để chở khách sau khi đi tour về.

“DN có đăng ký kinh doanh, có giấy phép xây dựng quầy giải khát để phục vụ khách tại khuôn viên bến thuyền nhưng Sở Giao thông Vận tải nói không được phục vụ khách không đi thuyền, không bàn ghế tại khuôn viên nhà chờ. Giờ phải phân biệt khách đi thuyền và khách đến thưởng ngoạn để phục vụ giải khát là quá khó” - ông Anh ngao ngán.

Câu chuyện về tour kênh Nhiêu Lộc có thể khiến những hãng lữ hành không muốn mạo hiểm làm tour mới. Cứ như vậy, sản phẩm du lịch của TP cũng sẽ khó có đột phá.

Theo NLĐO

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh