Du lịch làng nghề ở xứ Trảng

03:04, 19/04/2016


Nói đến xứ Trảng - cách gọi dân dã chỉ huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh - người ta hay nghĩ đến miền đất của những món ăn truyền thống đã trở thành thương hiệu như bánh canh, bánh tráng phơi sương, bánh tráng nem, muối tôm… và với vị trí bên cạnh TPHCM, Trảng Bàng có điều kiện để phát triển loại hình du lịch văn hóa làng nghề.

Nói đến xứ Trảng - cách gọi dân dã chỉ huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh - người ta hay nghĩ đến miền đất của những món ăn truyền thống đã trở thành thương hiệu như bánh canh, bánh tráng phơi sương, bánh tráng nem, muối tôm… và với vị trí bên cạnh TPHCM, Trảng Bàng có điều kiện để phát triển loại hình du lịch văn hóa làng nghề. 
 


Có dịp đi trên QL22, ngang qua thị trấn Trảng Bàng, du khách dễ dàng nhận ra các bảng quảng cáo cỡ lớn hiện diện hai bên đường của các tiệm bán bánh canh như Út Huệ, Năm Dung, Hoàng Minh... Trong đó, các tiệm bánh trên đường Nguyễn Văn Rốp (QL22 cũ) không lúc nào vắng bóng thực khách.

Nướng bánh tráng phơi sương ở thị trấn Trảng Bàng
Nướng bánh tráng phơi sương ở thị trấn Trảng Bàng

Ngoài khách trong tỉnh, khách vãng lai từ TPHCM còn có khách Campuchia đặt hàng mỗi ngày và những thùng bánh canh được đóng trong thùng xốp xinh xắn, thơm phức theo chân các bác tài xế taxi, xe khách đường dài đưa đến tận thủ đô Phnom Penh.

Đặc biệt, vào dịp lễ 30/4 hay lễ trọng của đạo Cao Đài thì xe du lịch đưa khách ghé ăn bánh canh nườm nượp. Rồi khi đã dùng món bán canh thì có một thứ không thể thiếu luôn đi kèm là bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo luộc kèm với rau thiên nhiên, lên đến gần 20 loại rau, đã làm nên thương hiệu cho xứ Trảng. 

Trong đó, bánh tráng phơi sương đã được công nhận Di sản văn hóa quốc gia trong lễ hội văn hóa - du lịch bánh tráng phơi sương lần đầu tổ chức diễn ra từ ngày 6 đến 12/4/2016 và du khách nước ngoài đến với lễ hội vừa qua rất thích thú khi tự tay làm bánh tráng phơi sương.

Hiện khu phố Lộc Du, Gia Huỳnh thị trấn Trảng Bàng và một số xã lân cận vẫn còn giữ được kỹ thuật tráng bánh hai lớp đạt độ tinh xảo chồng khít lên nhau vừa để bánh đủ dày, dai khi cuốn với nhân thịt và các loại rau, giữ ẩm tốt hơn tráng bánh một lớp.

Quy trình làm bánh tráng phơi sương cũng khá công phu từ chọn gạo, tráng bánh, nướng bánh, phơi sương. 

Ngoài bánh tráng phơi sương, Trảng Bàng còn sản xuất bánh tráng làm bằng máy xuất khẩu và cũng xuất hiện tình trạng hàng giả, hàng nhái nên khi đến đây tìm hiểu cũng giúp du khách phân biệt được các thương hiệu nào mới là chính hiệu địa phương.

Bên cạnh hai làng nghề truyền thống trên, Trảng Bàng còn có nghề rèn Gia Lộc và mây tre đan An Hòa đã được huyện quy hoạch để bảo tồn nghề truyền thống. Trong đó, nghề mây tre đan hiện có 49 hộ và 3 doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm từ bình dân đến cao cấp xuất khẩu.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, lâu nay du khách ghé Trảng Bàng chủ yếu do tự phát hoặc các tour được giới thiệu để khách ghé qua chứ chưa được tổ chức bài bản, có người hướng dẫn tham quan, tìm hiểu cuộc sống của làng nghề như ở các làng nghề du lịch khác.

Vấn đề đặt ra cho ngành du lịch tỉnh Tây Ninh và huyện Trảng Bàng là cần sớm quy hoạch, tổ chức lại làng nghề, tăng cường khâu quảng bá, kết nối tour tuyến với các công ty du lịch TPHCM để Trảng Bàng thực sự trở thành một điểm đến trong hành trình du lịch không chỉ của Tây Ninh mà của cả du lịch các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó tận dụng ưu thế của TPHCM là một điểm đến lớn, thị trường lớn; từ đó đề ra các kế hoạch liên kết, hợp tác du lịch phù hợp.

Và ngoài chức năng thương mại thuần túy thì các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp ở Trảng Bàng cũng nên mở rộng hoạt động sang du lịch vì các xã viên chính là người tường tận nhất nghề truyền thống văn hóa và xem đó là một cách để giới thiệu, tăng cường cơ hội giao thương - bán sản phẩm truyền thống của các làng nghề tại địa phương đến với du khách.

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh